"Đường bơi" nào cho cá tra, cá basa?
Nhìn vào kết quả xuất khẩu cá tra, cá ba sa từ đầu năm đến nay, có rất nhiều điều chưa ổn. Nếu không được khắc phục một cách bài bản thì số phận con cá tra, cá ba sa cũng như những hộ nông dân nuôi cá ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn sẽ luẩn quẩn trong chuyện chi phí nuôi cá thì tăng, giá bán cá thì giảm mà cá vẫn bị ế đọng và thờ ơ ở thị trường nước ngoài...

Cùng với các giải pháp của Chính phủ hỗ trợ nông dân đồng bằng sông Cửu Long sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, mới đây, Ban Chỉ đạo về sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá basa của khu vực này cũng đã được thành lập nhằm phát triển sản xuất và xuất khẩu cá tra, cá ba sa bền vững. Những yếu tố quan trọng nhất trong cả quá trình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá đã được rút ra sau hơn 10 năm phát triển mạnh con cá tra, cá ba sa ở đồng bằng sông Cửu Long là yêu cầu về con giống, về thức ăn chăn nuôi, giá thành và chất lượng cá, về kỷ luật kinh doanh và đặc biệt là thông tin thị trường. Tuy nhiên, trong thực tế những yếu tố quan trọng này luôn luôn thiếu ổn định, không bảo đảm yêu cầu.
Mặc dù thị trường Ai Cập đã dỡ bỏ các rào cản đối với con cá đặc sản này của Việt Nam, song bài học về con sâu làm rầu nồi canh vẫn còn nguyên tính thời sự. Nguyên nhân của sự việc này là do một số doanh nghiệp xuất khẩu đã hạ giá bán cá ở thị trường nước ngoài để đẩy mạnh tiêu thụ hàng. Tuy nhiên, việc hạ giá như vậy đương nhiên phải kéo theo việc giảm giá thu mua ở trong nước và giảm chất lượng cá xuất khẩu. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không có nhà máy chế biến nhưng vẫn thực hiện xuất khẩu.
Theo ước tính của một doanh nghiệp xuất khẩu cá, trong tổng lượng cá xuất khẩu của cả nước hiện nay có tới 10% là cá kém chất lượng, và chính số cá này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cả và uy tín của con cá tra, cá ba sa của Việt Nam trên thị trường thế giới. Những doanh nghiệp này đã mua loại cá bị thải ra từ các khâu thu hoạch và chế biến rồi đem tân trang để xuất khẩu với giá rẻ - thậm chí phá giá chung của các doanh nghiệp khác. Nguyên nhân khác là cơ quan kiểm soát chất lượng cá xuất khẩu chưa phát triển kịp với tốc độ phát triển quá nóng của hoạt động xuất khẩu loại cá này. Để khắc phục, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát cho biết: sẽ quy rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với những đơn vị, cá nhân có nhiệm vụ kiểm soát chất lượng cá xuất khẩu và cũng sẽ tập trung cao độ kiểm soát những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nhưng không có nhà máy chế biến. Một số địa phương và doanh nghiệp cũng mong muốn đưa cá tra, cá ba sa vào danh mục mặt hàng xuất khẩu chiến lược của quốc gia, khi đó việc xúc tiến thương mại sẽ được nâng tầm lên cấp quốc gia, và như vậy sẽ hạn chế được tình trạng tranh bán, hạ giá bán ở thị trường nước ngoài.
Hiện tại cá ba sa Việt Nam đang có mặt ở khoảng 120 thị trường các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng. Thế nhưng việc sản xuất và tiêu thụ luôn bấp bênh. Còn nhớ, cuối năm 2008, người nuôi cá trong nước khốn khổ với những ao cá đầy ắp mà không thể tiêu thụ được... Vào thời điểm đó, đồng bằng sông Cửu Long có tới 14 nghìn ha ao nuôi, nhưng sau vụ ứ đọng cá này, diện tích nuôi chỉ còn lại gần 7 nghìn ha – giảm hơn một nửa diện tích nuôi.
Với người nuôi cá, khó khăn luôn đeo đẳng, còn lợi nhuận mang về lại không tương xứng với công sức và vốn liếng đã bỏ ra. Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long thuộc trường Đại học Cần Thơ, khi phân tích chuỗi giá trị cá tra đồng bằng sông Cửu Long đã chỉ ra rằng: trong tổng lợi nhuận thu được, người nuôi cá chỉ được hưởng 19,4% trong khi công ty chế biến hưởng tới 78,5% và tỷ lệ 2,1% còn lại thuộc về thương lái. Số liệu này được khảo sát, tính toán và đưa ra vào thời điểm cá tra, cá ba sa đang được giá. Còn khi cá mất giá, tỷ lệ lợi nhuận này còn chênh lệch cao hơn mà phần thiệt thòi luôn nghiêng về phía người nông dân. Trước vụ nuôi năm nay, tỉnh An Giang đã khuyến cáo nông dân rằng chỉ khi nào có trong tay hợp đồng tiêu thụ cá thì hãy mở hầm nuôi cá. Có vậy mới bảo đảm việc tiêu thụ, tránh tình trạng cá đến kỳ thu hoạch mà không biết bán cho ai. Triển khai ý tưởng này, Hiệp hội Nuôi cá An Giang và Sở Thủy sản nơi đây đã tổ chức cho các hộ đăng ký nuôi cá để nắm chắc được sản lượng.
Cơ cấu giá thành sản xuất cá tra nuôi ao gồm có: thức ăn, cá giống, lương công nhân, tiền bơm nước, lãi ngân hàng, thuốc..., trong đó riêng tỷ lệ đầu tư cho thức ăn đã chiếm khoảng 70 - 75% tổng giá thành, cộng thêm chi phí con giống thì lên tới khoảng 85%. Bởi vậy, giá thức ăn chăn nuôi và chất lượng thức ăn chăn nuôi cá là yếu tố quyết định đến giá thành và chất lượng cá. Và, như vậy, việc quản lý chất lượng là vấn đề tiên quyết đối với sự sống còn của con cá tra, cá ba sa hiện nay. Tháng 11.2008, Bộ NN và PTNT đã ban hành Quy định về quản lý chất melamine trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, trong đó cấm nhập khẩu, sản xuất kinh doanh và sử dụng các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhiễm melamine. Về giá thành, giá bán và giá xuất khẩu cá, nhiều ý kiến cho rằng trong khi giá thức ăn chăn nuôi khó ổn định thì doanh nghiệp phải có vai trò điều hòa lợi nhuận. Có như vậy, quan hệ nông dân và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mới được lâu dài, nghề nuôi cá, hoạt động chế biến và xuất khẩu cá mới thông suốt.
Mới đây, Ban Chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá basa do Bộ trưởng Bộ NN và PTNT làm Trưởng ban đã được thành lập với các thành viên là Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội nghề cá và lãnh đạo các tỉnh có quy hoạch nuôi cá tra, cá basa. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ NN và PTNT nhanh chóng phối hợp cùng các địa phương xây dựng ngay Đề án Sản xuất và Tiêu thụ cá tra, cá ba sa trình Chính phủ phê duyệt. Hy vọng, với những giải pháp quan trọng này, các vướng mắc và tình trạng mất ổn định trong việc phát triển cá tra, cá ba sa ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ được khắc phục và phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho người nuôi, doanh nghiệp, địa phương và cho nền kinh tế.