Đua thuyền trong hội xuân Bạch Hạc
Dù cuộc đua thuyền, theo quan niệm dân gian là diễn lại tích Đức Thổ lệnh tiễn Đức Thánh Tản Viên, nhưng trong cuộc sống thực của vùng quê Bạch Hạc, đây là cuộc thi tài trí trong ngày hội xuân tưng bừng.

Từ Hà Nội theo đường Quộc lộ 2, đi lên phía Bắc, chừng 70 cây số là tới làng Bạch Hạc, nằm ngay bên tả ngạn sông Thao, trông sang bên kia là TP Việt Trì. Bạch Hạc đây chính là Phong Châu, kinh đô nước Văn Lang thuở xa xưa...
Đình Bạch Hạc tọa lạc trên một khu đất cao vừa thanh tịnh vừa trang nghiêm, trông thẳng ra sông. Vị Thổ lệnh Đại vương được thờ trong đình là một thiên tướng. Thần tích ghi rằng, vào thời thuộc Đường, Thứ sử Giao Châu là Lý Thường Minh, một hôm đến ngoạn cảnh Bạch Hạc, đêm ấy đã nằm mộng thấy hai thiên tướng từ trời hạ xuống. Hai vị đó là anh em, sau này được phong, Đức Thổ lệnh Đại vương là anh, còn em ngài là Đức Thạch khanh Đại vương. Tương truyền, Đức Thổ lệnh còn để lại một vết chân trên tảng đá bên bờ sông Bạch Hạc. Vết chân dài một thước, rộng năm tấc, dân làng đã cất giữ trong đình làng Bạch Hạc. Đức Thạch khanh thì được dân làng Thọ Sơn, huyện Hạc Trì, Phú Thọ thờ phụng. Do hai ngài là anh em, nên từ xưa, dân hai làng Bạch Hạc và Thọ Sơn có tục giao hiếu trong những kỳ tế lễ hội làng vào tháng Giêng và tháng Ba hàng năm. Đặc biệt, nơi từng có tảng đá lưu dấu chân Đức Thổ lệnh Đại vương trở thành nơi khởi đầu cuộc đua thuyền vào kỳ hộ tháng Ba. Hội Bạch Hạc - Thọ Sơn có những nghi thức tế lễ không khác mấy so với các hội làng khác, nhưng đặc sắc là ở hội này có tục cướp cầu và đua thuyền trên sông Lô (tức sông Thao theo cách gọi của người địa phương).
Tục cướp cầu: mỗi năm, làng chọn cử một người vinh dự được may một bộ cầu gồm quả cầu mẹ và tám quả cầu con. Mỗi quả cầu được kết may bằng bông bọc trong vải ngũ sắc, thêu màu sặc sỡ. Mỗi quả cầu treo trên cành tre bằng sợi chỉ, những tua chỉ ngũ sắc đính trên quả cầu buông thong xuống trông rực rỡ. Sáng mồng ba Tết, làng tổ chức đón rước bộ cầu trong một nghi thức long trọng ra đình làng. Bộ cầu được đặt lên bàn thờ, thay cho bộ cầu năm trước. Sau đó là làm lễ tế cầu. Xong lễ tế, những quả cầu được tung ra để dân làng chen cướp. Mỗi đợt chỉ tung ba quả cầu. Mọi người tranh giành nhau rất hăng hái, đàn ông, đàn bà, thanh niên nam, nữ, không kể người thân kẻ lạ, không kể sang hèn. Cướp được cầu, dù một quả hay cả bộ, sẽ là người được nhiều may mắn trong cả năm tới. Họ có thể đem quả cầu cướp được về nhà làm kỷ vật, hoặc có thể để thờ tại đình làng. Thường thường, người dân Bạch Hạc cướp được cầu là đem vào thờ tại đình làng cho tới năm sau...
Cuộc đua thuyền trên sông Lô là mỹ tục đặc biệt nhất, cuốn hút cả làng cả tổng, cả người thập phương. Hàng năm, làng Bạch Hạc tổ chức cuộc đua vào ngày giã đám hội làng trong kỳ hội từ mồng 10 - 13 tháng Ba. Cuộc thi lớn trên sông để dân làng xã cho tới khách trẩy hội thập phương tứ xứ đến có thể đứng xem ở hai bên sông. Làng Bạch Hạc có bốn giáp là Bộ Đầu, Tiểu Hạc, Đông Nam và Thần Chúc. Mỗi giáp một chiếc trải dài hơn 20m, làm bằng cả một cây gỗ chò đại thụ. Đầu trải tạo thành đầu rồng, đuôi trải uốn khúc đuôi rồng, thân trải đủ cho hai hàng gồm 50 bơi chèo. Mỗi giáp kén năm chục tay bơi mạnh mẽ nhất; và thêm ba người là các bậc đàn anh trong giáp để một đứng đầu trải phất cờ hiệu, một đứng giữa trải gõ trống khẩu để giữ nhịp cho các tay chèo, còn người ngồi cuối trải để cầm lái. Mỗi bên trải tăm tắp hai mươi lăm tay chèo, lúc bơi đua họ cùng cất tiếng reo hò nhịp nhàng, mạnh mẽ.
Bốn chiếc trải xếp hàng đều nhau trước cửa đình, có hiệu lệnh đồng loạt xuất hành, hướng tới đích là chỗ ngã ba sông thì vòng lại nơi xuất phát. Trong không khí hội xuân, lại nồng nàn nguồn hứng khởi lịch sử, dân chúng mỗi giáp đều phấn khích như chính những tay bơi của giáp mình đang trong cuộc tranh tài. Trên các trải, năm chục tay bơi mình trần đóng khố, guồng chèo hùng mạnh; còn ba người đàn anh cầm trịch, thúc trống và giữ lái đều mặc áo dài khăn đóng, thắt lưng đỏ buộc múi sang bên, trông rất bình tĩnh, ung dung và tự tin. Chiếc trải nào quay về cửa đình trước nhất sẽ được làng đốt một tràng pháo mừng, ghi nhận sự thắng cuộc...
Dù cuộc đua thuyền, theo quan niệm dân gian là diễn lại tích Đức Thổ lệnh tiễn Đức Thánh Tản Viên, nhưng trong cuộc sống thực của vùng quê Bạch Hạc, đây là cuộc thi tài trí trong ngày hội xuân tưng bừng. Chiến thắng đích thực trong cuộc đua thuyền trên sông Lô chính là chiến thắng của lòng dũng cảm, trí tuệ, tài năng của những người dân miền sông nước. Điều rất có ý nghĩa nữa là đúng kỳ hội có cuộc đua thuyền ở Bạch Hạc, thì ở rừng Hy Cương trên núi Nghĩa Lĩnh bên Lâm Thao, Phú Thọ, nơi có đền thờ Hùng Vương, dân chúng thập phương đổ về giỗ Tổ. Và trong ngày lễ hội long trọng nhất nước, người đi trẩy hội đôi khi lại thoáng nhớ về Bạch Hạc, bởi: Hùng Vương đô ở Châu Phong/ Ấy nơi Bạch Hạc hợp dòng Thao Giang/ Đặt tên là nước Văn Lang… (Đại Nam quốc sử diễn ca).