Đừng để giáo dục, đào tạo thành “thập nhị sứ quân”
Một Chính phủ kiến tạo phải có sự quản lý thống nhất về mặt Nhà nước đối với từng lĩnh vực. Cụ thể giáo dục, đào tạo phải là một hệ thống nhất quán chứ không phải là những mảng trời riêng theo cơ chế “thập nhị sứ quân”.
Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng Chính phủ kiến tạo. Đồng nghĩa, Chính phủ không phải làm nhiệm vụ “cầm tay chỉ việc” cho các cơ sở mà phải tạo ra cơ chế, chính sách, xây dựng hệ thống các văn bản pháp quy để định hướng phát triển cho cả hệ thống, qua đó giúp các cơ sở tự chủ trong hoạt động. Theo đó, cần có sự thống nhất trong quản lý nhà nước. Chẳng hạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với toàn ngành giáo dục và không ai lại đi chia sẻ một phần của giáo dục, đào tạo cho bộ khác quản lý. Bởi nếu chia sẻ như thế thì Bộ Công thương, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Quốc phòng… cũng cần được chia sẻ vì họ đều có nhu cầu đào tạo nhân lực cho lĩnh vực mà mình quản lý. Làm như thế là phá đi nguyên tắc về quản lý nhà nước.

Phải thừa nhận rằng, giáo dục nghề nghiệp (chính xác là giáo dục nghề) là mảng rất quan trọng nhưng cần được đặt trong một hệ thống chung về giáo dục và đào tạo chứ không phải tạo thành một mảng riêng độc lập do một bộ khác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Luật hiện nay lại chia giáo dục và đào tạo thành các mảng khác nhau, hình thành các “sứ quân” để “cai quản”. Do vậy, cần sửa lại để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống giáo dục. Chỉ riêng mảng giáo dục đã chia 5 xẻ 7 như vậy thì khó có thể thực hiện được mục tiêu kiến tạo mà Chính phủ đã đề ra!
Ở nhiều nước, hệ thống giáo dục quốc dân được phân theo bậc học và trình độ đào tạo. Theo đó, bên cạnh trung học phổ thông (THPT) còn có trung học nghề, hai loại hình này tương đương với nhau về cấp độ học vấn. Người tốt nghiệp trung học nghề cũng như THPT sẽ dễ dàng học lên cao đẳng, đại học khi có nhu cầu. Còn ở ta, vì đào tạo nghề không gắn với bậc học mà chỉ gắn với trình độ tay nghề nên gây khó cho người học khi muốn học lên các bậc học cao hơn. Chẳng hạn, quy định hiện nay với bậc sơ cấp nghề và trung cấp nghề không đòi hỏi trình độ học vấn đầu vào. Nhưng nếu người tốt nghiệp trung cấp nghề muốn học lên cao đẳng nghề bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp THPT là điều không hề dễ dàng với nhiều người.
Từ những phân tích trên, tôi cho rằng, trước hết, một Chính phủ kiến tạo phải có sự quản lý thống nhất về mặt nhà nước đối với từng lĩnh vực. Cụ thể, giáo dục và đào tạo phải là một hệ thống nhất quán chứ không phải là những mảng trời riêng. Cơ chế “thập nhị sứ quân”, mảng này thuộc bộ này, mảng kia thuộc bộ kia chỉ làm méo mó hệ thống giáo dục, gây khó cho người học. Thứ hai, phải nghiêm túc thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 phân luồng triệt để học sinh sau trung học cơ sở, đó là luồng THPT và luồng trung học nghề (chứ không phải trung cấp nghề như hiện nay). Năm 2011, Ủy ban Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ban hành Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED - 2011 áp dụng chung cho toàn thế giới đã chia các chương trình giáo dục, đào tạo theo cấp độ học chứ đâu có chia theo trình độ tay nghề như chúng ta!