Đừng biến kỳ vọng thành áp lực

- Thứ Năm, 29/04/2021, 18:00 - Chia sẻ
5h30 sáng bắt đầu ca học thứ nhất, sau đó đến trường học, tan tầm lại luyện thi tiếp các môn còn lại đến 21h đêm. Sức nóng của kỳ ôn thi cấp tốc vào lớp 10 khiến nhiều học sinh không có thời gian di chuyển. Một số kíp ôn tập (đủ 4 môn) đã tổ chức thuê địa điểm để cho học sinh nghỉ và ăn nhẹ giữa các ca học ngay tại chỗ. Với mong muốn con giành được suất vào trường tốt, nhiều bố mẹ ráo riết cùng con "chiến đấu" với các lớp ôn thi.

Vào thời điểm nước rút này, sức nóng ở những “lò” luyện thi càng rõ hơn bao giờ hết. Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, một phụ huynh cho biết trong tuần con học gần như kín các buổi tối, thường từ 18h đến 21h, chỉ ngày nghỉ thì học vào buổi sáng hoặc chiều. Phụ huynh này cũng tiết lộ đang cho con theo một ca ôn Toán vào giờ rất đặc biệt là từ 5h30 đến 7h, trước giờ học sinh đến trường khiến dư luận kinh ngạc và bàn tán xôn xao. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu với lịch học dày đặc từ tờ mờ sớm đến khuya như vậy, các con có thực sự tiếp thu được hiệu quả?

Trên thực tế, việc tích cực bổ sung, bồi dưỡng kiến thức để con cái có tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi là nguyện vọng chính đáng của cha mẹ. Tâm lý chung của phần lớn phụ huynh là “nhồi” thêm được chút kiến thức nào hay tí ấy, dù yêu cầu của kỳ thi, học sinh lớp 9 chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản và nắm được kỹ năng làm bài thi (tự luận, trắc nghiệm) thì có thể đạt điểm từ khá trở lên vẫn không thể khiến phụ huynh an tâm. Học sinh nọ nhìn ngó học sinh kia, phụ huynh này so kè phụ huynh khác, thế là hình thành trào lưu đua chen luyện thi. Ở lứa tuổi 15 "ăn chưa no, lo chưa tới", các em đã phải gồng trên vai nhiệm vụ học tập quá lớn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo từng cũng nhấn mạnh kỳ thi lớp 10 chỉ mang ý nghĩa tuyển chọn, không phải đánh giá năng lực toàn diện như kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, do đó khâu thi tuyển nếu có được tổ chức nhẹ nhàng, không căng thẳng, tốn kém. Tuy nhiên, kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội và TP Hồ Chí lâu nay vẫn được xen là “căng hơn thi đại học”. Một phần là bởi hệ thống trường công lập chỉ đáp ứng được 70-80% nhu cầu của người học trong khi ai cũng muốn con em mình vào một trường trung học phổ thông có uy tín, trường chuyên lớp chọn. Mỗi năm, số học sinh không được vào lớp 10 công lập ở hai địa phương này sẽ lên con số hàng chục vạn em.

Riêng tại Hà Nội, kỳ thi năm nay có sự tham gia của gần 91.000 học sinh, trong đó trường công lập chỉ đáp ứng được khoảng 62 %, còn lại các em phải học trường ngoài công lập. Trong khi không phải trường tư thục nào cũng phù hợp với khả năng tài chính của phần đông phụ huynh. So với các năm học trước, kỳ thi năm nay có phần áp lực hơn khi học sinh phải trải qua 2 năm học tập trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, không ít băn khoăn về quá trình dạy và học 4 năm bậc THCS như thế nào, mà đến kỳ thi cuối bậc lại phải hộc tốc luyện thi vào lớp 10? Đến nỗi bước chuyển cấp trung học hình thành cả một cơn bão luyện thi?

Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì nhồi nhét cấp tập, học sinh khối 9 cần rà soát lại những kiến thức đã được học và kết hợp luyện đề để làm quen với các dạng đề thi, bổ sung những kiến thức còn thiếu. Quan trọng hơn hết, các em cần giữ cho mình một tinh thần thoải mái và sức khỏe thật tốt để có thể tự tin bước vào kỳ thi sắp tới. Về lâu dài, đểthoát khỏi cái vòng luẩn quẩn học - thi, thi - học, không có cách nào khác, các địa phương, cơ sở giáo dục, thầy cô giáo cần phải thực hiện tốt việc kiểm tra, đánh giá học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 một cách thực chất, công tâm, “nói không” với bệnh thành tích và tháo khoán, thì đến cuối năm lớp 9, các địa phương hoàn toàn yên tâm, tin tưởng dựa vào kết quả, đánh giá ấy mà xét tuyển vào lớp 10.

Duy Anh