Đừng bỏ quên quy hoạch phát triển nhân lực!

- Thứ Bảy, 07/11/2020, 08:25 - Chia sẻ

ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh)

Trong các nội dung về quy hoạch, cơ cấu lại vùng kinh tế theo Nghị quyết 24 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, tất cả đang tập trung vào các chỉ tiêu, nội dung về lĩnh vực kinh tế và dường như bỏ sót một vấn đề rất quan trọng là nền tảng và động lực cho phát triển kinh tế. Đó là quy hoạch nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Một ví dụ điển hình là nhân lực giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông. Tính đến tháng 10.2019 cả nước thiếu hơn 45.000 giáo viên mầm non, hơn 18.000 giáo viên tiểu học, hơn 11.000 giáo viên trung học cơ sở và hơn 10.000 giáo viên trung học phổ thông. Cùng với sự ra đời hàng loạt trường tư, hiện rất nhiều trường công không đủ giáo viên phục vụ nhu cầu giảng dạy.

Số liệu về nhu cầu giáo viên đã được các địa phương tổng hợp hàng năm qua các báo cáo, thống kê về vị trí việc làm hay báo cáo gửi các bộ chuyên ngành. Tuy nhiên, các cấp chính quyền lại chưa chủ động cân đối xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thiếu hụt cho địa phương mà chỉ chờ vào số lượng sinh viên rất ít ỏi của ngành sư phạm tốt nghiệp ra trường gửi đơn đến tham gia dự tuyển. Cho dù mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 116, theo đó hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng cho sinh viên ngành sư phạm nhưng chính sách này liệu có giải quyết tận gốc vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thiếu hụt hay cũng chỉ mới thu hút được một số lượng không nhiều sinh viên vào sư phạm? 

Tương tự với các ngành và lĩnh vực khác, các báo cáo của Chính phủ đề ra định hướng thời gian tới chúng ta phải hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo chuẩn mực quốc tế để chuyển giao và áp dụng công nghệ 4.0, thúc đẩy quá trình phát triển, chuyển đổi số, thực hiện kinh tế số… Điều đó có nghĩa toàn bộ nền kinh tế đang rất cần lượng lớn những người được đào tạo về công nghệ thông tin, điện tử, các kỹ sư nông nghiệp... có chất lượng.

Giải pháp cho nhu cầu đó là phải quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao - đã được đề ra trong hầu hết báo cáo của Chính phủ cũng như các cấp chính quyền địa phương hàng năm. Tuy nhiên, kế hoạch cân đối, chuẩn bị nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực thiếu hụt trên lại không được thực hiện quyết liệt ở các cấp, mà chủ yếu phụ thuộc vào số lượng nhân lực tốt nghiệp ở các ngành nộp đơn thi xét tuyển. Đến khi không đủ số lượng và chất lượng theo yêu cầu, các báo cáo lại tiếp tục đánh giá hạn chế là do nguồn nhân lực chưa đủ, chưa đáp ứng yêu cầu công việc và tiếp tục đề xuất các giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Trong khi đó, sinh viên đăng ký các ngành học chủ yếu là tự phát dựa trên năng lực, sở thích, tiềm lực kinh tế gia đình hay từ dự đoán thị trường hiện tại về ngành, lĩnh vực, chưa được dựa trên dự báo cân đối sắp xếp của các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này làm cho diễn biến sinh viên đăng ký vào các ngành học, các trường đại học trong từng thời kỳ liên tục theo đồ thị hình sin, gây ra sự thừa, thiếu cục bộ về nhân lực trong toàn bộ nền kinh tế.

Nhân lực là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia trong công tác quy hoạch, cơ cấu lại vùng kinh tế giai đoạn 2021 - 2026. Thiết nghĩ, để quy hoạch, cơ cấu lại vùng kinh tế đạt được mục tiêu đề ra, cần thiết phải quan tâm đến vấn đề quy hoạch nguồn nhân lực. Thực hiện theo phương châm Chính phủ hành động, các địa phương bên cạnh thực hiện phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế cần chủ động tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, có chính sách, lộ trình đào tạo, bố trí, sắp xếp, thu hút nguồn nhân lực trong các cơ quan quản lý nhà nước đơn vị sự nghiệp một cách có hiệu quả và đúng hướng. Đồng thời, cần có sự tính toán, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đến các ngành, lĩnh vực để qua đó người học đăng ký vào các ngành, thị trường cần đáp ứng nhu cầu xã hội nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.