Đến ngày 31.12.2023, giá trị đầu tư vào PV Building của BSR đang ở mức hơn 145 tỷ đồng (dự phòng 0 đồng). Đối với BSR-BF, giá trị đầu tư của BSR tại đây đang ở mức hơn 351 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là khoản dự phòng đầu tư của BSR cho công ty này đang khá cao khi ở mức 205 tỷ đồng.
Theo báo cáo của BSR trong thời gian gần đây, mặc dù được BSR “rót tiền” nhiều nhất trong số các công ty con nhưng BSR-BF có kết quả kinh doanh liên tiếp thua lỗ.
Đặc biệt, tại báo cáo tài chính bán niên năm 2023 còn cho thấy những nguy cơ hiện hữu đối với BSR-BF. Theo đó, doanh nghiệp này có nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 1.459 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 1.500 tỷ đồng và nợ quá hạn thanh toán là 1.496 tỷ đồng. Thậm chí, công ty còn đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Các khoản nợ quá hạn thanh toán tại ngày 30.6 chủ yếu bao gồm số dư nợ phải trả chi phí lãi vay khoảng 399,2 tỷ đồng; số dư gốc vay khoảng 1.097,7 tỷ đồng.
Trong năm 2021, các ngân hàng cấp tín dụng cho BSR-BF bao gồm Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã khởi kiện Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung lên Tòa án Nhân dân TP Quảng Ngãi liên quan đến các khoản vay quá hạn thanh toán hợp đồng tín dụng xây dựng Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Dung Quất.
Không “bết bát” như BSR-BF, PV Building cũng không mấy khá khẩm khi kinh doanh có lãi nhưng khoản lãi chỉ ở mức “lãi cho có”. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý 4.2023 vừa qua, PV Building có lãi sau thuế 3 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2022. Luỹ kế cả năm 2023, doanh nghiệp có doanh thu 727 tỷ đồng, lãi ròng 16 tỷ đồng.
Nhìn lại lịch sử kinh doanh của PV Building có thể thấy, dù doanh thu tăng trưởng mạnh trong các năm gần đây nhưng lãi sau thuế hàng năm của doanh nghiệp thường xuyên loanh quanh mức 13-16 tỷ đồng.