Đừng để lòng tham dẫn lối

- Thứ Bảy, 15/05/2021, 06:13 - Chia sẻ
Cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng đã ghi nhận có khoảng 1.500 nạn nhân của sàn giao dịch tài chính Busstrade.com với số tiền trình báo mất là 540 tỷ đồng. Số tiền và nạn nhân chắc không dừng lại ở đó. Vì sao đã có những cảnh báo của các cơ quan chức năng, và trước đó cũng đã có rất nhiều nạn nhân, nhưng người dân vẫn mù quáng đầu tư vào tiền… ảo?

Tháng 3.2020, Busstrade xuất hiện trên mạng với lời quảng cáo là sàn giao dịch tài chính quốc tế, thành lập và cấp phép ở Vương quốc Anh. Sàn kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào đầu tư, cam kết lợi nhuận trung bình 30%/tháng; bảo hiểm 100% vốn đầu tư. Khác với vô số “sàn” lừa đảo đã bị phát giác trước đó, người chơi “không phải làm gì, thậm chí không cần online, bởi Busstrade.com đã lập trình để tài khoản tự động copy theo lệnh giao dịch của một chuyên gia”. Mỗi lần tăng vốn, các nhà đầu tư chỉ việc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Big Leader. Sau đó, tiền sẽ quy đổi thành đồng USDT (loại tiền mã hóa dùng trong Busstrade) theo tỷ giá bán ra 24.500 VNĐ/1 USDT. Lợi nhuận được sàn trả bằng USDT. Khi muốn rút lãi hoặc vốn, nhà đầu tư có thể bán lại cho Big Leader hoặc người chơi khác (tỷ giá mua vào 23.000 VNĐ/1 USDT) để đổi lấy tiền Việt Nam. Big Leader liên tục kêu gọi thành viên trong nhánh mình phụ trách tăng vốn để nhận phần thưởng, chiết khấu tỷ giá tốt.

Cứ như vậy, nhà đầu tư mải miết tăng vốn từ… nguồn lãi (ảo) của mình, hoặc thấy lãi thì đầu tư thêm (tiền thật), vì không có ngành nghề nào có thể mang lại lãi suất đến 1 - 2% ngày, tương đương 365 - 730%/năm?!!!.

Sau một thời gian dài “thả lãi ảo”, khi đã thu hút số lượng ước tính 15.000 người tại Việt Nam đổ tiền Busstrade. Ngày 23.4.2021, sàn thông báo đóng để bảo trì, nâng cấp lên phiên bản 3 với nhiều tính năng mới. Một số thành viên điều hành Busstrade có dấu hiệu khó liên lạc, nhiều nhóm chat bỗng nhiên giải tán. Đến ngày 5.5.2021, sàn mở lại nhưng yêu cầu chuyển đổi vốn trong tài khoản sang một loại “tiền số”. Đến ngày 7.5.2021, tất cả web, app và các nhóm chat của Busstrade đều không truy cập được; đội ngũ điều hành sàn không thể liên lạc. Đến lúc này, nạn nhân mới biết phải đi trình báo cơ quan chức năng.

Theo chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng của một nạn nhân thì: Chị đã theo dõi Busstrade từ tháng 11.2020, đến tháng 1.2021, chị đầu tư 1,6 tỷ đồng vào Busstrade; và khi những cá nhân liên quan đến Busstrade không thể liên lạc được thì nạn nhân này vẫn khẳng định "Tôi không mù quáng, không phải là không biết gì. Lợi nhuận 1% - 2% mỗi ngày thì không lạ với những người có kiến thức về đầu tư tài chính trực tuyến”. Như vậy, người có kiến thức về đầu tư tài chính trực tuyến vẫn vì lòng tham mà tình nguyện bị lừa; chứ chưa nói đến các nhà đầu tư "nghe theo".

Từ những hiện tượng trên, bên cạnh chiêu trò “lãi suất khủng”; “không phải làm gì… chỉ bỏ tiền thật”… thì ở khía cạnh pháp lý lại cho thấy sự chậm trễ của các bộ, ngành liên quan. Trong khi blockchain và tiền mã hóa đã có những chuyển động mạnh mẽ, trong đó có yếu tố tích cực và tiêu cực thì hành lang pháp lý liên quan đến công nghệ 4.0 vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện hoặc gấp rút hoàn thiện.

Và, trong khi các bộ, ngành đang loay hoay hoàn thiện khung pháp lý thì Thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 28.10.2017 vẫn còn nguyên giá trị. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Theo đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam; sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.

Nguyễn Minh