Đừng để luật tốt cho lĩnh vực này nhưng cản trở lĩnh vực khác

- Thứ Hai, 28/03/2016, 07:59 - Chia sẻ
Nếu chỉ thẩm định trên hồ sơ dự án thì cái gì cũng hay, cũng tốt cả. Lý giải về việc dù đã có cơ quan “gác cổng” nhưng vẫn có khá nhiều dự án luật không bảo đảm chất lượng được trình ra QH, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật TRẦN ĐÌNH LONG cũng kỳ vọng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải tổ chức lại bộ máy, cán bộ của ngành mình; đổi mới một số quy trình thẩm định văn bản pháp luật, bảo đảm không để luật chồng chéo, hoặc luật tốt cho lĩnh vực này nhưng lại cản trở lĩnh vực khác.

Thẩm định trên giấy thì cái gì cũng hay, cũng tốt

- 2 dự án luật chính thức bị QH trả lại cơ quan trình, 1 dự án luật được thông qua với tỷ lệ chỉ hơn 50%, và nếu có thống kê thử xem có bao nhiêu dự án luật bị QH Khóa XIII “phê” là chưa bảo đảm chất lượng thì có lẽ, con số này cũng không ít. Vì sao, đã có cơ quan “gác cổng” là Bộ Tư pháp mà chất lượng các dự luật khi trình sang QH vẫn còn nhiều vấn đề như thế, thưa ông?

- Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định các dự thảo luật, pháp lệnh của Chính phủ trước khi trình sang QH. Điều quan trọng nhất của quá trình thẩm định là phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của văn bản. Nhưng thực tế cho thấy, công tác thẩm định của Bộ Tư pháp chủ yếu là thẩm định trên hồ sơ dự án luật, tức là chất lượng thẩm định phụ thuộc vào nội dung, chất lượng báo cáo tổng kết đánh giá việc thực thi pháp luật, đánh giá yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống và đánh giá tác động của các dự thảo luật mà cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị. Trong khi đó, các báo cáo này có phản ánh trung thực, khách quan thực tế không, hay chỉ tổng kết nghiêng về nội dung mà cơ quan chủ trì soạn thảo muốn sửa, muốn thay đổi? Từ những dự án luật bị QH trả lại, hoặc phê chưa bảo đảm chất lượng có thể thấy, việc tổng kết, đánh giá tác động của các cơ quan soạn thảo chưa thật khách quan, còn nghiêng theo hướng có lợi cho mình để thuyết phục QH sửa đổi hoặc ban hành luật mới cho bằng được. Vậy nên, cơ quan “gác cổng” chất lượng các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ trước khi trình QH vẫn để lọt khá nhiều dự án chưa bảo đảm chất lượng cũng là điều dễ hiểu.

- Đúng là dễ hiểu nhưng hệ quả của sự dễ hiểu ấy là tốn thời gian, tốn công sức của QH và tốn tiền bạc của nhân dân. Chẳng lẽ, chúng ta cứ chấp nhận điều này mãi, thưa ông?

- Trước hết, Bộ Tư pháp phải có trách nhiệm trong việc này. Tuy nhiên, muốn xử lý được tình trạng để lọt các dự án không bảo đảm chất lượng thì phải xem xét lại một số khâu trong quy trình lập pháp. Hiện nay, có những khâu rất quan trọng nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ví dụ, khâu tổng kết, đánh giá tác động và khâu lấy ý kiến của đối tượng bị điều chỉnh. Khâu tổng kết, đánh giá tác động, như tôi đã nói ở trên. Còn khâu lấy ý kiến đối tượng bị điều chỉnh thì các đối tượng này chắc chắn sẽ có tiếng nói chính xác về việc dự luật có lợi hay có hại, khách quan hay không khách quan. Nhưng hiện nay, việc lấy ý kiến này cũng không đầy đủ, không nghiêm túc. Nội dung lấy ý kiến có đầy đủ không, cơ quan soạn thảo có trung thực trong việc tiếp thu, phản ánh ý kiến của họ vào quy định của dự thảo không? – Không thể biết được nếu chỉ thẩm định trên giấy.

Phải tổ chức lại bộ máy

- Ủy ban Pháp luật có lẽ là cơ quan của QH làm việc, cọ xát với Bộ Tư pháp nhiều nhất. Ông có nhận xét như thế nào về Bộ trưởng đương nhiệm?

 Một việc rất hệ trọng là, tới đây, chúng ta sẽ thực hiện một loạt các Hiệp định thương mại tự do kiểu mới với rất nhiều đối tác lớn trên thế giới. Những nội dung đàm phán, ký kết với các nước thì trước khi ký, chúng ta phải biết chắc là có phù hợp với Hiến pháp và luật lệ trong nước hay không. Nếu không phù hợp thì phải báo cáo, xin ý kiến QH trước. Đây là việc Bộ Tư pháp, trực tiếp là Bộ trưởng phải cân nhắc trước để bảo đảm quyền tự chủ, độc lập chủ quyền của Việt Nam, tránh tình trạng đặt QH vào chuyện đã rồi, không sửa luật thì vi phạm cam kết mà sửa luật thì liệu có vấn đề gì ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia hay không?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long

- Bộ trưởng Hà Hùng Cường là người có tư duy đổi mới rất mạnh mẽ. Đương nhiên, mọi việc đổi mới đều không dễ dàng gì, dễ vấp phải lực cản từ những cái đã thành tập quán, thói quen.

- Bộ Tư pháp đề xuất rất nhiều ý tưởng trên cơ sở học tập kinh nghiệm của các nước, nhưng không hiếm ý tưởng được QH đánh giá là mới chỉ “hay trên giấy”, thưa ông?

- Tôi được tiếp cận với một số văn bản mà Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo và thừa ủy quyền của Chính phủ trình QH. Sản phẩm trình ra QH, trước hết là của Chính phủ. Như vậy, nếu nói trách nhiệm thì trước hết là trách nhiệm của Chính phủ, sau đó mới đến trách nhiệm của Bộ Tư pháp. Nhưng rõ ràng, bộ máy tham mưu, trực tiếp chắp bút soạn thảo các dự án luật là cực kỳ quan trọng. Các đồng chí bảo là nhìn xa thì tôi nói thật, nhiều lúc tôi cũng tự hỏi, không biết là nhìn tới hay nhìn lui. Nhiều khi các kinh nghiệm của Nhật, Pháp, Đức cách đây 3,4 thập niên, thậm chí cả thế kỷ nhưng các đồng chí lại học tập, đưa vào luật của mình.

Thực tế, có những bộ trưởng trong đó có cả Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng chưa đọc hết nội dung của dự án luật đâu, kể cả khi dự án đó đã được trình sang QH. Đến khi chúng tôi thẩm tra, nêu vấn đề ra thì Bộ trưởng đồng ý ngay và bỏ đi những điều chưa hợp lý. Điều này cho thấy, Bộ trưởng cũng chưa sâu sát.

- Ông kỳ vọng như thế nào về Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiệm kỳ tới?

- Tôi nghĩ đồng chí nào được QH phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì chắc chắn phải có đủ năng lực, bản lĩnh vì quy định, tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp cao như Bộ trưởng hiện nay cũng đã khá rõ rồi. Đương nhiên, Bộ trưởng mới sẽ biết mình phải làm gì, trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm và bài học của các bộ trưởng tiền nhiệm.

Điều tôi kỳ vọng là, tân Bộ trưởng phải xem xét, tổ chức lại bộ máy, cán bộ của ngành mình và phải có phương pháp công tác, tức là phải xây dựng được quy trình thẩm định chặt chẽ, hiệu quả và quản lý hệ thống văn bản quy phạm pháp luật một cách thống nhất. Bộ Tư pháp phải nắm toàn bộ hệ thống pháp luật để khi một dự luật được đưa ra, cơ quan này phải thấy ngay có mâu thuẫn, có chồng chéo gì với các luật đã có không, luật tốt cho lĩnh vực này nhưng liệu có cản trở lĩnh vực khác không? Không có luật nào tồn tại độc lập mà luôn có tác động, liên quan đến các luật khác. Cơ quan thẩm định phải bám sát cơ quan soạn thảo từ khâu đầu tiên tổng kết, đánh giá, lấy ý kiến và cuối cùng là thẩm định thì mới có chất lượng được. Còn nếu cứ chờ đến khi có văn bản hoàn chỉnh rồi mới thẩm định thì sẽ chỉ thấy tốt hết. Nếu muốn sửa người ta nêu rất khó khăn bất cập, nếu muốn ban hành thì lại nói rất tích cực, tác động tốt... cho nên nếu anh không sâu sát, không nắm bắt tình hình thực tế, không đi vào từng khâu trong quá trình soạn thảo thì rõ ràng chất lượng thẩm định sẽ bị hạn chế.

- Xin cảm ơn ông!

N. Bình - T. Thành thực hiện