
Luật pháp của Đức quy định rõ, người lao động phải được người sử dụng lao động trả 100% tiền lương hoặc tiền công của họ trong 6 tuần đầu tiên bị ốm. Trong một số trường hợp nhất định, khoảng thời gian 6 tuần này có thể được kích hoạt nhiều hơn một lần mỗi năm. Tuy nhiên, người lao động phải làm việc trong khoảng thời gian bốn tuần trước khi bị bệnh để đủ điều kiện yêu cầu tiền lương trong thời gian nghỉ ốm. Nghĩa là, nếu người lao động vừa mới bắt đầu làm việc ở một công ty mới và bị ốm trong vòng bốn tuần đầu tiên, chủ lao động không cần phải tiếp tục trả lương cho họ. Trong trường hợp này, người lao động có thể yêu cầu trả tiền ốm đau từ bảo hiểm y tế công.
Nếu người lao động bị ốm do cùng một bệnh lý tiềm ẩn, thì thời gian 6 tuần sẽ bắt đầu lại nếu 6 tháng đã trôi qua kể từ khi kết thúc kỳ nghỉ ốm cuối cùng, hoặc nếu một năm đã trôi qua kể từ khi bắt đầu kỳ nghỉ ốm đầu tiên. Nếu bệnh có nguyên nhân mới, thì thời gian 6 tuần sẽ tự động bắt đầu lại.
Sau thời gian 6 tuần, người lao động được hưởng quyền lợi ốm đau theo luật định hay bảo hiểm tư nhân. Trợ cấp ốm đau (Krankengeld) bằng 70% mức lương bình thường của người lao động, hay không vượt quá 90% lương ròng. Thời gian tối đa để thanh toán khoản trợ cấp này là 78 tuần. Người lao động được bảo hiểm nhận trợ cấp ốm đau trong trường hợp mất khả năng lao động vì bệnh tương tự trong thời gian dài nhất là 78 tuần trong vòng mỗi 3 năm, kể từ ngày đầu tiên bị bệnh.
Cha mẹ đang đi làm cũng được nhận trợ cấp ốm đau để chăm sóc trẻ em dưới 12 tuổi bị ốm. Họ có thể nhận trợ cấp cho mỗi trẻ bị bệnh lên đến tối đa 25 ngày nghỉ mỗi năm; cha mẹ đơn thân có tối đa là 50 ngày nghỉ ốm hưởng lương mỗi năm để chăm con. Ngoài ra, Đức đã thông qua Luật sửa đổi về thời gian chăm sóc gia đình (Pflegezeitgesetz) cho phép người lao động nghỉ tối đa 10 ngày không lương để chăm sóc người thân trong tình huống khẩn cấp. 10 ngày này cũng có thể dùng để sắp xếp chăm sóc người thân.
Tại Đức, người lao động cần cung cấp giấy báo ốm cho người quản lý lao động nếu nghỉ ốm hơn ba ngày liên tục. Bắt đầu từ tháng 7.2022, các bản sao kỹ thuật số của giấy báo ốm của người lao động sẽ được bác sĩ gửi cho chủ lao động và công ty bảo hiểm của họ. Người lao động không phải cần tự trực tiếp nộp giấy báo ốm nữa.
Ngoài ra ở Đức, nếu người lao động bị ốm trong thời gian đang trong kỳ nghỉ của mình, họ có thể thay đổi chế độ nghỉ phép sang chế độ nghỉ ốm. Điều này là do kỳ nghỉ của người lao động được cho là để thư giãn khỏi công việc, chứ không phải để ốm ở nhà.
Theo số liệu mới công bố của Đức, người lao động đã nghỉ ít ngày hơn do ốm đau vào năm 2021 so với ba năm trước đó, cho dù thế giới vẫn đang phải đối phó với đại dịch Covid-19. Cụ thể là, năm 2021, người lao động chỉ mất trung bình 14,5 ngày nghỉ ốm, trong khi mất trung bình 15,1 ngày vào năm 2020, 15,4 ngày vào năm 2019 và 15,5 ngày vào năm 2018. Theo một số chuyên gia, các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của virus Corona tỏ ra cực kỳ hiệu quả trong việc giảm sự lây lan của các loại virus khác như cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, sức khỏe tâm thần là lý do phổ biến nhất để xin nghỉ ốm trong năm thứ 4 liên tiếp với 21,8%. Tiếp theo là các vấn đề về cơ xương khớp (18,4%) và các vấn đề về hô hấp (11,3%).