Chính trị

Đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giảng dạy tại các cấp học

Quang Khánh 23/05/2025 14:15

Thảo luận tại Tổ 6 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hà Giang, Bình Định) về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, các đại biểu cho rằng, cần đưa giáo dục về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào trong chương trình giảng dạy tại các nhà trường, từ đó hình thành văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí.

Qua nghiên cứu Báo cáo số 411 của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, ĐBQH Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) nêu rõ, Báo cáo của Chính phủ đã cho thấy những nỗ lực và thành tựu đáng khích lệ của cả hệ thống chính trị trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành quyết liệt; nhiều bộ, ngành, địa phương đã có những kết quả thực hành tiết kiệm rất ấn tượng cho ngân sách nhà nước. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn mục tiêu đề ra, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, lạm phát được kiểm soát, nâng cao đời sống nhân dân...

z6630091073495_9237f36ab96ca0bad1da4db0137653d5.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 6. Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên trong báo cáo cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại cần khắc phục như: chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật; quy định pháp luật không còn phù hợp nhưng chậm sửa đổi; giải ngân vốn đầu tư công chậm; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai; đặc biệt là tâm lý e ngại, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Hơn nữa, lãng phí không chỉ giới hạn ở khu vực công mà cần được nhìn nhận rộng hơn, phải bao gồm cả khu vực tư và toàn xã hội. Nêu rõ quan điểm này, đại biểu Trần Thị Thu Đông cho rằng, nếu chúng ta không nhận diện đầy đủ tác động của các yếu tố tâm lý - xã hội và có giải pháp hiệu quả, kịp thời, thì cuộc đấu tranh chống lãng phí sẽ khó đạt được những kết quả bền vững. Do đó, cần phân tích sâu các đặc điểm tâm lý - xã hội để tìm ra lời giải toàn diện.

z6629812548574_ab93dd396d0732282eac83407c371b81.jpg
ĐBQH Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quang Khánh

Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thấm sâu vào mọi ngõ ngách của đời sống, đại biểu Trần Thị Thu Đông đề nghị, cần có giải pháp để tác động mạnh mẽ vào nhận thức, thay đổi, biến chuyển những nếp tâm lý tiêu cực và xây dựng nền tảng văn hóa tiết kiệm vững chắc trong toàn xã hội.

Theo đó, cần nâng tầm "Văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí" thành giá trị cốt lõi của xã hội Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới; đưa nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giáo dục của các cấp học; thông qua những câu chuyện, tấm gương thực tế để hình thành ý thức quý trọng tài sản cho thế hệ trẻ.

Cùng với đó, cần lồng ghép thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào các cuộc sinh hoạt chi bộ, họp cơ quan, đoàn thể, phong trào thi đua...; xây dựng chuyên mục truyền thông sáng tạo, biểu dương điển hình tiên tiến và phê phán hành vi lãng phí.

z6629855725210_b194583bb1c1202f3f1748004faf9917.jpg
ĐBQH Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu cũng đề nghị, cần kiến tạo đội ngũ cán bộ "Công bộc của dân" dũng cảm, trách nhiệm và liêm chính. Người lãnh đạo phải gương mẫu thực hành tiết kiệm, từ sử dụng xe công đến chi tiêu cá nhân. Hoàn thiện cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đồng thời, xử lý nghiêm minh những trường hợp cố ý làm trái, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước…

Cùng quan điểm, ĐBQH Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cho rằng, cùng với việc tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, cần có giải pháp cụ thể để đưa giáo dục về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào trong chương trình giảng dạy tại các nhà trường.

Cụ thể, cần bổ sung vào chương trình giảng dạy ngay từ cấp tiểu học đến đào tạo đại học, từ bậc học đào tạo văn hóa đến giáo dục nghề nghiệp để văn hóa về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được giáo dục ngay từ ngay từ khi nhà trường cũng như suốt cả cuộc đời của mỗi con người. Có như vậy, mới hình thành được văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Phạm Thúy Chinh nêu rõ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giảng dạy tại các cấp học
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO