Được làm và làm được
. Trong dân gian, người ta khuyên nhau “nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay”, vì xưa nay không thiếu những chuyện “nói như đinh đóng cột” nhưng rồi thực tế diễn ra lại đầy rẫy những chuyện “nói xuôi cũng được, nói ngược cũng hay” cho nên các cụ ta thường khuyến cáo sự dè dặt thận trọng để đề phòng việc “nói trước bước không qua”.
“Nói thì phải làm”, dân không mong gì hơn là những quyết sách đúng của Đảng phải được thể hiện bằng hành động đưa lại hiệu quả thiết thực. Trong dân gian, người ta khuyên nhau “nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay”, vì xưa nay không thiếu những chuyện “nói như đinh đóng cột” nhưng rồi thực tế diễn ra lại đầy rẫy những chuyện “nói xuôi cũng được, nói ngược cũng hay” cho nên các cụ ta thường khuyến cáo sự dè dặt thận trọng để đề phòng việc “nói trước bước không qua”. Mà cũng không phải chỉ ở ta, câu chuyện lời nói chưa đi đôi với việc làm vốn là chuyện không lạ của con người, là tật bệnh của loài người. Chẳng thế mà trong một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, người ta đưa ra một nhận xét thật hàm súc rất thú vị: “cái sọt rác của lịch sử loài người chứa đầy những quan điểm sáng, lý luận hay, kế hoạch tốt, chỉ có mỗi khuyết điểm là không thực hiện được hoặc không được thực hiện”.
Hai mệnh đề “không thực hiện được” và “không được thực hiện” khác nhau chỉ ở vị trí của một chữ “được”. Chúng có những giây mơ rễ má tưởng như rất gần nhau, nhưng xét kỹ ra, thì lại rất khác nhau. Một bên là năng lực và cách tổ chức của chủ thể. Một bên là quyền lực áp đặt lên chủ thể đó, phủ định cả năng lực lẫn cách tổ chức kia, nếu có. Soi vào thực trạng dùng người, hẹp hơn là công tác tổ chức cán bộ của ta, sẽ thấy nổi rõ lên nghịch lý đó. Nghịch lý của chữ được: người làm được thì không được làm nhưng người được làm lại không làm được.
Chắc là chẳng cần dẫn chứng, vì hiện tượng này đã trở thành phổ biến, ở đâu cũng có, ai cũng có thể chỉ ra. Đây là hệ lụy dễ thấy của chuyện phe cánh, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” để tiện bề che chắn cho nhau, kẻ tung người hứng trong cùng ê kíp, lấy lợi ích riêng tư làm điểm quy chiếu cho mọi sự đề bạt, cất nhắc và đùn đẩy, trù úm người có tài có đức không cùng phe cánh. Lợi ích trước mắt của chuyện thăng quan tiến chức khi đang hanh thông trên đường hoạn lộ, và cũng là lợi ích lâu dài nhằm chuẩn bị cho khi “hạ cánh” thì được an toàn trong sự đùm bọc, chở che, cung phụng của em út vốn là “bồ bịch, phe cánh” đã từng “chịu ơn mưa móc”, vẫn đang tại vị. Thấu hiểu nguồn cơn của tật bệnh này, từ khi mới giành được chính quyền, Bác Hồ đã từng cảnh báo: “Vì ham danh vọng và địa vị, cho nên khi phụ trách một bộ phận nào thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách tẩy ra. Thế là chỉ biết có mình, quên cả Đảng”. Người chỉ rõ chứng bệnh đó “là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là bạn đồng minh với kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”.*
Để “đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính” như Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ khóa X lần thứ ba nêu lên thì phải hóa giải cái nghịch lý của chữ “được” nói trên. Công tác cán bộ phải làm sao để cho người tài không bị sự đố kỵ và hẹp hòi của tệ phe cánh, do lợi ích riêng tư và phe cánh mà bị đẩy ra, nhằm dành chỗ cho người bất tài kém đức, nhưng lại cùng hội, cùng thuyền. Thế là “người làm được, thì không được làm”. Nhưng có như vậy thì “người không làm được, mới được làm”. Vế này là điều kiện của vế kia. Bộ máy quản lý của ta tỏ ra bất cập trước những đòi hỏi mới của cuộc sống chính là do có quá nhiều “người được làm, không làm được” vì chiếm chỗ của những “người làm được nhưng không được làm”!
Chuyện ngồi nhầm ghế này còn do một nét tâm lý của người tài đức. Họ vốn tự trọng, giữ gìn nhân cách, nên vững tin theo cái logic được nêu lên trong “Luận Ngữ”: “quân tử chi nhi bất tị, tiểu nhân tị nhi bất chu” (Người quân tử thân với mọi người mà không kết bè cánh vì tư lợi; Tiểu nhân kết bè cánh vì tư lợi mà không thân mọi người). Ấy thế nhưng, khi người đời lấy lợi ích riêng tư và hấp lực của đồng tiền làm điểm quy chiếu cho hành động, trong ứng xử thì cái lôgíc kia bị gẫy vụn! Mặc dầu thế, Khổng Tử hoàn toàn có lý khi ông trả lời vua Ai Công: “Cử trực, thố chư uổng, tắc dân phục. Cử uổng thố chư trực, tắc dân bất phục”.(Đề cử người ngay thẳng lên trên hạng người cong queo thì dân phục tòng, đề cử người cong queo lên trên người ngay thẳng thì dân không phục tòng”). Chí lý thay cụ Khổng!
Công tác tổ chức cán bộ của ta không thể đề bạt “người cong queo” mà bỏ rơi “người ngay thẳng”. Phải đưa những “người được làm nhưng không làm được” ra khỏi những vị trí xung yếu, nhường chỗ cho “những người làm được nhưng chưa được làm”.
“Nói thì phải làm”, trước hết phải là từ chữ “được” nói trên, đúng như Bác Hồ đã căn dặn: “cán bộ quyết định mọi việc” *. Đây chính là vấn đề của mọi vấn đề.
Tương Lai
(Xuất bản trên báo giấy số 219, 07.08.2006)