Đừng chỉ nhìn vào GDP!

- Thứ Ba, 23/02/2021, 08:21 - Chia sẻ
TS. Bùi Trinh

Đầu năm nay dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến Chính phủ và người dân Việt Nam một lần nữa vừa đối phó với dịch bệnh vừa lo đưa nền kinh tế trở lại nhịp điệu của nó. Vào lúc này, cần lưu tâm những gì để người dân và Chính phủ cùng được hưởng lợi từ nền kinh tế và tránh những rủi ro có thể xảy ra?

Có nhiều chỉ số tổng hợp cơ bản đo lường sức khỏe của một nền kinh tế theo Hệ thống các tài khoản quốc gia của Liên Hợp Quốc. Những chỉ số này bao gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng thu nhập quốc gia (GNI), tổng thu nhập quốc gia khả dụng (GNDI) và tổng tiết kiệm quốc gia (Gross National Saving). GDP chỉ là chỉ tiêu phản ánh sự khởi tạo thu nhập lần đầu và là chỉ tiêu cân đối tài khoản sản xuất. Như vậy việc coi GDP như chỉ tiêu duy nhất để đánh giá tình trạng của nền kinh tế là không thỏa đáng và đôi khi nhầm lẫn. Trong nhiều trường hợp, GDP tăng nhưng tài sản của quốc gia lại mất đi, nguồn lực đất nước nhỏ lại.

Một số hạn chế khi chỉ nhìn vào GDP có thể được liệt kê dưới đây:

Thứ nhất, đầu tư không hiệu quả (như xây dựng những công trình mà không sử dụng hay thất thoát, lãng phí…) có thể làm tăng GDP ngay tại thời điểm đó nhưng sẽ gây ra rủi ro về lạm phát (nguồn gốc sâu xa của lạm phát là do đầu tư thiếu hiệu quả) và nợ nần do mức tổng tiết kiệm quốc gia (GNS) thiếu hụt so với lượng đầu tư. Đối với doanh nghiệp nhà nước, tỷ lệ giữa nợ phải trả so với nguồn vốn chủ sở hữu tăng từ 3,1/1 giai đoạn 2011 - 2015 lên 4/1 giai đoạn 2016 - 2018. Nợ công của Việt Nam tăng mạnh qua từng năm, năm 2020 dự kiến vượt 3,63 triệu tỷ đồng và nghĩa vụ Chính phủ phải trả nợ cả gốc lẫn lãi khoảng trên 360.000 tỷ đồng. Với dân số khoảng 97,5 triệu người của năm 2020, trung bình mỗi người dân gánh khoảng 37 triệu đồng nợ công. Sang năm 2021, nợ công theo dự toán lên đến 4 triệu tỷ đồng thì bình quân mỗi người “gánh” 40 triệu đồng. Khoảng cách giữa tiết kiệm quốc gia với đầu tư và tích lũy tài sản ngày càng lớn, từ năm 2015 đến 2019 tỷ lệ tiết kiệm quốc gia nhỏ hơn tỷ lệ đầu tư và tích lũy so với GDP và điều này thực sự là một cảnh báo thay vì vui mừng với GDP tăng trưởng.

Thứ hai, tăng trưởng GDP dựa vào đầu tư nước ngoài (FDI). Theo nguyên tắc tính toán GDP về thường trú thì toàn bộ giá trị tăng thêm của khu vực FDI được tính vào GDP của quốc gia sở tại. Khu vực FDI có thể làm GDP tăng trưởng nhưng luồng tiền ra khỏi đất nước cũng tăng lên. GDP theo giá hiện hành năm 2019 so với năm 2000 theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tăng 13,7 lần, luồng tiền đi ra nước ngoài năm 2019 so với năm 2000 tăng 55,3 lần; GDP giá hiện hành năm 2019 so với 2010 tăng 2,8 lần thì tốc độ tăng luồng tiền ra tương ứng là 4,3 lần. Tức là tốc độ tăng luồng tiền chảy ra nước ngoài cao hơn tăng về GDP 1,5 lần; từ đó dẫn đến tỷ lệ tổng thu nhập quốc gia (GNI) so với GDP ngày càng giảm. Năm 2000 tỷ lệ GNI so với GDP là 98,6% thì năm 2019 tỷ lệ này giảm xuống 94%.

Một điều nữa cần chú ý là tỷ lệ cung tiền so với GDP (M2/GDP) từ năm 2016 đến nay rất cao, năm 2016 là 158,3%, năm 2019 là 175,1% và đến 21.12.2020 khoảng 189%. Nhưng đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại không tăng đáng kể. Như vậy luồng tiền chạy đi đâu trong nền kinh tế? Nếu luồng tiền chảy vào bất động sản và chứng khoán thì có thể mang đến rủi ro cho những năm tiếp theo. Cũng có thể, cung tiền tăng cao mà không gây tăng giá tiêu dùng là do khu vực kinh tế chưa được quan sát trong giai đoạn này rất lớn và chưa được tính vào GDP khiến tỷ lệ cung tiền so với GDP chính thức theo niên giám thống kê tăng cao. Dù vậy thì các nhà hoạch định chính sách vẫn nên thận trọng trong điều hành

Tựu chung lại có thể thấy điều hành nền kinh tế chỉ nhìn vào tăng trưởng GDP là có phần phiến diện. Đặc biệt, sự đánh đồng tăng trưởng kinh tế với tăng trưởng GDP trong việc đưa ra các chính sách có thể dẫn đến lệch lạc. GDP có thể được mang ra trong so sánh với nước này nước khác, nhưng chỉ nên xem nó như một chỉ tiêu tham khảo.