Đưa văn hóa trở thành sức mạnh mềm
Có lẽ chưa bao giờ lĩnh vực văn hóa nhận được sự quan tâm nhiều như thời gian gần đây, từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đến diễn đàn Quốc hội và cả dư luận xã hội. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ HOÀNG THỊ HOA, từ sự quan tâm này, các bộ, ngành, địa phương cần chuyển hóa thành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, nhằm tạo chuyển biến trên thực tế, đưa văn hóa trở thành sức mạnh mềm của Việt Nam.
Xây dựng văn hóa là một đột phá chiến lược
- Nhìn lại lĩnh vực văn hóa năm 2018, bà ấn tượng nhất với điều gì?
![]() |
“Trước đây, khi nói về sức mạnh của một quốc gia thì người ta thường hay liên hệ đến thực lực về kinh tế, quân sự, dân số, tài nguyên đất đai... nhưng nay người ta hay nói tới sức mạnh mềm. Trong đó văn hóa có vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh mềm của mỗi quốc gia; biểu hiện sức sống, sự sáng tạo, sức mạnh tiềm tàng và vị thế, tầm vóc dân tộc”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Hoàng Thị Hoa |
- Văn hóa là lĩnh vực rất rộng, vô cùng phong phú và đa dạng, hiện diện và thấm sâu trong đời sống xã hội và mỗi con người. Nhìn lại hoạt động văn hóa năm 2018 vừa qua, chúng ta vui mừng về một số kết quả và hoạt động nổi bật. Trước hết, trên bình diện quốc tế, Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu; Hoàng Hoa sứ trình đồ - cuốn sách miêu tả một trong những hoạt động ngoại giao của Việt Nam và Trung Hoa trong thế kỷ XVIII được đưa vào danh sách di sản tư liệu của chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến nay, Việt Nam đã có tổng cộng 27 di sản được UNESCO công nhận - nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.
Đáng chú ý trong năm 2018 còn có Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề “Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể vì sự phát triển cộng đồng bền vững” tổ chức tại TP Huế; hội thảo quốc tế “Di sản thế giới và phát triển bền vững trong bối cảnh mới” tổ chức tại Quảng Ninh. Các hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế, đưa ra nhiều khuyến nghị đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa…
- Ở trong nước, năm 2018 cũng cho thấy văn hóa nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thưa bà?
- Đúng vậy. Gần đây nhất, phát biểu tại Hội nghị triển khai nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Cần nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”; “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa có mạnh, xã hội có ổn định, phát triển hài hòa, con người có phát triển toàn diện, thì đất nước mới phát triển nhanh và bền vững.
Trước đó, tháng 7.2018, chủ trì Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tuyệt đối không được phá hủy, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc. Nhiệm vụ của tất cả chúng ta, trước hết là ngành văn hóa, là phải làm cho các di sản hồi sinh, sống động, thu hút, đặc biệt là phải đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu này”.
Ngày 14.12, dự hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã phát biểu chỉ đạo: “Nói đến văn hóa các dân tộc là bản sắc của các dân tộc trong cộng đồng quốc gia thống nhất. Nên trách nhiệm bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân gian các dân tộc không chỉ là việc của từng cộng đồng dân tộc mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của tất cả chúng ta”…
- Trên diễn đàn Quốc hội những kỳ họp gần đây, không chỉ trong phiên chất vấn các Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu cũng đề cập đến lĩnh vực văn hóa…
Chưa bao giờ vấn đề văn hóa và con người được quan tâm nhiều như tại Kỳ họp thứ Sáu vừa rồi. Qua phát biểu, đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội thấy rằng, chúng ta đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng. Các nước phát triển cũng từng có những giai đoạn phải nhìn nhận, đánh giá lại và đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, song song với đầu tư cho kinh tế; coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư phát triển. Nhiều khi chúng ta chỉ nghĩ tới đột phá về kinh tế, mà không nhận thấy nếu phát huy tối đa ưu thế của nó, văn hóa là động lực, là sức mạnh nội sinh tỏa sáng, soi đường cho sự phát triển. Điều đó có nghĩa là phải tập trung xây dựng văn hóa là một đột phá chiến lược, cùng với các đột phá chiến lược trong lĩnh vực kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trở thành sức mạnh tổng hợp phát triển đất nước nhanh và bền vững.
![]() | |
Giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Ukraine năm 2018 | Nguồn: http://icd.gov.vn |
Tạo ra giá trị gia tăng
- Từ sự quan tâm ở cấp cao như vậy, theo bà, làm thế nào để tạo thành những chuyển biến trong thực tế, để “văn hóa là động lực, là sức mạnh nội sinh tỏa sáng, soi đường cho sự phát triển”?
- Thực tế, lĩnh vực văn hóa luôn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm. Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI, đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Để triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, các bộ, ngành và địa phương phải chuyển hóa bằng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Trong thế giới phẳng hiện nay, chúng ta cần phải giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Khi văn hóa được giữ gìn tốt, trở thành sức mạnh mềm, không những tạo được dấu ấn quốc gia trên trường quốc tế, mà còn tạo ra các giá trị gia tăng, thúc đẩy cho phát triển kinh tế. Ví dụ như Hàn Quốc, họ phát triển mạnh công nghiệp sáng tạo, thông qua điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, khiến nhiều người trên thế giới yêu quý đất nước Hàn Quốc, dùng hàng Hàn Quốc, qua đó thúc đẩy kinh tế nước này phát triển.
- Bà vừa nhắc đến “sức mạnh mềm” và “công nghiệp sáng tạo”. Năm 2018, UNESCO cũng đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố báo cáo toàn cầu với chủ đề “Tái định hình các chính sách văn hóa, thúc đẩy sáng tạo vì sự phát triển”, trong đó chia sẻ bài học kinh nghiệm và thực hành tốt của các quốc gia trong phát triển công nghiệp văn hóa. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, để phát triển công nghiệp sáng tạo, điều quan trọng nhất là gì, thưa bà?
- Có thể thấy, phát triển công nghiệp sáng tạo bắt nguồn từ sự sáng tạo, kỹ năng và năng khiếu của cá nhân, tập thể có tiềm năng tạo ra của cải, việc làm qua quá trình khai thác tri thức, là sự kết nối giữa văn hóa với thương mại và công nghệ để tạo ra lợi nhuận. Bởi vậy, cần tạo nên không gian sáng tạo cho các cá nhân, hỗ trợ thông qua chính sách, phát huy vai trò sáng tạo của các nghệ sĩ và tổ chức văn hóa nghệ thuật. Đồng thời cần xây dựng nguồn lao động có tri thức, có kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp.
Đặc biệt, cần thay đổi tư duy cũ khi coi văn hóa chỉ nhận sự trợ cấp chứ không phải là một khu vực kinh tế có đầu tư, sinh lợi nhuận. Văn hóa phải được coi là một bộ phận của nền kinh tế. Đầu tư cho văn hóa cũng là đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Đổi mới tư duy về văn hóa sẽ đưa đến việc đầu tư và có chính sách, chiến lược cụ thể nhằm phát triển kinh tế thông qua văn hóa. Khi đó, văn hóa không còn là lĩnh vực xếp cuối cùng trong danh sách tài trợ và xếp đầu tiên trong danh sách cắt giảm ngân sách.
- Xin cảm ơn bà!