Năm 2012, trước cơn “sóng gió” hàng loạt lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bị khởi tố, bắt giam, trách nhiệm chèo lái ngân hàng được giao cho ông Trần Mộng Hùng - một trong những thành viên sáng lập nên ACB (từ năm 1993). Từ khi ngân hàng này được thành lập, ông Hùng trực tiếp tham gia điều hành và quản trị ở các vị trí cao nhất.
Ngay trong năm này, điều bất ngờ đối với giới ngân hàng là ông Trần Hùng Huy (SN 1978, con trai ông Trần Mộng Hùng) đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT ACB, trở thành vị Chủ tịch ngân hàng trẻ tuổi nhất. Đến tháng 4.2013 ông Huy chính thức được bầu giữ chức vụ Chủ tịch ngân hàng này.
Trần Hùng Huy mới đây đã gây sốt khi trên mạng xã hội lan truyền clip vị Chủ tịch “soái ca” vừa đàn, hát, nhảy trên sân khấu đêm Gala kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng ACB.
Màn trình diễn nhanh chóng phủ sóng khắp các mạng xã hội từ Facebook đến TikTok. Theo thống kê của YouNet SocialTrend, clip này đứng thứ 1 trong bảng xếp hạng chủ đề âm nhạc hot nhất trên mạng xã hội trong 24 giờ, đánh bại cả chương trình Rap Việt mùa 3.
Tiếp quản "ghế nóng" đúng thời điểm ACB rơi vào giai đoạn khủng hoảng và khó khăn, phía sau là bệ đỡ của người cha kỳ cựu, doanh nhân trẻ Trần Hùng Huy cùng cộng sự dần đưa ACB từng bước thoát khỏi khủng hoảng.
Nhìn lại lịch sử kinh doanh thời kỳ đen tối của ACB có thể thấy, năm 2012 tổng tài sản ACB giảm từ mức 269.000 tỷ đồng xuống176.000 tỷ đồngvà giảm tiếp xuống mức 166.000 tỷ đồng vào năm 2013. Sau đó, ACB bắt đầu chuỗi ngày hồi phục nhanh chóng. Tính đến cuối năm 2022 tổng tài sản ACB đạt 607.875 tỷ đồng
Về tình hình kinh doanh, chỉ sau 2 năm từ khi ngồi vị trí cao nhất của ACB, ông Trần Hùng Huy đã đưa lợi nhuận của nhà băng tăng từ mốc hơn 800 tỷ đồng năm 2013 lên hơn 1.000 tỷ đồng năm 2015.
Và chỉ 2 năm sau, tới 2017, lợi nhuận của ACB đã vọt lên mốc hơn 2.000 tỷ đồng, một con số tăng trưởng ấn tượng. Cho đến kết thúc năm 2022, con số lãi ròng của ACB đã tăng trưởng vượt 13.000 tỷ đồng.
Tương đồng với con số lợi nhuận, cho vay khách hàng của ACB liên tiếp tăng vọt, từ mốc 105.642 tỷ đồng (năm 2013) lên 413.706 tỷ đồng. Cho đến kỳ báo cáo quý 3.2023, cho vay khách hàng đạt 449.751 tỷ đồng.
Về chất lượng cho vay, giá trị nợ xấu của ACB là điều đáng quan tâm, năm 2013, tổng nợ xấu của ACB đạt mức 3.241 tỷ đồng, chủ yếu là nợ có khả năng mất vốn. Tỷ lệ nợ xấu vào thời điểm kết thúc năm 2013 ở mức trên 3%.
Khối nợ xấu nêu trên thực sự là nỗi lo của ACB và trong suốt những năm giữ chức vụ Chủ tịch ACB, ông Trần Hùng Huy dường như đã tốn rất nhiều công sức cho vấn đề xử lý nợ xấu. Cho đến thời điểm kết thúc năm 2017, khối nợ xấu của ACB đã giảm xuống chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,7%.
Tuy nhiên, “bóng ma” nợ xấu vẫn chưa thôi ám ảnh ACB, cho đến thời điểm quý 3.2018, nợ xấu của ACB đã nhích lên con số 1% sau nhiều năm được kiểm soát.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của ACB tăng gấp đôi so với cuối năm 2021 lên gần 3.200 tỷ đồng.
Cho đến kỳ báo cáo gần đây nhất vào quý 3.2023, tổng nợ xấu của ACB tiếp tục tăng lên mức 5.399 tỷ đồng, chủ yếu là nợ có khả năng mất vốn, tương đương tỷ lệ nợ xấu nhích lên 1,2% nhưng vẫn dưới mục tiêu 2% đã đề ra trong năm 2023. Đáng chú ý, sau 9 tháng năm 2023, nợ xấu của ACB đã tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng (tương đương tăng tới 77%).
Đến kỳ báo cáo quý 3.2023, ông Trần Hùng Huy đang sở hữu hơn 133 triệu cổ phiếu ACB. Tạm tính theo thị giá hiện tại 22.700 đồng/cổ phiếu, ông Trần Hùng Huy đang có khoảng 3.000 tỷ đồng.
Ngoài số cổ phiếu ACB sở hữu trực tiếp, nhómcông ty liên quan ông Trần Hùng Huy cũng đang sở hữu khối cổ phiếu ACB. Trong đó CTCP Đầu tư Thương mại Giang Sen sở hữu hơn 69,82 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,8%); CTCP Đầu tư thương mại Vân Môn sở hữu 38,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,99%) và CTCP Đầu tư thương mại Bách Thanh sở hữu 48.6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,25%).
Tạm tính, hiện tại 3 pháp nhân này đang sở hữu khối cổ phiếu ACB lên tới 157 triệu đơn vị, tạm tính theo thị giá hiện tại khoảng 3.500 tỷ đồng.