Những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng

Đức Mẹ cổ thiên nga

- Thứ Hai, 23/11/2015, 08:57 - Chia sẻ
Bức tranh mang cái tên mỹ miều, không phải do tác giả đặt, mà do công chúng - những người hâm mộ gọi thế. “Đức Mẹ cổ thiên nga” (tiếng Italy là “Madonna dal Collo Lungo”) của Parmigianino đã đi vào lịch sử hội họa Phục hưng Italy giai đoạn hậu kỳ một cách ngoạn mục.

Đức Mẹ cổ thiên nga, sơn dầu trên gỗ của Parmigianino, khổ 132x215cm, đang lưu tại nhà thờ Uffizi, Florence, Italy.

Trong bộ áo quần sang trọng, Đức Mẹ Madonna ngồi trên bệ cao. Ánh mắt bà cúi xuống nhìn đứa trẻ - Chúa Jesus được ôm bằng một tay trễ nải trên đùi. Những ngón tay thon dài của bà đặt hờ hững lên vạt áo trên khuôn ngực khiến người ta liên tưởng đến việc phụ nữ này vừa cho con bú xong, còn đứa trẻ thì no nê đang ngoảnh ra với đám thiên thần chen chúc phía bên trái Madonna. Gương mặt Jesus dường như thanh thản, mãn nguyện hơn bao giờ hết. Một cảnh tượng như thế có lẽ vào những năm đầu thế kỷ XVI (1534 - 1540) không còn quá xa lạ, bởi từ Michelangelo đến Raphael, các “bà mẹ” Madonna vô cùng thân thiện. Tuy nhiên, bức tranh của Parmigianino lại làm nên kiểu cách mới, một sự duyên dáng đến ngạc nhiên, ấn tượng.

Thực tế, tên gọi “cổ Thiên nga” mãi sau này mới được đặt cho tác phẩm, nói lên sự trọng thị nhiều hơn là chế giễu, khi Parmigianino đã phá bỏ các chuẩn mực Phục hưng được thiết lập trước đó. Tỷ lệ vàng của cơ thể nếu đem ra đo đếm ở đây thì nhân vật này đạt đến tỷ lệ quá khổ khi bà đứng dậy (9 đầu). Lưng và chân cũng dài quá khổ chứ không riêng gì cổ. Kể cả hình ảnh của Đức Chúa hài đồng được ông miêu tả trông giống một đứa trẻ đã lớn. Còn những thiên thần phía bên trái bức tranh cũng được vẽ ra trong tỷ lệ khác biệt so với chính họ. Tuy nhiên, nếu bỏ qua tất cả các chuẩn tắc về tỷ lệ hình họa cơ thể người, thì rõ ràng Parmigianino đã tạo ra sự cuốn hút không tưởng, đặc biệt là gương mặt trái xoan thanh tú của Đức Mẹ được đẩy lên vị thế cao nhất của bức tranh. Một vẻ đẹp rất đương thời với lối vấn tóc và trang sức kiểu cách. Không chỉ vậy, do chiều cao của bức tranh lên đến tận 215cm nên khi người xem đứng dưới chân tác phẩm sẽ được ngắm nhìn Bà theo lối ngước lên sùng kính. Cũng ở vị thế đó, người xem có thể cảm nhận được đường chéo mà ông tạo nên khi vẽ Đức Chúa hài đồng sống động, đời thường và gần gũi nhất. Chỉ có điều bên trong nét đời thường đó vẫn toát ra tính cao cả từ thủ pháp kéo dài cơ thể.

Như phụ thêm vào tính dị biệt đặc sắc của bức tranh chính là không gian hậu cảnh. Phía sau cái bóng như được tạo nên bởi độ bay của chiếc áo choàng là hình ảnh dãy cột đá cẩm thạch in hình vào bầu trời. Dưới chân hàng cột đó là Thánh St. Jerome gầy gò đứng cầm cuốn thư đang mở. Một số nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng, Parmigianino tạo nên sự phi lý không tưởng cho hình tượng, khi cảnh sau và cảnh trước chẳng có gì ăn nhập với nhau. Tuy nhiên cũng có một số người khác lại cho rằng, việc ông cố tình tạo ra tỷ lệ khác biệt giữa 2 không gian tiền cảnh và hậu cảnh xuất phát từ yêu cầu của người đặt hàng. Họ muốn họa sĩ vẽ nên những điều chưa từng có để nhấn mạnh tín ngưỡng tôn thờ Đức Mẹ Maria.

Dẫu vậy, không gian hậu cảnh được đánh giá mang đến nhiều thông điệp hơn yêu cầu của người đặt hàng chính từ hình tượng chiếc cột Toscan - niềm tự hào của văn minh La Mã. Chúng như thể lật ra câu chuyện lịch sử một cách ý nhị rằng, người La Mã đã xây dựng nên nền văn minh sáng chói của mình từ các thước đo của Hy Lạp. Tương tự như thế, niềm sùng tín Đức Mẹ, sự thay đổi trong việc phá bỏ các tỷ lệ đã được thiết lập thời Phục hưng chính là một giá trị thời đại. Parmigianino muốn chứng tỏ rằng các giải pháp cổ điển để đạt đến sự hài hòa hoàn hảo không phải là duy nhất, mà sự bất ngờ của cảm xúc sẽ khắc sâu hơn ấn tượng cho nghệ thuật. Chính điều này từ ông đã tạo lập nên những khuynh hướng mới vào cuối thế kỷ XVI, khi hội họa Baroc dường như đặt tiêu điểm vào sự chuyển tải thái độ, xúc cảm trong tranh.

Trang Thanh Hiền