Chính trị

Đưa thể chế thành “đột phá của đột phá”

Minh Trang 23/05/2025 11:59

Sáng 23/5, thảo luận tại Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Đắk Nông, Phú Yên), một số ĐBQH đề nghị, cần tập trung nghiên cứu, đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ, định hướng trong công tác xây dựng pháp luật để tháo gỡ các điểm nghẽn. Từ đó, làm cho thể chế không còn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” mà là “đột phá của đột phá”.

Quyết liệt hơn trong bảo đảm trình tự, thủ tục ban hành văn bản pháp luật

Cho ý kiến về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, các ĐBQH tại Tổ 10 cơ bản thống nhất và đồng thuận cao với Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính.

Tổ 10 (Thái Bình, Phú Yên, Dak Nông)
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 10. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu cho rằng, mặc dù khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, tình hình thế giới thì có nhiều diễn biến phức tạp; dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thiên tai, bão lũ, hạn hán tại nước ta ngày càng khắc nghiệt, nhưng với sự đoàn kết, thống nhất cao, sự chung sức, đồng lòng của cả nước, toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024 đều đạt, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đánh giá cao thành tựu của công tác đối ngoại nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng; thu ngân sách và phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng đạt nhiều thành tựu quan trọng; hoàn thành nhiều dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt là đường dây 500 kV mạch 3 trong thời gian ngắn kỷ lục 6 tháng...

Về công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) dẫn đánh giá của Chính phủ, “Hồ sơ đề nghị xây dựng một số luật chưa bảo đảm chất lượng, yêu cầu, chưa đầy đủ theo đúng quy định… chưa đúng thời gian theo quy định…”, hay “sửa đổi cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính được quan tâm nhưng còn chậm, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Một số thủ tục mới ban hành có nguy cơ tăng thủ tục hành chính…”.

DBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông)
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

Từ đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, cần tập trung nghiên cứu, đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ, định hướng trong công tác xây dựng pháp luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, từ đó làm cho thể chế không còn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” mà là “đột phá của đột phá”.

Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Quốc hội đã, đang và sẽ ban hành nhiều luật theo hình thức "một luật sửa nhiều luật", đồng thời một luật được sửa đổi, bổ sung ở nhiều luật có liên quan, theo đó các văn bản hướng dẫn thi hành cũng được sửa đổi, bổ sung, nhưng tình trạng “nợ” các văn bản hướng dẫn vẫn còn.

Vì vậy, cần quyết liệt, cương quyết hơn nữa trong việc bảo đảm trình tự, thủ tục ban hành văn bản pháp luật, hướng dẫn thi hành và hợp nhất văn bản, để hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Đây cũng là nhằm thực hiện đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị quán triệt các nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 18/5 vừa qua là: Đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ tư duy “quản lý” sang “phục vụ”, từ bị động sang chủ động, kiến tạo sự phát triển; xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng; thi hành pháp luật phải nghiêm minh, công bằng, thực chất, chuyển đổi số phải gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp; phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm giải trình, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, triệt tiêu các lợi ích cục bộ và đặc quyền nhóm.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về đất đai

Quan tâm tới lĩnh vực quản lý đất đai, ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên) nhấn mạnh, đất đai luôn là tài nguyên quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường. Quản lý đất đai hiệu quả không chỉ bảo vệ quyền lợi của người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững.

DBQH Dương Bình Phú (Phú Yên)
ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, ở Việt Nam, công tác quản lý đất đai đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và công nghiệp hóa. Một vấn đề nổi lên là thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai còn phức tạp, chậm trễ, thiếu minh bạch, dễ dẫn đến tham nhũng, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và cản trở phát triển kinh tế.

Để khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm 5 giải pháp trọng tâm.

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về đất đai. Theo đó, cần tiếp tục rà soát và sửa đổi những quy định pháp lý còn bất cập, thiếu rõ ràng hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. Các văn bản pháp luật về đất đai cần được xây dựng đồng bộ, thống nhất và rõ ràng hơn, giảm thiểu sự chồng chéo, mâu thuẫn, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Hai là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai. Việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia phải được triển khai mạnh mẽ và toàn diện hơn. Các cơ sở dữ liệu về đất đai cần được kết nối giữa các cấp chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng thông tin đất đai. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế tình trạng tiêu cực và nâng cao tính minh bạch.

Ba là, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cần tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa và tinh gọn các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, giảm số lượng giấy tờ cần thiết và thời gian giải quyết các hồ sơ đất đai. Việc cải cách này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho người dân, đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực đất đai.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Cần xây dựng và triển khai một hệ thống giám sát chặt chẽ, minh bạch trong công tác quản lý đất đai. Các cơ quan nhà nước cần thường xuyên kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đấu giá đất đai, và quy hoạch sử dụng đất.

Năm là, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý đất đai. Để thực hiện các cải cách hành chính hiệu quả, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai cần được đào tạo bài bản, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn. Việc này sẽ giúp giảm thiểu sai sót trong quá trình xử lý thủ tục, đồng thời tạo ra một đội ngũ công chức có tâm và có tầm, sẵn sàng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đưa thể chế thành “đột phá của đột phá”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO