Dừng thi công vì thiếu vốn
Trước nguy cơ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phải dừng thi công vì thiếu vốn, sáng 24.7 UBND tỉnh Tiền Giang đã có cuộc làm việc với các nhà thầu liên quan nhằm tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan bởi đại diện doanh nghiệp cho biết nhà đầu tư và các nhà thầu đã đổ vào dự án này khoảng 3.000 tỉ đồng, hiện tình hình tài chính của các nhà đầu tư, nhà thầu đã kiệt quệ.
Nguy cơ vỡ tiến độ
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận triển khai theo hình thức đối tác công tư có tổng mức đầu tư (theo phương án điều chỉnh mới nhất) hơn 12.000 tỷ đồng, tính đến nay, nhà đầu tư, nhà thầu đã bỏ ra trên dưới 3.000 tỷ đồng (trong đó nhà đầu tư đã chi 2.500 tỷ đồng để thi công một số hạng mục, giải phóng mặt bằng). Tuy nhiên, sau một thời gian thi công rầm rộ, hiện nay hầu hết các nhà thầu đang gặp khó khăn về mặt tài chính vì chưa được cấp vốn.
Tổng giám đốc Công CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Mai Mạnh Hồng, chủ đầu tư dự án thừa nhận dự án đang lâm vào thế bế tắc, một nhà thầu phụ tại gói thầu số 13 do không được thanh toán tiền cho khối lượng công việc đã thực hiện nên xảy ra tình trạng công nhân ngưng thi công. “Doanh nghiệp không còn gồng gánh được chi phí tạm ứng để thi công, khi vốn đã cạn, nợ lương công nhân, trong khi tiền giải ngân vẫn chưa có”, ông Hồng cho biết.
![]() | |
Ảnh minh họa | Nguồn: ITN |
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được khởi công từ tháng 11.2009. Sau hơn 5 năm rơi vào bế tắc, đến tháng 2.2015, dự án được tái khởi động và tiếp tục đình trệ bởi nhiều vướng mắc khác. Để tháo gỡ, Thường trực Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông - Vận tải sang UBND tỉnh Tiền Giang để địa phương chủ động hơn trong việc phối hợp với nhà đầu tư giải quyết các vấn đề pháp lý của dự án.
Ngày 19.4.2019, tại cuộc gặp 3 bên giữa Bộ Giao thông - Vận tải, tỉnh Tiền Giang và Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, nguồn kinh phí Chính phủ hỗ trợ cho dự án đã được Bộ đề nghị Chính phủ bố trí và sớm thực hiện hỗ trợ cho dự án. Tuy nhiên, nguồn vốn 2.186 tỷ Nhà nước hỗ trợ cho nhà đầu tư chưa được giải ngân, trong khi phía các ngân hàng cũng dè dặt hơn, ngặt nghèo hơn khi đưa ra các điều kiện giải ngân vốn vay.
Ông Mai Mạnh Hồng cho biết, đã có lúc, Dự án tưởng như giải được nút thắt về nguồn vốn đeo đẳng hơn 10 năm qua, khi nhóm ngân hàng do VietinBank đứng đầu đã đồng ý ký hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư vào giữa tháng 6.2018, với nội dung cung cấp khoản vay tối đa lên tới 6.850 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, sau đúng 1 năm, vẫn chưa có đồng vốn nào được giải ngân, do các nhà tài trợ vốn bổ sung một loạt điều kiện tiên quyết. Nếu không sớm khơi thông vốn tín dụng và khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (2.186 tỷ đồng), Dự án sẽ phải ngừng thi công, mục tiêu thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm 2020 sẽ thành mục tiêu xa vời.
Chưa xác định thời điểm giải ngân
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A. Cao tốc là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau 10 năm liên tục đình trệ, hiện dự án đạt khoảng 22% tổng khối lượng thi công, tỉnh Tiền Giang đã giải phóng mặt bằng được 98%, khoảng 50 km. Theo dự kiến, cao tốc thông tuyến vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng. |
Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết đang kiến nghị VietinBank xác định khả năng tài trợ vốn để hoàn thành việc thẩm định và điều chỉnh hợp đồng tín dụng trước ngày 30.7, đồng thời xác định tỉ lệ cho vay phù hợp; xem xét cơ cấu các ngân hàng đồng tài trợ theo hướng giảm số lượng, tránh việc đưa nhiều điều kiện cho vay chưa phù hợp, khó khăn cho nhà đầu tư.
Đại diện doanh nghiệp dự án cho hay đơn vị sẵn sàng làm việc với Công ty Cầu 12 và Công ty Thành Nơi để ứng tiền thanh toán cho thầu phụ với khối lượng đã thi công và tiếp tục tìm các giải pháp khác để duy trì hoạt động dự án. Tuy nhiên, vẫn phải xác định thời điểm có vốn nhà nước hỗ trợ, thời điểm giải ngân tín dụng hoặc có câu trả lời thỏa đáng của các cơ quan có thẩm quyền và ngân hàng là “bao giờ có tiền”.
Về phía tỉnh Tiền Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết, tỉnh đã nỗ lực hết mình kể từ khi thay thế Bộ Giao thông vận tải đảm nhận quản lý dự án. Ngân sách tỉnh có khó khăn, nhưng tỉnh đã sắp xếp tạm ứng cho dự án hơn 224 tỉ đồng. Về nguồn vốn Chính phủ cam kết hỗ trợ hơn 2.180 tỉ đồng, để xúc tiến nhanh hơn, UBND tỉnh Tiền Giang đã đăng ký lịch làm việc trực tiếp với Thủ tướng, Thường trực Chính phủ để tìm giải pháp tháo gỡ, ông Dũng khẳng định.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện có tới 8 dự án BOT được đưa ra đấu thầu đầu, nhưng những dự án BOT này sẽ đi về đâu nếu nhìn qua lăng kính Trung Lương – Mỹ Thuận với điểm nghẽn rất lớn? Dự án ách tắc, đó là vấn đề đáng lo ngại bởi đường về miền Tây hiện không chỉ thiếu mà nhiều tuyến đã quá tải.