Duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non bền vững

- Thứ Ba, 10/11/2020, 21:22 - Chia sẻ
Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi được Chính phủ phê duyệt năm 2010 đã tạo ra những chuyển biến tích cực cho lĩnh vực này. Đến năm 2017, cả nước đã hoàn thành phổ cập, và từ 2018 đến nay củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc rà soát, đánh giá chất lượng GDMN hiện hành, tính toán đẩy nhanh phổ cập GDMN cho trẻ em 4 tuổi...

"Một chủ trương đúng đắn"

Chiều 10.11, Tiểu ban Giáo dục mầm non, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, đã họp để thảo luận về các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi một cách bền vững. 

Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi được Chính phủ phê duyệt năm 2010 với mục tiêu: Bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Tiểu ban Giáo dục mầm non, Ngô Thị Minh khẳng định, "đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với thế hệ măng non - tương lai của đất nước". 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh​​​​​​ khẳng định, phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với thế hệ tương lai của đất nước

Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công các mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, tạo nên diện mạo mới đối với GDMN. Cụ thể, Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Bá Minh cho biết, từ khi triển khai phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, về cơ sở vật chất, chất lượng phòng học thay đổi theo hướng tích cực, bảo đảm một phòng học/lớp mẫu giáo 5 tuổi. Hầu hết phòng học cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi đã được đầu tư kiên cố, bán kiên cố. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ đã được cải thiện rất nhiều.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh, 2 khó khăn đối với phổ cập GDMN là chênh lệch giữa các vùng miền về điều kiện bảo đảm chất lượng và tình trạng thiếu giáo viên

Tuy nhiên, việc phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi nói riêng và trẻ mầm non nói chung còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương chưa phù hợp; chưa hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường, lớp mầm non, nhất là chưa quan tâm quy hoạch trường lớp, quỹ đất tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Công tác quản lý xã hội hóa giáo dục còn bất cập cả trong định hướng phát triển, quy hoạch và chỉ đạo thực hiện. Một số cơ chế, chính sách xã hội hóa chưa thật sự phát huy tác dụng như việc huy động và sử dụng các nguồn thu từ cha mẹ học sinh hoặc việc thực hiện chính sách về tín dụng, đất đai phục vụ cho xây trường, lớp mầm non...

Tiến tới phổ cập GDMN cho trẻ 4 tuổi

Bộ GD - ĐT đang tiếp tục xem xét để thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những bất cập nêu trên. Tại phiên họp, đại diện các địa phương chia sẻ kinh nghiệm thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi cũng như đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để duy trì thành công này, tiến tới phổ cập GDMN cho trẻ 4 tuổi. 

Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Quảng Ninh Châu Hoài Thu cho biết, ngoài các chính sách của Trung ương, Quảng Ninh còn có một số chính sách đặc thù cho trẻ em và giáo viên mầm non để phủ rộng hơn các đối tượng được thụ hưởng

Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Quảng Ninh Châu Hoài Thu cho rằng, một trong những điều kiện giúp Quảng Ninh sớm hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi là có các chính sách đặc thù cho trẻ em và giáo viên mầm non. Bên cạnh các chính sách chung của Trung ương, Quảng Ninh đã chủ động ban và triển khai hiệu quả một số chính sách đặc thù đối với trẻ em và đội ngũ giáo viên mầm non, như hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em học mẫu giáo tại các cơ sở GDMN; kéo dài thực hiện một số chính sách đối với trẻ em và giáo viên mầm non...

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào GDMN là vô cùng cần thiết. Kinh nghiệm của Bắc Ninh là tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 55/QĐ-UBND ngày 14.4.2011 của UBND tỉnh về "Chương trình Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015" tới các ban, ngành, đoàn thể xã hội, cộng đồng, tạo sự hưởng ứng tích cực của các bậc cha mẹ trẻ và sự ủng hộ của toàn xã hội. 

Sở GD - ĐT Bắc Ninh đã chỉ đạo các cơ sở GDMN xác định phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên mầm non là một tuyên truyền viên trong công tác cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Thường xuyên tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân để xây dựng và cải tạo phòng học, phòng chức năng, các công trình phụ trợ, sân chơi, mua sắm đồ dùng thiết bị... góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phổ cập.

TS. Nguyễn Ngọc Hiền, thành viên Tiểu ban Giáo dục mầm non, đề nghị, cần có đánh giá tổng thể trước khi quyết định triển khai phổ cập GDMN cho trẻ 4 tuổi

Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Bắc Giang Nguyễn Văn Thêm nhấn mạnh, cơ chế, chính sách là điều kiện tiên quyết để GDMN nói riêng, giáo dục nói chung phát triển. Với Bắc Giang, có thể đẩy nhanh phổ cập 4 tuổi, và nếu theo tiêu chí như 5 tuổi thì đến 2025 có thể hoàn thành phổ cập.

Tuy vậy, một số chuyên gia đề nghị Bộ GD - ĐT cần có đánh giá tổng thể các điều kiện bảo đảm chất lượng, nghiên cứu căn bản quy mô GDMN, từ đó có chính sách vĩ mô, thì mới giải quyết căn cơ các vấn đề của GDMN hiện nay và quyết định lộ trình triển khai phổ cập GDMN cho trẻ 4 tuổi.

PV