Dương Lôi - nơi sản sinh nghiệp Lý

TÂN AN 15/06/2014 09:29

Làng Dương Lôi ngày nay thuộc xã Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Thời Nguyễn, làng Dương Lôi, cũng là xã Dương Lôi, thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Xa xưa hơn nữa, đây là một trong những nơi tụ cư của người Việt cổ vùng đồng bằng Bắc bộ, là ấp thang mộc Thánh Mẫu Lý triều.

Chùa Cha Lư, Dương Lôi
Chùa Cha Lư, Dương Lôi
Thoạt đầu, làng có tên là Diên Uẩn, mãi đến cuối triều Tiền Lê mới đổi gọi là Dương Lôi. Việc đổi tên làng gắn với một sự kiện lịch sử lớn: vào năm Bính Ngọ 1006, Lê Long Đĩnh giết anh là Lê Long Việt, cướp ngôi vua, làm nhiều việc hủ bại, tàn bạo. Dân chúng oán hờn, quần thần trong triều bất phục. Khi đó, ở châu Cổ Pháp xuất hiện những bài kệ, những bài sấm ngữ với nội dung “nhà Lê đã suy tàn, nhà Lý sẽ lên thay”. Tương truyền, làng Diên Uẩn có một hiện tượng lạ kỳ, không mưa giông mà bỗng có sét lớn đánh vào cây gạo bên chùa Cha Lư, làm lộ ra một vuông vải điều ghi bài sấm ngữ: Gốc cây thăm thẳm/ Ngọn cây xanh xanh/ Cây hòa đao rụng/ Mười tám hạt thành/ Đông mặt trời mọc/ Tây sao náu hình/ Khoảng sáu, bảy năm/ Thiên hạ thái bình. Sau sự kiện này, làng đổi tên là Dương Lôi, tục gọi là làng Sấm (“sấm” là “lôi”). Theo truyền tụng, bài sấm ngữ như điềm trời báo sự ra đời của nhà Lý với việc năm Canh Tuất 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi vua.

Dương Lôi nổi tiếng với ngôi đình Sấm lớn đến nỗi dân chúng các vùng xung quanh thường nôm na gọi làng quê này là Kẻ Đình. Đình Sấm được xây dựng năm Bính Dần, đời Vĩnh Tộ, 1626, thờ Tuyên Bảo Thái Hậu đương cảnh Thành hoàng (Thân mẫu Lý Thái Tổ) và Bát vị Tiên hoàng Lý triều (tám vị vua Triều Lý). Đình tọa lạc trên dải đất cao ráo ở mé đông nam làng, gần bên có dòng Tiêu Tương trong vắt bắt nguồn từ Loa Hồ, chảy ra sông Thiên Đức gần đó. Mạn Bắc có ngọn Tiên Sơn; mạn Đông là dãy núi Đại Sơn chạy dài tới chùa Phật Tích trầm mặc. Cổng đình gồm 5 cửa, 3 tầng. Tòa ngũ môn đình Sấm thật lớn, 3 tầng cao hơn 10m có giá trị đặc sắc về nghệ thuật kiến trúc, vào loại rất quý hiếm của Kinh Bắc nói riêng và cả xứ Bắc nói chung. Những cửa vòm, mái ngõa ngói ống, đồng trụ, lưỡng long chầu nguyệt, rồi hoa văn, chữ khắc, các con giống, cho đến viền mái, đầu trụ, đao cuốn… tất cả đều là nghệ thuật tạo tác thời Lê Trung Hưng, đạt tới trình độ điêu luyện.

Di tích cổ kính nhất của Dương Lôi là chùa Cha Lư (Minh Châu tự), thờ Phật và thờ Thánh mẫu Phạm Thị - thân mẫu vua Lý Thái Tổ. Đây là ngôi chùa được khởi lập từ trước thời Lý - nơi có cây gạo sét đánh trong truyền thuyết. Theo truyền tụng, nhất là theo văn bia cổ còn lưu tại chùa Cha Lư, vua Lý Thái Tổ sinh ra và sống thời thơ ấu tại làng Dương Lôi. Cũng qua nội dung văn bia chùa Cha Lư, vào tháng 7.1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về thành Đại La, lập nên Kinh thành Thăng Long. Tại Kinh đô, Ngài cho xây điện Càn Nguyên để làm nơi thiết triều. Cùng thời gian ấy, tại làng Dương Lôi cũng khởi lập ngôi chùa mới, là chùa Càn Nguyên. Người đời truyền tụng rằng, chính vua Lý Thái Tổ đã cho xây dựng chùa, để mỗi khi thiết triều ở Thăng Long, Ngài lại nhớ chùa Càn Nguyên và thân mẫu nơi quê nhà. Với ý nghĩa có một không hai ấy, nên không có ngôi chùa nào trên nước Việt ta trùng tên với Càn Nguyên tự ở Dương Lôi. Lời văn trên chuông chùa Cha Lư ghi rõ: Dương Lôi là ấp thang mộc Thánh Mẫu Lý triều, xa xưa đã có chùa Cha Lư và chùa Càn Nguyên, cả hai đều có bia, vào năm Bính Ngọ triều Lý đều bị thất lạc…

Như vậy, Dương Lôi có hai ngôi chùa cổ là Càn Nguyên và Cha Lư. Thời nhà Lý dài 216 năm, có ba năm Bính Ngọ là 1066, 1126 và 1186. Vậy bia chùa Cha Lư và chùa Càn Nguyên thời khởi lập đã bị thất lạc vào một trong ba năm vừa nêu, thì đã cách ngày nay trên dưới 900 năm! Văn bia chùa Cha Lư mà chúng tôi nói ở trên được dựng ngày 7 tháng 4 năm Vĩnh Tộ thứ 6, Giáp Tý, 1624. Đó là giai đoạn trùng tu lớn, tạo Tam quan, cửa Phật và tường chùa. Ngoài ra, làng Dương Lôi còn có đền Lý Triều Thánh Mẫu, thờ riêng bà Phạm Thị, tọa lạc ngoài cánh đồng, trong khu Sơn lăng...

Có thể nói, hệ thống di tích văn hóa - lịch sử của làng cổ Dương Lôi chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật kiến trúc tín ngưỡng của người Việt ta hàng ngàn năm qua. Là đất thang mộc Thánh Mẫu Lý triều, những công trình tín ngưỡng của Dương Lôi gắn nhiều với những sự kiện lớn của nhà Lý, nhất là giai đoạn nhà Lý khởi nghiệp. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều cổ vật, như 8 ngai vua, 8 bài vị, 9 đạo sắc phong, rồi chuông đồng, bia đá, và nhiều hoành phi, câu đối cùng những tập tạp văn cổ... Đó là những sử liệu quý giá có thể giúp các nhà khoa học nghiên cứu tiến trình phát triển của vùng quê này suốt cả ngàn năm qua. Đúng như lời minh trên chuông chùa Cha Lư: Dải lụa Tiêu Tương/ Thẳm xanh hằng lĩnh/ Đất đẹp Dương Lôi/ Sản sinh nghiệp Lý/ Chùa gọi Cha Lư/ Một tòa điện Phật/ Giát ngọc tô vàng/ Tự cổ lừng danh…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dương Lôi - nơi sản sinh nghiệp Lý
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO