Thái Nguyên:

Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

- Thứ Năm, 25/11/2021, 06:50 - Chia sẻ
Những nỗ lực trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã làm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền các cấp; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề. Đặc biệt, chuyển đổi số trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, truy xuất nguồn gốc hàng hóa giúp nâng cao uy tín sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Những điểm sáng

Theo báo cáo kết quả một năm triển khai, thực hiện Nghị quyết chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay tỉnh đã có 1.354 hộ sản xuất, kinh doanh đã được đào tạo, tạo tài khoản bán hàng cho 653 hộ, số sản phẩm đã được đưa lên sàn thương mại điện tử là 1.029.

	Chuyển đổi số trong Chương trình OCOP đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản
Chuyển đổi số trong Chương trình OCOP đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Nhiều nông sản của Thái Nguyên như chè, miến, mật ong, gạo, mỳ gạo, nấm… đã và đang được tiêu thụ hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử, được đông đảo người tiêu dùng cả nước biết đến. Theo báo cáo về kết quả triển khai kế hoạch hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2022, chi nhánh Bưu chính Viettel Thái Nguyên đã tiêu thụ được 3 tạ mỳ gạo bao thai Định Hóa của hợp tác xã (HTX) chăn nuôi sản xuất nông sản sạch Định Hóa, cùng nhiều sản phẩm khác như chè móc câu, chè tôm nõn của HTX Hảo Đạt và nhiều hộ sản xuất nông nghiệp khác. Tổng số đơn hàng đã bán thành công là 2.993 đơn.

Triển khai Kế hoạch số 177/KH-UBND nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025. Sở Thông tin và Truyền thông (TT - TT) đã và đang phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), Sở Công thương và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), ViettelPost triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Sở NN - PTNT đã cung cấp thông tin các hộ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ các sàn thương mại điện tử triển khai hoạt động hỗ trợ các hộ lên sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ sò.

Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản là đầu mối chủ trì, theo dõi, tổng hợp, tham mưu tổ chức thực hiện. Đồng thời, Chi cục sẽ tổng hợp thông tin về mùa vụ, sản lượng, chất lượng, phân loại… các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn để cung cấp cho Sở TT-TT và các sàn thương mại điện tử. Chi cục cũng sẽ tham mưu lựa chọn, cung cấp danh sách các hộ sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ, hướng dẫn đưa sản phẩm nông nghiệp lên giao dịch trên các sàn thương mại điện tử theo kế hoạch.

Ngoài hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, để thành công và tạo sự tin tưởng khi người tiêu dùng mua nông sản trực tuyến, một hoạt động rất đáng quan tâm khác là công tác hỗ trợ các sàn thương mại điện tử chứng nhận các sản phẩm bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sẽ hỗ trợ các sàn thương mại điện tử lựa chọn các doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu, sản phẩm đầu vào có uy tín, thương hiệu tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, việc ứng dụng số trong phát triển nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương, phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, liên kết chuỗi giá trị, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Sở NN - PTNT đã đưa vào sử dụng website OCOP Thái Nguyên tại địa chỉ ocop.thainguyen.gov.vn nhằm giới thiệu Chương trình OCOP và các sản phẩm đạt tiêu chuẩn; thực hiện đăng ký, nộp hồ sơ chứng nhận sản phẩm; đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP... Sau 2 năm triển khai Chương trình OCOP (2019 - 2020), toàn tỉnh đã có 2 sản phẩm được công nhận OCOP Quốc gia (5 sao), gần 80 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 - 4 sao; nhiều loại nông sản đã xây dựng được thương hiệu, đứng vững trên thị trường, tự tin xuất khẩu ra các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Nâng cao chất lượng nông sản

Thông tin từ Sở NN - PTNT tỉnh Thái Nguyên, hiện Sở đã hỗ trợ 180.000 tem truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR Code cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh; cung cấp danh sách 59 doanh nghiệp, HTX trên các sàn thương mại điện tử postmart.vn, Voso.vn, Sàn thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên (thainguyentrade.gov.vn). 37 cơ sở có 76 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tỉnh, 55 cơ sở được cấp xác nhận Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tỉnh, 28 cơ sở có khả năng cung ứng các thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội đã được đăng tải trên Chuyên mục “Địa chỉ xanh - Nông sản sạch” tại Website của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ NN - PTNT (www.nafiqad.gov.vn) và quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên trên Website của Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội (chicucquanlychatluongnlsts.hanoi.gov.vn).

Giám đốc HTX Chè Tuyết Hương, bà Trần Thị Tuyết cho hay, “việc sử dụng mã QR-Code đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, người tiêu dùng có thể tra cứu các thông tin về sản phẩm, từ đó, hạn chế việc mua phải những thực phẩm kém chất lượng”. Đến nay, tỉnh đã cung cấp trên 1,7 triệu tem truy xuất nguồn gốc. Trong đó, ngành NN - PTNT cấp trên 500 nghìn tem truy xuất nguồn gốc nông sản cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ngành cũng đã triển khai hỗ trợ 3,8 triệu tem dán nhận diện sản phẩm an toàn theo chuỗi. Khoảng 80% số HTX, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đầu tư công nghệ đóng gói tự động, sử dụng tem điện tử để truy xuất minh bạch nguồn gốc sản phẩm.

Trong thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục bám sát các nội dung đã nêu trong kế hoạch số 177/KH-UBND, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền các hộ sản xuất nông nghiệp tích cực tham gia và thúc đẩy Nhân dân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh thông qua hình thức mua, bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, phát triển thương mại điện tử, ngày 6.4.2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Kế hoạch số 55/KH-UBND thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hai doanh nghiệp Viettel và VNPT đã tích cực phát triển cài đặt và khuyến khích sử dụng ngân hàng số, thanh toán di động. Cho đến nay, Viettel Pay ước đạt 95.000 khách hàng sử dụng thường xuyên, phát sinh giao dịch qua ứng dụng; VNPT Pay đạt khoảng 200.000 khách hàng cài đặt, sử dụng thường xuyên.

 

Văn Anh