Đường lối thiên hữu trở lại chính trường Nhật Bản

Ngọc Nhàn 21/10/2012 09:00

Mặc dù mới được bầu làm thủ lĩnh đảng Dân chủ tự do Nhật Bản (LDP), đảng đối lập lớn nhất ở xứ sở mặt trời mọc, cựu Thủ tướng Shinzo Abe được cho là người rất có khả năng trở thành Thủ tướng kế tiếp của Nhật Bản, do LDP có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới. Vì vậy, chuyến thăm đền Yasukuni của ông ngày 17.10 vừa qua đã dấy lên mối lo ngại, chính trị gia theo đường lối cứng rắn này có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự thiên hữu, làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng châu Á, vốn đã bị xấu đi do các tranh chấp biển đảo thời gian gần đây.

Trong quá khứ, các cuộc viếng thăm của lãnh đạo cấp cao Nhật Bản tới ngôi đền Thần đạo, nơi thờ những binh lính Nhật tử trận, trong đó có cả những người bị coi là tội phạm chiến tranh hạng A trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, từng gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Chuyến thăm của ông Abe thu hút sự chú ý bởi đây là lần đầu tiên ông tới ngôi đền, sau khi tái đắc cử chức Chủ tịch đảng LDP hồi tháng trước. Trong cuộc bầu cử mang tính chất nội bộ này, cựu Thủ tướng Nhật đã công bố cương lĩnh cứng rắn nhất so với 5 ứng cử viên còn lại, kêu gọi mở rộng giới hạn của bản Hiến pháp hòa bình, cho phép quân đội phát triển “bình thường” và ủng hộ việc giáo dục tinh thần yêu nước theo hướng “thông cảm” với các hành động của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Thủ lĩnh đảng LDP còn tuyên bố, nếu trở lại chức vụ Thủ tướng, ông sẽ vẫn tới đền Yasukuni, cử chỉ mà chưa Thủ tướng Nhật Bản nào thực hiện suốt 6 năm qua, kể cả chính ông khi còn đương nhiệm.

Thực tế, cựu Thủ tướng Shinzo Abe chỉ tại vị đúng một năm kể từ khi nhậm chức năm 2006, do dư luận trong nước quay lưng lại với chương trình nghị sự thiên hữu. Hiện nay, cơ hội thứ hai có vẻ như sẽ đến với chính trị gia có khuynh hướng bảo thủ này, do nhiều người dân cảm thấy bất an trước sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc, trong bối cảnh ảnh hưởng của Nhật Bản về kinh tế và chính trị tại châu Á giảm sút đáng kể. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đa số cử tri sẽ phản đối việc gây thêm sóng gió ngoại giao, yếu tố có thể làm tổn thất kinh tế khó lường, vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật. Đó là lý do khiến Shinzo Abe bắt buộc phải giữ quan điểm cứng rắn trong nội bộ đảng, nhưng việc ông có tiếp tục đường lối đó hay không khi giới thiệu trước công chúng toàn quốc lại là một chuyện khác.

Chủ tịch đảng đối lập LDP, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe Nguồn: Japan Times
Chủ tịch đảng đối lập LDP, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Nguồn: Japan Times
Đây cũng là một mối quan tâm của Mỹ, vốn có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho Nhật. Nhiều nhà phân tích nhận định, Washington sẽ không bao giờ ủng hộ một cuộc chiến nhiều rủi ro với Trung Quốc, nếu Nhật là bên khiêu khích gây ra sự đối đầu trên các vùng biển xung quanh hòn đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Vì thế, nếu Thủ tướng sắp tới của nước Nhật thực hiện đúng những gì đã nói, ông ta sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Có thể, ông Abe sẽ phải rút ra bài học lớn sau thất bại cách đây 5 năm: đừng bao giờ vượt quá phạm vi “có thể chấp nhận” của dư luận.

Bảng thành tích cầm quyền nhiệm kỳ trước của ông Abe chứa đựng những kết quả trái ngược. Chính Shinzo Abe đã phủ nhận việc quân đội Nhật cưỡng ép phụ nữ làm nô lệ tình dục trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, điều khiến cho cả Hàn Quốc và Hạ viện Mỹ, từng ra một nghị quyết lên án sự kiện tội ác của lính Nhật, hết sức tức giận. Hiện nay, có dấu hiệu cho thấy ông Abe không từ bỏ quan điểm này và vị cựu Thủ tướng này có thể còn đưa ra một lập trường cứng rắn đối với tranh chấp tại Senkaku/Điếu Ngư. Ông Abe đã tuyên bố sẽ xem xét đưa Lực lượng Bảo vệ bờ biển đồn trú trên quần đảo tranh chấp, bất chấp việc Bắc Kinh tuyên bố phản ứng bằng vũ lực bất cứ hành động nào làm thay đổi hiện trạng.

Một số nhà phân tích lại đánh giá Shinzo Abe là người theo chủ nghĩa thực dụng và sẽ theo đuổi đường lối ôn hòa khi đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng. Nhiệm kỳ trước, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông tới Bắc Kinh nhằm hàn gắn quan hệ song phương, vốn bị tổn hại do chuyến thăm đền Yasukuni của người tiền nhiệm Junichiro Koizumi.

Một câu hỏi lớn nổi lên là, trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Hàn Quốc hiện nay, liệu người dân Nhật Bản có chấp nhận chương trình nghị sự thiên hữu hơn so với cách đây 5 năm hay không? Tín hiệu xấu là hành động của thủ lĩnh đảng LDP đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều chính trị gia trong nước. Ngày 18.10, Bộ trưởng Giao thông, cơ sở hạ tầng và đất đai Nhật Bản Yuichiro Hata và Bộ trưởng phụ trách cải cách bưu chính và phòng chống thiên tai Mikio Shimoji đã dẫn đầu một phái đoàn gần 70 nghị sỹ liên đảng tới viếng đền Yasukuni. Mối quan ngại về Trung Quốc đã khiến người Nhật tỏ ra sẵn sàng chấp nhận cách xử lý cứng rắn, kể cả trong tranh chấp lãnh thổ. Chẳng hạn, dư luận không phản đối lực lượng bảo vệ bờ biển triển khai thường trực khoảng 10 tàu trong vùng biển tranh chấp. Sức ép lớn từ Bắc Kinh sẽ tạo điều kiện cho ông Abe có thêm không gian thúc đẩy quan điểm dân tộc chủ nghĩa khi đắc cử.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đường lối thiên hữu trở lại chính trường Nhật Bản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO