Đừng để…ném đá ao bèo
Số lượng doanh nghiệp quan tâm và tham gia ngày càng đông, nhiều hội thảo, tọa đàm, giới thiệu điểm đến được tổ chức, lượng khách thăm, mua tour, vé máy bay lớn… cho thấy sức hút của hội chợ du lịch quốc tế tại Việt Nam gần đây. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả từ sân chơi này, cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức cũng như sự chủ động của đơn vị tham gia.
Kích cầu thị trường
“Hội chợ du lịch quốc tế là một trong những chương trình xúc tiến du lịch hiệu quả, có ý nghĩa kích thích thị trường, tạo ra phong trào lan tỏa giúp du lịch phát triển” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định. Những kết quả đạt được tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM 2016 tổ chức tại Hà Nội từ 14 - 17.4 phần nào thể hiện điều này. Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lưu Đức Kế cho biết: “Chúng tôi coi đây là cơ hội lớn bổ trợ cho kinh doanh, các sản phẩm ưu việt nhất của công ty được trau chuốt, giới thiệu. Doanh thu hội chợ năm sau cao hơn năm trước, nói lên hiệu quả ngày một lớn”.
![]() Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2016 |
Không riêng Hanoitourist, các đơn vị trong lĩnh vực du lịch ngày càng có ý thức xây dựng chương trình, kế hoạch xúc tiến tại các hội chợ. Ngoài ấn phẩm quảng bá, năm nay, du lịch Nha Trang, Khánh Hòa đã đưa ra nhiều chương trình, gói sản phẩm du lịch khuyến mãi kèm gói tour Nha Trang 2 - 5 ngày, khách sạn có một số gói ưu đãi dành cho khách lưu trú 2 - 3 đêm, bổ sung sản phẩm tặng kèm nhắm vào thị trường khách lẻ… Thông tin từ các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tham gia hội chợ đã giúp quảng bá hình ảnh địa phương đến rộng rãi du khách trong và ngoài nước. Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch cộng đồng tỉnh Cao Bằng Lục Văn Khoằn nhận định: “Trước đây, hình ảnh du lịch Cao Bằng chưa được biết đến nhiều. Nhưng hiện nay, lượng khách năm sau tăng trung bình 15% so với năm trước, có đóng góp từ việc chúng tôi tham gia các hội chợ du lịch.”
Quy tụ nhưng khó kết nối
Không dừng lại ở mục tiêu quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, hội chợ du lịch quốc tế quy tụ nhiều doanh nghiệp, công ty lữ hành, tỉnh, thành phố và quốc gia trong khu vực và thế giới, là cơ hội tăng cường giao lưu giữa các nhà làm du lịch, thu hút đối tác trong nước và quốc tế qua hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ chính thống và bên lề. Chẳng hạn, trong khuôn khổ VITM 2016, CLB Kích cầu TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với CLB Kích cầu Hà Nội, CLB Du lịch cộng đồng; Hiệp hội Du lịch Hà Nội ký kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa; hợp tác và phát triển du lịch Việt - Nga… Hay du lịch Nha Trang, Khánh Hòa gắn kết với 3 đơn vị của Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc xây dựng các gói sản phẩm ưu đãi, bổ sung điểm đến mới vào gói tour trong thời gian tới…
Tuy nhiên, băn khoăn chung của không ít doanh nghiệp du lịch là hiệu quả kết nối thường lệch về đơn vị có thương hiệu lớn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp hào hứng tham gia hội chợ nhưng sau đó lại “về không”. Giám đốc APTTravel Nguyễn Hồng Đài nói: “Nhắc đến Vietnamtourism, Saigontourist, đối tác biết ngay thương hiệu của họ nên quá trình hợp tác sau đó đạt hiệu quả cao. Trong khi doanh nghiệp khác lại long đong giữ mối”. Như trường hợp của Đà Lạt Edensee, dù tham gia hội chợ du lịch quốc tế nhiều năm nay nhưng vẫn gặp vướng mắc trong kết nối với các đơn vị. Đại diện Đà Lạt Edensee Nguyễn Thị Thắm chia sẻ: “Hội chợ diễn ra trong 3 - 4 ngày, thường mỗi ngày kết nối với gần 10 đối tác, chúng tôi đều gửi báo giá, thỏa thuận ngay lúc đó nhưng khi kết thúc rất khó liên lạc lại, gửi email họ không trả lời, một số đối tác từ chối…”. Các chuyên gia phân tích, thực tế này là do doanh nghiệp ít tiếng tăm và hạn chế về nhân sự, kinh phí cũng như kinh nghiệm làm việc với đối tác nước ngoài. Trong khi đó, thống kê cho thấy, tham gia hội chợ 80% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu không được hỗ trợ, rất có thể sau một vài lần, họ sẽ rút lui vì không đạt hiệu quả.
![]() Ảnh: Duy Thông |
Doanh nghiệp chủ động
Khẳng định ý nghĩa của việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng: “Chất lượng người mua là mục tiêu ở tất cả hội chợ và cũng là cố gắng, nỗ lực của các đơn vị. Người mua - người bán phải gặp được nhau, kết duyên với nhau và ra kết quả”. VITM 2016 có 25 nước tham gia, trong đó chỉ một số công ty chọn thị trường châu Á, Đông Nam Á đặt vấn đề trao đổi khách với doanh nghiệp, đơn vị lữ hành Việt Nam, còn phần lớn rao bán tour cho người Việt đi du lịch nước ngoài. Thực tế, kích thích khách du lịch Việt Nam đi nước ngoài cũng là đối trọng rất tốt để đặt vấn đề trao đổi khách. Nhưng muốn khai thác thị trường, thị phần ở nước ngoài vào Việt Nam thì phải xúc tiến mạnh hơn.
Qua những lần tham gia hội chợ quốc tế của APTTravel, ông Nguyễn Hồng Đài chia sẻ: “Để đạt hiệu quả cần có 2 khâu. Thứ nhất là chuẩn bị các sản phẩm, liên lạc trước với đối tác tham gia hội chợ. Thứ hai là duy trì, phải tính trước sẽ tham gia hội chợ bao lâu, 1 lần hay 2 - 3 lần, vì không như kinh doanh, hiệu quả kết nối tại hội chợ phải được đánh giá trong thời gian dài”. Tuy nhiên, ở cả hai khâu này, các đơn vị du lịch Việt Nam còn kém.
Du lịch càng phát triển, hội chợ càng nhiều, hoạt động xúc tiến nở rộ nhưng làm thế nào để các hoạt động đó đạt kết quả tích cực nhất? Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết: “Hiệp hội sẽ củng cố bộ phận làm xúc tiến để hội chợ chuyên nghiệp hơn, nhưng doanh nghiệp cũng cần chủ động. Thực tế, nhiều đơn vị chỉ tham gia cho có chứ không thực sự nhằm mục tiêu kích cầu thị trường, tìm kiếm đối tác. Các doanh nghiệp cần nghiêm túc, cầu thị khi tham gia hội chợ, bám sát và chủ động kết nối đối tác, không chờ Hiệp hội hay cơ quan quản lý du lịch tìm kiếm, kết nối thay mình”.
Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội (Vietnamtourism-Hà Nội) Lê Nguyễn Mai Hoa: Tăng hiệu quả bề rộng và chiều sâu Để nâng cao hiệu quả tham gia hội chợ du lịch quốc tế cần tăng cường cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Tham dự cả hội chợ lớn và hội chợ nhỏ nếu thấy thị trường tiềm năng, nhưng phải tham gia thường xuyên, tối thiểu 3 năm, tránh trường hợp năm nay tham gia hội chợ này, sang năm hội chợ khác. Sau hội chợ, cần thiết phải họp các doanh nghiệp lại để lên kế hoạch tổ chức các đoàn famtrip đi thực tế để tiến tới ký kết hợp tác lâu dài. Ngoài ra, cũng cần phối hợp, vận dụng tối đa vai trò của Trung tâm Văn hóa Việt Nam trong các hội chợ du lịch ở nước ngoài, để duy trì quảng bá thường xuyên hình ảnh, điểm đến Việt Nam ở các thị trường trọng điểm. Tổng giám đốc khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch Colin Pine: Cần đầu mối thúc đẩy hợp tác Để việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế đạt hiệu quả tốt, theo tôi cần cải thiện hai vấn đề. Vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là hạn chế về ngoại ngữ. Thứ hai, tôi nhận thấy các bên thực sự có nhu cầu hợp tác nhưng vì không có điểm tựa, bên trung gian hoặc đầu mối thúc đẩy sự hợp tác đó. Ngoài ra, khi tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, nhất là các hội chợ ở nước ngoài thì chi phí tham gia, di chuyển… không nhỏ nên gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam lại hoàn toàn có thể làm được vì họ có hệ thống chuyên nghiệp cho việc này. |