Đúng trọng tâm, trọng điểm và bền vững

- Thứ Năm, 14/01/2021, 08:24 - Chia sẻ
Tại Hội thảo Triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS - MN) các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, nhiều đại biểu cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề sinh kế, việc làm, giảm nghèo và bảo vệ không gian văn hóa của đồng bào. Các chương trình, dự án đầu tư phải đúng trọng tâm, trọng điểm và bền vững.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Tạo việc làm, sinh kế tại chỗ

Tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bao trùm đến năm 2030. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tập trung thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực; tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội toàn diện, đa tầng. Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục. Lấy người nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân sinh sống trên địa bàn lõi nghèo là trọng tâm; phòng ngừa, giảm thiểu, hạn chế người dân rơi vào tình trạng nghèo đói.

Đối với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, cần tập trung tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm đầu ra sản phẩm nông nghiệp của người dân. Đối với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung, đề nghị tập trung phát triển các hoạt động sản xuất, tạo việc làm, sinh kế tại chỗ nhằm phát huy lợi thế của địa phương và sinh kế từ việc làm phi nông nghiệp có tiền lương, làm thuê; góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành: Phân cấp, phân quyền cho địa phương

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS - MN giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn Tây Nguyên và duyên hải Miền Trung, các địa phương cần quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời, cần phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS - MN giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thực hiện Chương trình; huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện Chương trình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Hoàng Thị Hoa: Không phá vỡ cấu trúc kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số

Để việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, Quốc hội có kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa. Trong nội dung sửa đổi, bổ sung, cần có các chương, điều quy định cụ thể hơn về việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào DTTS - MN. Tăng cường nghiên cứu toàn diện, tổng thể, nhận diện đầy đủ về thực trạng di sản văn hóa của đồng bào các DTTS - MN. Cần có những nghiên cứu nghiêm túc, được đầu tư chuyên sâu về đặc điểm văn hóa, kinh tế, xã hội và tình trạng đời sống của các nhóm dân tộc thiểu số để làm cơ sở đầu tư trọng điểm, hiệu quả và phù hợp.

Đặc biệt, cần tôn trọng và không phá vỡ cấu trúc kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số nhằm bảo tồn các bản sắc văn hóa độc đáo riêng của đồng bào; khai thác và sử dụng tri thức địa phương của các dân tộc thiểu số vào các chương trình phát triển, tránh việc tạo ra một môi trường kinh tế - xã hội mới làm mất tri thức địa phương đã được tích lũy từ trong lịch sử của tộc người. Bảo vệ di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Các dự án phát triển kinh tế - xã hội cần đặc biệt lưu ý tình trạng dễ bị tổn thương của các dân tộc ít người trong phát triển kinh tế, tránh việc bỏ qua những đặc điểm văn hóa xã hội truyền thống và ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để phục vụ cộng đồng và phát triển cộng đồng cần tiếp cận theo hướng: Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc được bảo tồn và phát huy một cách sống động ngay trong lòng môi trường văn hóa/sinh thái - nhân văn - nơi di sản được khởi nguồn, duy trì và được vun bồi bởi khả năng sáng tạo không ngừng của chính cộng đồng chủ thể văn hóa.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy: Tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc

Với điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên việc huy động nguồn lực vật chất của chính quyền địa phương vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và của bản thân đồng bào trong việc duy trì, bảo vệ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là rất khó khăn. Một số ngành, địa phương chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng của công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa các dân tộc… Do đó, trong giai đoạn 2021 - 2030, cần tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, cần ban hành các chính sách cụ thể tập trung vào lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, ngôn ngữ dân tộc, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc; trong đó có chính sách cho các nghệ nhân tổ chức truyền dạy di sản văn hóa, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn đầu tư từ xã hội đối với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Đề nghị Thủ tướng sớm phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 làm cơ sở để định hướng, phát triển công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; bảo tồn làng, bản, buôn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Có hình thức khen thưởng, động viên, hỗ trợ cho các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng tham gia với vai trò đầu tàu trong các câu lạc bộ, truyền dạy văn hóa nghệ thuật dân tộc hoặc sáng tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật mới phục vụ Nhân dân các dân tộc trên địa bàn. 

Q.Khánh lược ghi; Ảnh: Q.Khánh