Đương đầu với quá khứ

- Thứ Ba, 29/10/2013, 08:21 - Chia sẻ
Khmer Đỏ, tên chính thức là Đảng Cộng sản Campuchia, sau này đổi tên là Đảng Kampuchea Dân chủ, cầm quyền từ 1975 - 1979. Trên thực tế Khmer Đỏ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, là chế độ hung bạo nhất thế kỷ XX, thường được so sánh với chế độ phát xít của Adolf Hitler. Xin giới thiệu cuốn sách tư liệu Xóa bỏ - Một nạn nhân sống sót của Khmer Đỏ đương đầu với quá khứ của Rithy Panh và người chấp bút Christopher Bataille.

Ngày 17.4.1975, quân đội Khmer Đỏ gồm những binh lính mới 15 tuổi lạnh lẽo với súng AK 47 và mệnh lệnh không bỏ sót bất cứ ai tiến vào Phnom Penh. Bằng súng trường, họ dồn dân đô thị ra vùng nông thôn, thường xuyên xảy ra giết chóc trên ruộng lúa. Chỉ bốn năm sau, Khmer Đỏ tàn sát 1,7 triệu người Campuchia, gần một phần ba dân số nước này.

Ai chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát này? Cho tới nay, phiên tòa xét xử của Liên Hợp Quốc diễn ra tại Phnom Penh đã buộc năm nhà lãnh đạo Khmer Đỏ vì tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, nhưng bọn họ hoặc chết dần do già yếu hoặc được công nhận mắc bệnh alzheimer, không thể nhớ lại những gì đã làm. Lãnh đạo Campuchia thuộc tòa án trên muốn tha thứ. “Những sự kiện này đã diễn ra cách nay hơn 30 năm và rất khó ghi nhớ”. Tòa án chỉ kết án được một người: một cựu giáo viên được gọi là “đồng chí Duch”, là chỉ huy an ninh trong bộ máy Kampuchea Dân chủ (tên gọi khi nước Campuchia trở nên nổi tiếng trong những năm tháng địa ngục), phụ trách nhà tù Trung tâm Tuol Sleng (S-21) ở Phnom Penh, nơi đã giam giữ và tra tấn dã man 12.380 người. Từ nhà ngục này, tù nhân bị đưa ra xử tử (chủ yếu bằng cuốc chim) ở “những cánh đồng chết” tại Choeung Ek, cách  trung tâm thành phố 16km về hướng đông nam.


Các nhà sư ở phiên tòa xử lãnh đạo Khmer Đỏ, 2011
Duch là một người đàn ông không hề ăn năn với giọng cười nghèn nghẹt cổ họng. Dựa trên hàng trăm giờ phỏng vấn thoải mái qua điện thoại với ông ta ở Phnom Penh, cuốn sách đáng chú ý Xóa bỏ được kể bởi Rithy Panh – một người Campuchia đã sống qua thời kỳ Khmer Đỏ. Nội dung nói về những gì tác giả và gia đình đã phải chịu đựng để tồn tại cùng với nỗ lực kiên trì để cải hóa một con người tàn nhẫn vô cùng. Viết dễ hiểu, theo phong cách không quá kích động của nhà sử học, nhà báo điều tra người Anh gốc Áo Gitta Sereny (1921 - 2012) hoặc giáo sư, nhà làm phim người Pháp Claude Lanzmann (sinh năm 1925), cuốn Xóa bỏ (The Elimination: a Survivor of the Khmer Rouge Confronts His Past) không nhằm vào sự phán xét huống hồ việc trả thù. Tác giả Rithy Panh nói: “Mục đích của tôi là Nhận thức”.

Panh mới mười ba tuổi khi bị cưỡng bức tham gia cuộc di cư hàng loạt. Cha của ông, người sau này tuyệt thực cho đến chết, là một nông dân làm đến chức thứ trưởng Bộ Giáo dục, nhưng giáo dục không có giá trị gì lúc bấy giờ. Duch nói với Panh: “Chúng tôi đã lên kế hoạch với các tầng lớp tư sản và tư bản chủ nghĩa... Những sinh viên, giáo sư, bác sĩ, kỹ sư... tất cả sẽ được đưa đến các tỉnh thành để làm việc hiệu quả”. Trường học đóng cửa và trở thành trung tâm tra tấn, gồm cả trường trung học Panh đã học trong những năm ‘60 (cùng với một số học sinh đã trở thành các nhà lãnh đạo Khmer Đỏ). Sách, báo và mắt kính bị cấm. Lợn tiến vào Thư viện Quốc gia. Panh viết: “Lợn đã thay thế những cuốn sách. Và chúng tôi thay thế những con lợn”.

Trong thế giới mới không có giai cấp của Duch, các từ “nghiên cứu” và “cải tạo” được thực hiện với nhiều ý nghĩa chết chóc khác nhau. Một chỉ huy Khmer Đỏ sẽ đến bất ngờ vào một buổi tối và gọi một số người. “Tổ chức Angkar đã chọn các bạn. Các bạn sẽ được gửi đi học. Chúng ta đi ngay lập tức”. Ngày hôm sau, thi thể của họ sẽ được nhìn thấy với đầu đập vỡ, vùi xuống đất, cuối cùng bị nhấn chìm dưới những cơn mưa. “Họ gieo rắc sợ hãi”, Panh viết, chính ông suýt mất mạng khi bị bắt đọc nhãn hiệu tiếng Pháp trên một hộp thuốc. Đọc sách bị cấm, cũng như kết hôn vì tình yêu, hoặc mặc quần áo màu, hoặc cầu nguyện.

Tháng giêng năm 1979, quân đội Việt Nam đã giải phóng thủ đô Phnom Penh. Hai mươi năm sau, Duch bị nhiếp ảnh gia người Anh Nic Dunlop lần ra dấu vết, và bị bắt giữ. Ông ta thay đổi ý thức hệ để biến thành một người khác, và theo đạo Tin Lành. “Ngài được rửa tội trong một dòng sông, nhưng dưới một cái tên giả”, Panh nhận xét, muốn cho tên hề đao phủ một cơ hội để tự giải thích. Nhưng Duch láu cá. Lời nói của ông ta trơn tuột như gió. Ông ta ẩn nấp trong những khẩu hiệu, sự phủ nhận và sự sơ suất: “Tôi gánh vác toàn bộ trách nhiệm đối với S-21”, và trong hơi tiếp theo: “Tôi chưa bao giờ tra tấn bất cứ ai”, rồi khăng khăng: “Tôi luôn luôn nghiền ngẫm những nhiệm vụ của mình. Tôi đã không được nghe tiếng con mình khóc”. Lương tâm Duch, rõ ràng, cũng đã không nghe thấy cô giáo của mình kêu gào khi bị cưỡng hiếp bằng một thanh củi, không nghe thấy người chồng cô giáo la hét khi bị buộc phải ăn phân của mình rồi bị chích điện – để ông nhận cái tội mà tất cả mọi người đều biết là bịa đặt là làm việc cho tình báo Nga, Mỹ và Việt Nam. Duch cũng không nghe thấy tiếng rên xiết của vợ tướng Lon Nol, Bộ trưởng Giáo dục, đã bị mổ bụng và bà bị rút máu đầy bốn cái túi (“rút cạn máu” là cụm từ của Duch).

Hơn nữa, Duch còn tuyên bố rằng ông ta chưa bao giờ nhìn thấy máu, hàng rào kẽm gai và các vụ hành quyết tại Choeung Ek, hoặc vụ ném những đứa trẻ từ ban công tầng ba trước mắt cha mẹ chúng, mặc dù chính Duch đã ra lệnh trong cùng thời gian (một trong hàng ngàn trang ông ta bỏ lại khi hoảng loạn chạy trốn): “Nghiền chúng thành bụi”. Trong một cách sống khác, Duch là người ngưỡng mộ các bậc vĩ nhân Gandhi và Leonardo da Vinci, ông ta nói: “Tôi muốn được như nhà vật lý thiên tài Pierre Curie”.

Rithy Panh là một nhà làm phim, và phương pháp gài bẫy của ông như dựng một cuốn phim. Từng chút một, sự dối trá của Duch lộ ra. Tất cả những chi tiết thể hiện tính người của Duch chỉ là mềm mỏng khi nói chuyện điện thoại với cấp trên, uống sữa dừa pha thêm rượu Cointreau, gọi người phụ nữ yêu thích là “đóa hoa sứ của tôi”. Chống lại phản ứng nhầm lẫn và im lặng ngày càng gia tăng của thế giới về bất cứ điều gì đã xảy ra tại Campuchia từ 1975 - 1979, Panh đã xây dựng một tượng đài xứng đáng như của nhà văn, nhà hóa học người Do Thái ở Ý Primo Levi (1919 - 1987) viết về trại tập trung Auschwitz (trong tác phẩm Nếu còn là người –  If This is a Man, 1947). Panh viết về công trình của mình: “Đây là một cuộc đấu tranh chống lại sự xóa bỏ”, và đã thành công trong việc chỉ ra rằng Duch và bè lũ tội ác của ông ta không thể chỉ giới hạn ở một vùng địa lý đặc thù.

Trong cuốn sách này, với những thước phim của mình, Rithy Panh đã phanh phui sự thật đằng sau tội ác diệt chủng khủng khiếp của Khmer Đỏ hiệu quả hơn bất kỳ cuộc xét xử nào. “Dù muốn hay không, lịch sử Campuchia nằm trong ý nghĩa sâu sắc nhất lịch sử của chúng ta, lịch sử của nhân loại”.

TRI SƠ dịch
Theo Telegraph