Đừng đổ lỗi rào cản khách quan

Hoàng Anh 14/04/2016 08:49

9.467 doanh nghiệp giải thể và 71.391 doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động trong năm 2015 là con số mới nhất được công bố trong buổi lễ “Báo cáo thường niên doanh nghiệp 2015” do VCCI tổ chức sáng ngày 13.4 tại Hà Nội. Thật xác đáng khi ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, chủ tọa của buổi lễ cho rằng “Cần phải “mổ xẻ” căn nguyên nội tại, đừng đổ lỗi cho rào cản khách quan”.

Thiếu chuyên nghiệp

Ông Mai Xuân Hùng trăn trở: “DN đổ vỡ, ngừng hoạt động là nỗi lo chung, tuy nhiên không nên nhìn nhận đó là hiện tượng bất thường, điều quan trọng nhất là chỉ ra được những yếu kém nội tại của DN để có những bước đi phù hợp với giai đoạn mới”. Theo ông, một trong những nguyên nhân dẫn tới sự đỗ vỡ DN chính là việc thiếu chuyên nghiệp trong sản xuất và kinh doanh, đặc biệt chưa ý thức cao trong việc sử dụng dịch vụ  phát triển kinh  doanh (DVPTKD). “Rất nhiều DNVVN của ta không có cố vấn tài chính, cố vấn kiểm toán, thậm chí kinh phí dành cho thuê dịch vụ hỗ trợ pháp lý cũng không có. Bản thân DN không thể nhìn ra bệnh của mình, chính vì vậy cần thuê các đơn vị có chuyên môn để tìm ra bệnh và trị bệnh, đừng để tới khi bệnh nặng thì hết thuốc chữa”.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế cho rằng, phần lớn các DNVVN chưa sử dụng nhiều dịch vụ kế toán hay đại lý thuế mà còn sử dụng  những người hành nghề kế toán “chui”. Thực tế trên mang lại rủi ro cao cho DN do những người làm chui không chịu trách nhiệm về kết quả, công việc họ làm. Còn ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định: “Dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho DN rất quan trọng nhưng tiếc là chỉ có khoảng 65% DN biết tới và sử dụng dịch vụ này. Cả nước có 63 đoàn luật sư với hơn 10 nghìn luật sư, hơn 300 hiệp hội DN địa phương và Trung ương vậy mà cái bắt tay giữa hai bên còn lỏng lẻo”. Về vấn đề đầu tư cho quản trị, ông Trần Bá Trung, Phó Chủ tịch Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp cho rằng “Nhận biết về quản trị DN rất kém, đào tạo về quản trị DN không cơ bản và thiếu đầu tư cho công tác tư vấn quản trị”.

Ảnh minh họa Nguồn: ITN
Ảnh minh họa Nguồn: ITN

Báo cáo thường niên DN 2015 cũng chỉ ra rằng, vẫn còn tỷ lệ lớn các DN không biết hoặc biết nhưng không sử dụng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cơ bản nhất là đối với các dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật hoặc nghiên cứu khảo sát thăm dò dư luận. Theo TS. Lương Minh Huân, Viện nghiên cứu và phát triển DN, với việc VN đã ký kết nhiều hiệp định FTA với các đối tác, thì hàng rào thuế quan sẽ dần được thay thế bằng các hàng rào kỹ thuật. Do vậy, việc các DN VN vẫn chưa nhận thức được sự cần thiết của việc sử dụng dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật cho các sản phẩm sẽ khiến các sản phẩm của VN khó có thể vượt qua được các hàng rào kỹ thuật của nước khác. Thách thức lớn nhất vẫn là vấn đề nhận thức của DN về tầm quan trọng của việc sử dụng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thay vì tự thực hiện”.

Để tăng cường sức khỏe cho DN

Một tín hiệu vui là năm 2015, cả nước có 21.506 DN quay trở lại hoạt động, tăng 39,5% so với năm 2014. Điều này cho thấy sự nỗ lực của cộng đồng DN và tính hiệu quả của các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên theo ông Mai Xuân Hùng, nguồn vốn tín dụng cho DN vẫn còn khó khăn bởi vậy để tăng cường sức khỏe cho DN phải cấp bách tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm giúp DN tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn. TS Lương Minh Huân cho rằng, phát triển ngành dịch vụ hiện đại mạnh mẽ ở VN là rất quan trọng để cải thiện sự kết nối. “Đây là một lĩnh vực mà VN bị tụt hậu so với các nước đối thủ cạnh tranh. Các dịch vụ hiện đại như tài chính, bảo hiểm, viễn thông, vận tải và hậu cần, là những đầu vào quan trọng cho sản xuất hàng xuất khẩu cần phải mạnh  mẽ đổi mới. VN vẫn đang có hàng trăm quy định phi hải quan phức tạp cấp phép cho các hoạt động thương mại qua biên giới do một số cơ quan quản lý nhà nước cấp phép và quản lý. Hơn nữa, mặc dù có những tiến bộ gần đây trong cải cách hải quan nhưng chi phí tuân thủ về thời gian và tiền bạc để giải phóng hàng vẫn còn cao ở VN”, ông Huân cho biết.

Theo TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI “Việc tháo các gỡ rào cản thủ tục đất đai tạo điều kiện cho DN thuê và xây dựng nhà xưởng cũng cần quan tâm, đặc biệt là tiếp tục tháo gỡ các thủ tục hành chính công để tiết kiệm thời gian cho DN”. Mặt khác, theo bà Hằng cần phải phát triển các DN DVPTKD. “Cái khó khăn nhất là khung pháp lý để phát triển DN DVPTKD chưa được quan tâm một cách đúng mức. Nhiều sửa đổi chưa thực sự có tác động đến thị trường, trong đó phần lớn các quy định thường đề cập đến đối tượng là DN chứ chưa thực sự thúc đẩy sự phát triển của các nhà cung cấp”, bà Hằng nói.

Tuy vậy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nên chăng các DN cũng cần tăng cường tìm hiểu về các DVPTKD và sử dụng thử là cách tiếp cận cần thiết. Đối với nhà cung cấp DVPTKD, điều quan trọng nhất là cần nâng cao chất lượng dịch vụ để chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn tầm quốc tế.

 Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - TS VŨ TIẾN LỘC: Năm 2015, những vấn đề cố hữu của khu vực DN vẫn chưa được giải quyết: năng suất lao động thấp, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, công nghệ còn lạc hậu, thiếu vắng lực lượng DN có quy mô đủ lớn để hội nhập. Bằng việc đưa ra bức tranh toàn cảnh về phát triển DN Việt Nam năm 2015, VCCI đưa ra  những khuyến nghị chính sách hỗ trợ DN: tiếp tục thực hiện triệt để việc cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm cho việc phát triển các thị trường yếu tố sản xuất một cách lành mạnh, linh hoạt, giảm thiểu chi phí giao dịch, tăng cường, thúc đẩy và phát triển các dịch vụ để tạo thuận lợi thương mại, tăng cường sự kết nối. Tăng cường các biện pháp, chính sách trợ giúp các DNNVV, ban hành luật hỗ trợ DNNVV, triển khai Quỹ Phát triển DNNVV, cải thiện hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Xây dựng Chương trình quốc gia về khởi sự DN. Đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các hiệp hội DN thông qua Luật về Hội, tăng cường chuyển giao dần các dịch vụ công, hỗ trợ tăng cường nguồn lực, năng lực cho các hiệp hội. Hoàn thiện một trường pháp lý để phát triển DVPTKD.

Thanh Trúc ghi

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đừng đổ lỗi rào cản khách quan
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO