Giám sát là kỹ năng khó và phức tạp, đòi hỏi người đại biểu cần phải hiểu, quán triệt sâu sắc pháp luật về giám sát như: lựa chọn nội dung giám sát, các bước tiến hành, phương pháp và đối tượng; cách thức thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát; cách thức thẩm tra, xem xét các báo cáo, tờ trình; kỹ năng lắng nghe, tiếp thu, đối thoại và thuyết phục của đại biểu… Bên cạnh đó, theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, đại biểu dân cử khi giám sát nhất định phải giữ vững đạo đức, liêm chính.
Đi sâu vào vấn đề kỹ năng, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu cho biết, tham gia vào các hoạt động của HĐND, các đại biểu sẽ hình thành được kỹ năng hoạt động chung cũng như kỹ năng giám sát tốt như: nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, biết cách tập trung vào trọng tâm của vấn đề, biết lắng nghe và biết cách đặt vấn đề... từ đó góp tiếng nói của mình vào việc biểu quyết, thông qua những vấn đề quan trọng của địa phương. Bên cạnh đó, đại biểu cần lựa chọn những vấn đề mà đa số cử tri quan tâm. Song song với từng ưu tiên giám sát, người giám sát cũng cần đưa ra những yêu cầu cụ thể khi tiến hành giám sát.
Một vấn đề cần lưu ý nữa trong quá trình giám sát là chất vấn đối tượng chịu sự giám sát. Khi thực hiện nội dung này, cần lựa chuẩn bị thật kỹ quá trình thu thập, xử lý thông tin. Từ đó chọn nội dung chất vấn đúng, trúng và có tầm. Khi chất vấn không hỏi thông tin đơn thuần, kiến nghị giúp đỡ, tâm sự và xin lời khuyên. Nói phải ngắn gọn, sử dụng thuật ngữ thông dụng, tránh dùng quá nhiều thuật ngữ. Đồng thời chú ý cao độ và tốc độ vừa phải, phát âm rõ, không vội vàng hay rề rà.
Đặc biệt, phải giữ thái độ xây dựng, tôn trọng người đối thoại. Luôn cởi mở, chân thành; đặt mình vào vị trí của nguời đối thoại để hiểu và thông cảm với những mong muốn của họ, từ đó tìm ra cách thuyết phục.
“Phải kiên quyết, đeo bám đến cùng nhưng cũng sẵn sàng thừa nhận sai lầm và biết dừng lại đúng lúc. Đồng thời, trong quá trình giám sát nên tránh biện hộ quanh co, dài dòng, không rõ quan điểm hoặc nguỵ biện và tránh để cảm xúc lấn át lý trí.” - PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu khẳng định.
Ngoài ra, một điều nữa cần đặc biệt lưu ý trong giám sát là tổ trưởng, trưởng đoàn không được dùng ý chí cá nhân để áp đặt và không được bỏ qua việc lấy phiếu tín nhiệm, các ý kiến trái chiều đều phải được bảo lưu.
Cuối buổi học về chuyên đề 3 - “Kỹ năng giám sát của đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã”, các giảng viên, báo cáo viên tại điểm cầu trực tuyến các địa phương đã có những trao đổi, thảo luận sôi nổi. Qua đó, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của học viên; đồng thời, cảm ơn Bộ Nội Vụ đã tổ chức khoá tập huấn bồi dưỡng với những chủ đề hữu ích giúp giảng viên, báo cáo viên có cái nhìn tổng quan nhất để đó áp dụng và nâng cao kỹ năng trong hoạt động thực tế.