Dưới trời thu xào xạc gió heo may

Minh Quốc 01/09/2015 08:31

Sáng tháng Tám, 70 năm sau mùa thu Cách mạng, chúng tôi có dịp ngồi nghe nhà giáo Nguyễn Tiến Hà - đội viên Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, ôn lại kỷ niệm về những tháng ngày lịch sử sôi động của dân tộc. 88 tuổi đời, nhưng những hồi ức tuổi đôi mươi qua lời kể của cụ, qua lớp bụi thời gian, như gió heo may xào xạc thổi về...

Thôi thúc từ truyền thống

Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, Nguyễn Tiến Hà khi ấy đang theo học tú tài ở Trường Louis Pasteur Hà Nội. Tình cảnh đất nước bị thực dân đô hộ, hai chục triệu đồng bào lầm than dưới 2 tầng áp bức thực dân, phong kiến đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của chàng trai 17 tuổi. Được học chữ quốc ngữ, lòng yêu nước của Hà nảy nở từ tinh thần anh hùng quật khởi của Hai Bà Trưng: Bà Trưng quê ở Châu Phong/ Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên… Cùng với đó là những lời kêu gọi đứng lên giải phóng dân tộc từ các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu: Dậy mà đi/ dậy mà đi hỡi đồng bào/ dậy mà đi/ Phi châu ai kiếm/ Mỹ châu ai tìm/ nguyện cầu thành kẻ đứng lên… Xác đồng bào bị chết đói khắp nơi thổi bùng trong Hà lòng căm thù sâu sắc. Đồng bào mình khổ quá, phải đứng lên thôi, những lời thôi thúc như từ ngàn xưa vọng về.

Giai đoạn này, phong trào cách mạng Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh gây dựng đã lan rộng tại Hà Nội. Mặc dù bị kiểm duyệt gay gắt, song qua những tờ truyền đơn, những bài văn vần tuyên truyền cách mạng của Việt Minh đã đến được với rất nhiều thanh niên Hà Nội, trong đó có Hà. Với tuyên ngôn, lý tưởng rõ ràng là liên kết tất thảy đồng bào, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn, Việt Minh đã chiếm trọn cảm tình của Hà cùng nhiều bạn bè đồng trang lứa. Từ đây, lòng yêu nước của những chàng trai Hà thành đã gặp được ánh sáng soi đường. Quyết định lựa chọn theo Việt Minh của Tiến Hà còn có một lý do rất lớn, đó là sự ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Thông qua truyền đơn và được các đội viên lớn tuổi của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu như Thụy Hải, Lê Như Vệ, Vũ Quý, Tạ Hoàng Cơ trực tiếp giác ngộ, Tiến Hà quyết chí đi theo cách mạng. Tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, Hà nhiệt tình với phòng trào truyền bá quốc ngữ. Căn nhà ở Ngõ Quỳnh, phố Bạch Mai của gia đình Hà tối tối chập chờn ánh đèn cùng những tiếng đánh vần i a của người lao động nghèo, phu phen, thợ thuyền. Đầu năm 1945, Hà cùng đội tự vệ khu phố tập luyện cách sử dụng vũ khí chiến đấu; tham gia dán truyền đơn tuyên truyền, vận động đồng bào ủng hộ Việt Minh khắp phố Bạch Mai cũng như các xã Mai Động, Hoàng Mai, Tương Mai, Kim Liên. Hà còn xung phong tham gia các hoạt động trừ gian, vận động trung lập các tư sản, tri thức; trừ khử tay sai cho Nhật.

Trước những biến chuyển mau lẹ của Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, ngày 17.8.1945, Tổng hội Công chức của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Nhà hát Lớn, Hà Nội. Hà cùng các đội viên trong Mặt trận Cứu quốc được huy động tham dự cuộc mít tinh. Cùng các đồng chí của mình, Hà thủ sẵn trong người một lá cờ đỏ sao vàng. Khi người của Việt Minh cướp diễn đàn, báo tin Nhật đã đầu hàng Đồng Minh và hô hào nhân dân đi theo Việt Minh đứng lên khởi nghĩa, Hà cùng hàng trăm thanh niên phất cao cờ đỏ sao vàng, hô vang các khẩu hiệu: Ủng hộ Việt Minh, Việt Nam độc lập, Đả đảo chính phủ bù nhìn... Từ tầng 2 Nhà hát Lớn, một lá cờ đỏ sao vàng khổ lớn buông xuống. Hòa vào dòng người, Hà cùng đồng bào diễu hành qua các phố Tràng Tiền, Hàng Đào, Hàng Ngang, Phan Đình Phùng...

Ngỡ ngàng Hồ Chí Minh

Kể từ hôm biết tin Bác Hồ và Chính phủ từ chiến khu về Hà Nội, chàng trai Hà rất háo hức để được gặp Bác, giờ đây đã trở thành lãnh tụ đất nước. Đêm trước hôm Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, Hà không ngủ được, chỉ mong trời mau sáng để được trông thấy Bác. Sáng 2.9, diện chiếc áo sơ mi, chiếc quần trắng cùng đôi giày vải trắng, Hà nhập vào đoàn người ngay ngắn theo đoàn đến vườn hoa Ba Đình. Theo lệnh của tổ chức, Hà cùng anh em trong đội tự vệ vũ trang đứng cùng đồng bào ở vòng ngoài, sẵn sàng đợi lệnh ứng phó với các tình huống. Buổi trưa của ngày lịch sử, nắng thu đã vàng, nhưng hãy còn gay gắt. Những cô gái Hà thành, đặc biệt là nữ sinh, diện áo dài sang trọng. Đồng bào từ ngoại thành cũng nô nức kéo về, với cờ hoa và các biểu ngữ với các khẩu hiệu Độc lập hay là chết, Nước Việt Nam của người Việt Nam, Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh muôn năm!… Trên khuôn mặt mỗi người đều ánh lên niềm tin lớn lao. Lâu lắm rồi, đồng bào mới có những phút giây hạnh phúc, mới có những nụ cười tự do dưới trời thu như thế. Đứng từ xa nhìn ngắm kỳ đài độc lập, Hà vô cùng ngạc nhiên với công trình kiến trúc được dựng lên thần tốc với lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới.

Thế rồi, giây phút lịch sử của dân tộc đã đến. Bước ra lễ đài độc lập là một ông cụ có phần gầy gò, dưới vầng trán cao là đôi mắt rất sáng. Tận mắt ngắm nhìn Bác, trong lòng Hà rộn lên nhiều cảm xúc, vừa vui sướng và tràn đầy tin tưởng, vừa ngỡ ngàng bởi hình ảnh giản dị, gần gũi của vị lãnh tụ kính yêu, thân thuộc như cha anh của mình. Bác đọc Tuyên ngôn, với giọng ấm áp, rõ từng từ từng chữ. Từng lời của Người chan chứa, nói lên đúng niềm ao ước bấy lâu của cả dân tộc. Với những người có diễm phúc được tham dự ngày hôm ấy, chẳng ai quên những lời Bác khẳng định hùng hồn: nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành nước tự do và độc lập... Hôm qua hãy còn nô lệ, lầm than, hôm nay Bác đang tuyên bố với cả thế giới về tự do của dân tộc, về độc lập của Tổ quốc. Lòng sung sướng ngập tràn, cánh tay Hà hòa cùng hàng vạn đồng bào đồng thanh xin thề theo lời hiệu triệu từ kỳ đài...

Để rồi sau đó, chàng trai Nguyễn Tiến Hà tiếp tục cùng dân tộc bước vào hai cuộc trường chinh vệ quốc. Và thước phim lịch sử đất nước những ngày mùa thu Cách mạng trong ký ức chàng trai trẻ, nay đã là cụ già 88 tuổi, vẫn được ông Hà kể lại cho con cháu nghe, để thấy gần hơn, ngày Độc lập...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dưới trời thu xào xạc gió heo may
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO