Đúng bản chất của trợ giúp pháp lý
Việc xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp 2013 và các luật được QH ban hành gần đây để phát triển bền vững công tác trợ giúp pháp lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động này.
14 diện người được trợ giúp pháp lý
Từ tổng kết thực tiễn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, nhằm bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 39 - NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật năm 2017 quy định việc rà soát, sắp xếp lại, sáp nhập hoặc giải thể các chi nhánh của trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước đã được thành lập, nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động. Trong trường hợp thực sự cần thiết để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập chi nhánh. Cụ thể, chi nhánh được thành lập tại các huyện ở vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến để đến được các trung tâm trợ giúp pháp lý, ở nơi chưa có tổ chức hành nghề luật sư hoặc tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý. |
Luật Trợ giúp pháp lý 2017 QH thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, gồm 8 chương, 48 điều, và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2018.
So với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Luật năm 2017 đã mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý từ 6 lên 14. Theo đó, 2 đối tượng được kế thừa hoàn toàn từ Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 là người thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng; 2 đối tượng được kế thừa và mở rộng là trẻ em không nơi nương tựa thành tất cả trẻ em, người dân tộc thiểu số thường trú thành cư trú (gồm cả thường trú và tạm trú) tại các vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn.
Luật cũng bổ sung 2 nhóm người được trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo để bảo đảm chính sách hình sự đối với các nhóm đối tượng này; áp dụng trợ giúp pháp lý đối với 8 nhóm người có khó khăn về tài chính, không có khả năng để thuê dịch vụ pháp lý. Chính phủ sẽ có quy định chi tiết về điều kiện có khó khăn về tài chính áp dụng với các nhóm người này phù hợp với điều kiện KT - XH theo từng thời kỳ phát triển của đất nước.
Có thể nói, việc triển khai hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý 2017 sẽ đáp ứng được đầy đủ chất lượng, nhu cầu trợ giúp pháp lý của các diện người được quy định trong Luật; góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Luật Trợ giúp pháp lý cũng quy định nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý bao gồm nguồn ngân sách nhà nước (NSNN), đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước, các nguồn hợp pháp khác. Nhà nước bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về NSNN. Đồng thời, đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, Luật quy định việc ưu tiên bố trí ngân sách từ số bổ sung cân đối NSNN để hỗ trợ thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình. Đây là điểm mới quan trọng, khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm người thuộc diện được trợ giúp pháp lý được trợ giúp khi họ có các vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể, đồng thời nhằm khắc phục phần nào tình trạng bỏ sót nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân tại các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách.
![]() | |
ĐBQH biểu quyết thông qua Luật Trợ giúp pháp lý | Ảnh: Đình Nam |
Chỉ trợ giúp pháp lý khi có vụ việc cụ thể
Luật 2017 đi đúng bản chất của trợ giúp pháp lý, đó là thực hiện các vụ việc nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, chỉ thực hiện trợ giúp pháp lý khi có vụ việc cụ thể. Hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý được quy định theo đúng bản chất và yêu cầu của công tác trợ giúp pháp lý. Cụ thể Luật đã kế thừa Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và quy định 3 hình thức trợ giúp pháp lý, bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng mà không quy định các hình thức trợ giúp pháp lý khác để tránh dàn trải, tránh trùng lặp với các hoạt động theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Hòa giải ở cơ sở… Ngoài ra, Luật cũng đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và viên chức nhà nước tập trung thực hiện tố tụng thông qua quy định trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian 2 năm liên tục sẽ bị miễn nhiệm, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan.
Luật cũng có nhiều quy định mới để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ, như quy định phải công bố danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để người dân biết và thực hiện quyền lựa chọn của mình. Ngoài hình thức nộp đơn trực tiếp, gửi qua đường bưu điện, người dân có thể nộp đơn yêu cầu qua hình thức điện tử, fax. Việc yêu cầu trợ giúp pháp lý có thể do các tổ chức, cá nhân khác thực hiện; thụ lý giải quyết ngay khi người yêu cầu chưa thể cung cấp hồ sơ theo quy định nhưng cần thực hiện trợ giúp pháp lý (vụ việc sắp hết thời hiệu, sắp đến ngày xét xử).