Đức: Tăng cường bảo vệ quyền riêng tư cho người lao động

Phương Minh 28/08/2010 00:00

Đức vừa đưa ra một dự luật nhằm trấn áp những hành vi dùng camera và mạng xã hội để theo dõi người lao động của giới chủ. Và Đức sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm các nội dung cá nhân trên Facebook được sử dụng cho các mục đích tuyển dụng…

Các chương trình theo dõi và những camera ẩn, tưởng chừng như chỉ giành cho Jamesbond trong loạt phim về Điệp viên 007, vậy mà đối với một số người lao động Đức, đó là chuyện cơm bữa ở cơ quan. Trong những năm gần đây, một loạt các vụ bê bối liên quan đến quyền riêng tư của người lao động tại nơi làm việc đã được phanh phui và đưa ra ánh sáng. Trong số các công ty vi phạm, có cả những tên tuổi lớn như Deutsche Telekom, hãng bán lẻ Lidl Stiftung & Co. hay công ty khai thác đường sắt quốc gia Deutsche Bahn.

“Cho tới nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về việc trong trường hợp và điều kiện nào người sử dụng lao động được phép dùng video giám sát để thu thập thông tin về nhân viên của mình”, nghị sỹ Christian Ahrendt thuộc đảng thân doanh nghiệp Dân chủ Tự do phát biểu với tờ Deutsche Welle.

Để đối phó với những vụ bê bối mới đây, liên minh cầm quyền đã phải đề xuất một dự thảo luật cách đây 3 hôm nhằm đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đảm bảo quyền riêng tư tại nơi làm việc. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết, luật mới khi được thông qua sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên: “Đó là thỏa hiệp cân bằng những lợi ích khác nhau và tăng cường tin tưởng giữa người sử dụng lao động và nhân viên”.

Điểm quan trọng là người sử dụng lao động sẽ không được sử dụng lén video giám sát đối với nhân viên. “Nếu giám sát video vẫn được áp dụng, cần phải có biển thông báo cho mọi người về điều đó”, nghị sỹ Ahrendt kiến nghị.

Các nhà kinh doanh bán lẻ ở Đức cho tới nay vốn rất nổi tiếng với việc sử dụng các camera ẩn để bắt quả tang những nhân viên mà họ nghi là đang ăn trộm hàng của công ty. Theo dự luật mới, video giám sát sẽ bị cấm ở những khu vực riêng tư như phòng thay đồ, phòng nghỉ ngơi và phòng vệ sinh. Tuy nhiên, người sử dụng lao động sẽ vẫn được phép lắp camera để tránh việc ăn cắp hàng ở những khu vực công khai như quanh quầy thu ngân hoặc ở cổng vào siêu thị.

Mặc dù dự luật được nhiều nghị sỹ hoan nghênh nhưng cũng có nhiều  người chỉ trích cho rằng video giám sát bí mật thực sự là công cụ quan trọng bảo vệ các hãng khỏi các hành vi trộm cắp và tham nhũng của nhân viên. Thậm chí, Hiệp hội Những người sử dụng lao động Đức (BDA) phản đối kịch liệt rằng dự luật mới sẽ làm cản trở cuộc chiến chống tham nhũng và phạm tội tại nơi làm việc.

Ngoài việc bảo vệ người lao động khỏi các hành vi quay lén, dự luật mới  cũng đảm bảo quyền cá nhân của họ trên Internet, đặc biệt là sự riêng tư tại các mạng xã hội như Facebook hay My Space. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nội vụ Maiziere, người sử dụng lao động sẽ vẫn được phép thu thập thông tin về người lao động thông qua các nguồn tin mở công khai như các phương tiện tìm kiếm. Điều mà họ không được phép làm là kết nối bạn với một ai đó trên mạng xã hội, tiếp cận những thông tin riêng tư rồi sử dụng những thông tin đó với mục đích tiêu cực. Những hành vi vi phạm sẽ bị kết tội nặng tới 2 năm tù giam hoặc phải nộp tiền phạt.

Hiện dự luật sẽ vẫn còn phải trình Quốc hội thảo luận và biểu quyết cuối cùng, nhưng nhiều nghị sỹ lạc quan rằng nó sẽ được thông qua với đa số phiếu. Từ giờ tới lúc đó, người lao động Đức sẽ phải hết sức thận trọng về người mà họ sẽ thêm vào danh sách bạn bè trên Facebook hay các mạng xã hội khác.

* Tháng 3.2008: Giới chức trách Đức đã phát hiện ra Hãng bán lẻ Lidl Stiftung & Co. đã sử dụng các camera và thám tử trên toàn hệ thống bán hàng của mình để theo dõi các nhân viên. Vụ việc đã khiến Lidl Stiftung & Co. phải nộp phạt tới 1,5 triệu euro. Trong một vụ việc liên quan, Giám đốc điều hành của hãng là ông Frank-Michael Mros cũng phải từ chức vào tháng  4.2009 sau khi thừa nhận Lidl Stiftung & Co. đã thu thập trái phép hồ sơ bệnh án của các nhân viên trong một hệ thống dữ liệu.

* Tháng 5. 2008: Công ty viễn thông Deutsche Telekom cho biết họ phát hiện ra dấu hiệu sử dụng bất hợp pháp các dữ liệu viễn thông qua mạng không dây và mạng cố định từ năm 2005-2006, sau khi xuất hiện nhiều cáo buộc rằng công ty theo dõi các cuộc gọi giữa nhà báo và các giám đốc điều hành, thành viên ban quản trị…

* Tháng 3.2009: Ông Hartmut Mehdorn, Giám đốc điều hành của Deutsche Bahn đã phải từ chức giữa một loạt cáo buộc công ty sử dụng trái phép các thông tin cá nhân của người lao động nhằm tìm kiếm chứng cứ hối lộ. Các thành viên của Hội đồng giám sát cũng thừa nhận công ty có xem lén email của nhân viên để kiểm tra xem họ có liên hệ với báo giới hay các chính khách hay không.

* Tháng 7.2009: Ngân hàng Deutsche Bank cho biết đã phát hiện ra một số hành vi theo dõi nhân viên và thậm chí các thành viên ban quản trị trong khoảng thời gian 2001-2007. Ngân hàng đã sa thải 2 quản lý cấp trung. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy các quản lý cấp cao của hãng có dính líu đến hoạt động này.

________________________

Cuộc tranh luận về quyền riêng tư của người lao động tại nơi làm việc ở Đức càng được tăng cường trong những tuần gần đây sau khi  Google Inc. đưa ra thông báo sẽ tung ra dịch vụ Street View, một kiểu tra cứu bản đồ đối với 20 thành phố của nước Đức vào cuối năm nay. Chương trình này cho phép người sử dụng xem chi tiết ảnh các tuyến phố, kể cả khu dân cư. Người dân Đức đã tỏ ra rất tức giận và cáo buộc  Street View là công cụ vi phạm quyền tự do riêng tư. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đức: Tăng cường bảo vệ quyền riêng tư cho người lao động
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO