Dưới gầm bàn
Tôi có một anh bạn là nghiên cứu sinh người Anh ở Hà Nội. Trong thời gian sống ở Việt Nam, người đàn ông Anh quốc này đã có được một bộ sưu tập ảnh do anh ấy chụp về cơm bụi.
![]() |
Thường thì chụp quán cơm, người ta sẽ chụp toàn cảnh. Hoặc chụp từ mặt bàn trở lên chứ mấy ai chụp gầm bàn. Gầm bàn thì có gì mà chụp cơ chứ? Nhưng anh đã chụp trong mỗi bức ảnh của mình cả mặt bàn và gầm bàn.
Những thứ anh nhìn thấy trên mặt bàn quả là phong phú. Trước hết là gương mặt những người ăn cơm bụi. Chủ yếu là trai thanh gái tú và các công chức đi làm không về nhà buổi trưa, bao gồm từ những nhân viên xã hội đến các trí thức. Thứ nữa là các loại đồ uống, từ trà đá đến bia, rượu. Rồi các loại món ăn từ bình dân đến trên mức bình dân…
Nhìn những thức ăn đồ uống trên bàn, ai cũng phải thừa nhận đời sống vật chất của người Việt ta đã được cải thiện một cách đáng kể. Và những người ngồi ăn cơm bụi thường nói về cuộc sống vô cùng thiếu thốn cách đây chừng 15 hay 20 năm. Có những món ăn, đồ uống chỉ cách đây mươi năm họ có muốn ăn trong mơ thôi cũng đã là khó. Bây giờ chỉ cần bước mấy bước ra khỏi công sở là ngập tràn cao lương mỹ vị.
Vậy dưới gầm bàn có gì? Tất nhiên dưới gầm bàn thì có những đôi chân. Nghe có vẻ ngớ ngẩn quá nhỉ! Những đôi chân được xỏ trong những đôi giày, đôi dép không ít tiền và đánh xi bóng loáng. Dưới đế giày dĩ nhiên là sàn nhà lát gạch hoa rất đẹp. Nhưng xung quanh thì ngập tràn những thứ mà nếu ta chỉ chụp ảnh gầm bàn thôi, người xem sẽ nghĩ ngay đến những đôi giày, dép là của những người đang phải đi qua một bãi rác thải khổng lồ.
Một bãi rác với xương gia súc, xương cá, mẩu thuốc, tăm gãy hay tăm tõe đầu vì đã xỉa, cuống rau sống, thịt nhai dở, da gà da vịt… và bạt ngàn giấy ăn, thi nhau đua sắc. Giấy ăn của người ăn tiết canh thì ngả đỏ, giấy ăn của người ăn món giả cầy thì nhuốm nghệ, giấy ăn của người ăn thịt chó thì nâu đen, giấy ăn của người ưa khạc nhổ thì xanh nhớt…
Có lần tôi chở con gái tôi trên xe máy, cháu chợt hỏi: Bố ơi, tại sao bác kia lại lót giấy ở đế giày? Tôi nhìn thì thấy một người phóng xe máy phía trước và dưới đế giày của anh ta phấp phới giấy ăn. Đó hẳn là tờ giấy ăn đã đeo bám anh từ gầm bàn quán cơm bụi mà anh vừa mới rời đi. Còn những thứ ngon lành trên mặt bàn mà anh vừa chén thì không ai nhìn thấy.