Đức có cứu được đồng Euro không?
Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp bắt đầu bùng phát vào tháng 2, mọi hành động của nước Đức đều chịu những lời chỉ trích. Đầu tiên là những chỉ trích từ EU khi Đức từ chối cứu giúp một quốc gia đang hấp hối. Sau đó là những chỉ trích trong nước khi Đức chấp thuận cuộc giải cứu đầy tốn kém, và giờ là vì các biện pháp táo bạo để cứu đồng Euro đang sụt giảm. Đức là nước thường xuyên đưa ra sáng kiến ở châu Âu và cho đến giờ là nước luôn đi tiên phong so với 26 quốc gia còn lại. Nhưng trong tuần này, nước Đức đã nhận ra việc con đường riêng mà họ đi có thể gây nguy hiểm.

Tuần trước, các nhà lập pháp Đức đã phê duyệt quyết định tham gia vào kế hoạch trị giá 1.000 tỷ USD để ngăn chặn đà tụt dốc của đồng Euro sau những tuần vận động đầy khó khăn của Thủ tướng Merkel. Bà đã có những cố gắng trong tuyệt vọng để vận động hành lang, và hứng chịu vô số lời chỉ trích từ Washington đến Varsaw. Cuối cùng khi bà đồng ý chi 22,4 tỷ Euro tương đương 28 tỷ USD để giải cứu Hy Lạp, đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) của bà đã chịu thất bại đau đớn khi trong cuộc bầu cử quan trọng ở tiểu bang vào ngày 9 tháng Năm.
Dưới sức ép của những lời chỉ trích cả ở trong nước cũng như nước ngoài, bà Merkel đã quyết định áp đặt lệnh cấm bán khống cổ phiếu, trong khi kêu gọi bổ sung thêm một loại thuế quốc tế trên thị trường tài chính. Bà cũng nỗ lực duy trì vai trò lãnh đạo ở Đức và châu u để thực hiện được các cải cách của mình trên thị trường tài chính. Tuy nhiên kết quả của những nỗ lực đó lại đẩy giá của đồng Euro xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua so với đồng dollar.
Cuộc bầu cử ngày 9.5 đã đưa đến thất bại cho đảng CDU của bà Merkel ở North Rhine – Westphalia, bang đông dân nhất nước Đức. Điều đó có nghĩa là liên minh của Thủ tướng với đảng Dân chủ Tự do có thể sẽ bị mất đa số trong thượng viện của Quốc hội. Điều đó làm cho bà Merkel phụ thuộc nhiều hơn vào đảng Dân chủ Xã hội SPD, đối thủ chính của CDU, để vượt qua được các thủ tục pháp lý.
Luật thuế giao dịch mà bà Merkel áp đặt với mong muốn sẽ tìm ra phương pháp để hạn chế giải quyết những yếu kém trong hệ thống đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như hiện nay. Luật thuế này ít hơn so với đề nghị của SPD khi kêu gọi áp đặt thuế lên việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu và các giao dịch tài chính khác. Bà cũng hy vọng luật này sẽ đáp ứng được mong muốn của SPD để bà có thể thuyết phục SPD thông qua gói cứu trợ Hy Lạp dễ dàng hơn.
Bà Merkel chỉ thu được một phần thành công. Trong khi bà vượt qua được cuộc chiến công luận, bà đã thất bại trong việc chiếm được cảm tình của các đảng đối lập. Khi Hạ viện Đức thông qua ngân sách giải cứu đồng Euro vào ngày 21.5 với 319 phiếu thuận, 73 phiếu chống và 195 phiếu trắng. Đảng SPD và đảng Xanh bỏ phiếu trắng thay vì ủng hộ chính phủ của bà Merkel. Thượng viện cũng ủng hộ dự luật nhưng phải được ký thành luật bởi Tổng thống Đức Horst Koehler.
Cho dù bà Merkel suy nghĩ thế nào trong tuần này, hành động đơn phương của Đức dường như không làm thị trường tài chính dịu đi mà ngược lại giống như đổ thêm dầu vào lửa. Khi các Bộ trưởng tài chính châu Âu họp ở Brussels tuần trước để thảo luận về việc phối hợp việc phát triển chính sách tài chính, họ đã tỏ rõ sự thất vọng đối với bà Merkel: “Cuộc họp ngày hôm nay là để phối hợp các chính sách kinh tế... Rõ ràng các quyết định được đưa ra ở Đức không phải là một ví dụ về sự phối hợp” - ông Elena Salgado, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha phát biểu. Rõ ràng các quyết định gần đây của bà Merkel làm cho Đức gần như trở thành đối đầu với các thị trường tài chính.
Thủ tướng Đức không thúc đẩy cải cách thị trường tài chính. Bà đã đề cập nhiều lần trong tuần này rằng muốn các thành viên khu vực đồng Euro hành động để ngăn cản hoạt động đầu cơ tài chính. Nhưng bà cũng kêu gọi các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu có góc nhìn nghiêm khắc hơn về ngân sách mà bà muốn Đức là nước đi đầu trong việc đó. Berlin đang đề nghị thiết lập các hình phạt khắc nghiệt hơn với các nước để thâm hụt ngân sách cao quá mức cho phép trong hiệp ước Maastricht. Và nước Đức cũng muốn các nước châu Âu chấp thuận luật Cân bằng ngân sách và thiết lập một thủ tục phá sản cho những quốc gia không thể trả nợ của họ. Có thể nói dựa trên các sự kiện này trong tuần, hình ảnh nước Đức sẽ khó mà khôi phục lại tại châu Âu trong một thời gian dài.
Theo Time