Đua ngựa trên cao nguyên trắng
Sau một thời gian dài vắng bóng, năm 2007 giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà (Lào Cai) chính thức được khôi phục, nhằm bảo tồn và phát triển môn thể thao truyền thống đồng thời tạo dựng một sản phẩm du lịch độc đáo trên cao nguyên trắng. Qua 7 mùa giải, đến nay giải đua ngựa Bắc Hà đã trở thành sân chơi quen thuộc của các kỵ sỹ chân đất và là sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Vang bóng một thời
Dưới ánh nắng chiều nhạt cuối đông, trong căn nhà sàn nép mình bên sườn núi, nghệ nhân Vàng Văn Hoàng, xã Na Hối, Bắc Hà, với tay lấy cây sáo trúc trên vách đặt lên môi. Tiếng sáo bổng trầm, trong như tiếng suối ngàn chảy qua rừng thông, có cả tiếng lửa cháy rừng rực đêm xòe, tiếng ngựa hí vang, phi trên cao nguyên bạt ngàn hoa mận... Ở tuổi ngoại thất thập, mái tóc đã pha sương nhưng ký ức về những kỵ sỹ Bắc Hà có tài cưỡi ngựa, phi nước đại, bắn súng giỏi vẫn như in trong tâm trí ông...

Mỗi độ xuân về, khi hoa mận, hoa mơ nở trắng rừng, người dân khắp vùng Bắc Hà lại nô nức kéo về sân dinh thự Hoàng A Tưởng chen chân xem hội đua ngựa, bắn súng. Đường đua có điểm xuất phát từ ngã ba chợ cũ đến bãi ruộng dưới chân núi Ba Mẹ Con sát dinh Hoàng A Tưởng. Cánh thanh niên các dân tộc Tày, Nùng, Mông tham gia hăng hái lắm. Người nào người nấy nai nịt gọn gàng, súng cầm trên tay, nghe tiếng súng nổ là rạp mình trên lưng ngựa phi như bay. Đến gần đích, kỵ mã đều nhảy thật nhanh xuống đất, nhằm bia bắn liền 5 phát súng rồi cướp quả cầu đỏ, nhảy lên ngựa quay về điểm xuất phát. Ai vừa nhanh, vừa bắn trúng đích nhiều nhất sẽ chiến thắng...
Hội đua ngựa những năm kháng chiến ở Bắc Hà trở thành ngày hội của các anh hùng cao nguyên... Năm 1975, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, nhân dân Bắc Hà chia vui bằng cuộc diễu hành kỷ lục với trên 200 con ngựa. Mùa xuân năm 1980, Ban Chỉ huy quân sự huyện Bắc Hà lại tưng bừng tổ chức giải đua ngựa, bắn súng chọn kỵ sỹ, xạ thủ giỏi. Trong cuộc đua tranh quyết liệt của hơn 50 kỵ mã năm ấy, Đại đội trưởng Đội quân lương - Ban Chỉ huy quân sự huyện Bắc Hà, đại úy Ly Seo Thống giành giải nhất... “Những năm sau đó, vì nhiều lý do, các giải đua ngựa lớn ít được tổ chức. Thế hệ kỵ sỹ cầm súng thời kháng chiến cùng trang lứa với tôi, vào sinh ra tử khắp các chiến trường, giờ người còn, người mất nhưng họ đã trở thành những huyền thoại vang bóng một thời trên vùng cao nguyên trắng và câu chuyện về họ sống mãi” - nghệ nhân Vàng Văn Hoàng nói.
Sản phẩm du lịch độc đáo
Năm 2007, nghĩa là 27 năm sau giải đua ngựa, bắn súng do Ban Chỉ huy quân sự huyện Bắc Hà tổ chức, Lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà mới chính thức được khôi phục. Đây là hoạt động văn hóa đặc sắc hưởng ứng chương trình Du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh: Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ. Từ lúc chỉ có vài nghìn người tham dự, nay lễ hội đã thu hút trên 30.000 lượt khách du lịch. Giờ đây, nhắc đến Bắc Hà người ta không chỉ nói đến cao nguyên trắng hoa mơ, hoa mận, nơi có men rượu ngô nồng say của chợ phiên đã đi vào lời ca, câu hát, mà còn có lễ hội đua ngựa truyền thống thú vị, đầy tinh thần thượng võ.
Điều gì đã làm cho Lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà hấp dẫn đến vậy? Theo Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà Nguyễn Anh Tuấn: trước hết, việc phục dựng lễ hội đua ngựa đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân nơi đây, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào. Lễ hội là sự trân trọng truyền thống văn hóa lâu đời, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Bắc Hà. Ngoài ra, lễ hội đua ngựa đem đến cho khách du lịch những điều thú vị, mới lạ. Sự thú vị, mới lạ ở đây chính là sự không chuyên nghiệp. Các tay đua là những người con sinh ra, lớn lên trên lưng ngựa, những nông dân miền núi thực thụ và những chú ngựa thồ không yên cương. Sự dân dã, nguyên sơ, vừa có những pha hài hước, kịch tính của giải đấu đã làm nên sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch độc đáo này.
Sân chơi của kỵ sỹ chân đất
Chúng tôi tìm về Na Hối, xã vùng cao giáp trung tâm huyện Bắc Hà, nơi cư trú của đại bộ phận người Tày, Nùng. Qua 7 mùa giải, Na Hối luôn là đoàn giành thành tích cao nhất và cũng chính là đội mạnh nhất vùng. Chủ tịch UBND xã Na Hối Sùng Thị Hoa cho biết, những năm gần đây xã luôn có khoảng 20 kỵ sỹ đăng ký tham gia đua ngựa truyền thống. Do có lợi thế gần trung tâm nên trước mỗi giải đấu, vào buổi chiều, các chàng trai trong đội đua ngựa lại ra sân vận động huyện, cũng chính là sân đua, để luyện tập, trao đổi kinh nghiệm.
Nói về kinh nghiệm chăm sóc ngựa đua, kỵ vương Vàng Văn Huỳnh, người 3 lần liên tiếp đoạt ngôi vô địch cho biết, để ngựa đua có sức khỏe tốt nhất, trước giải đua 2 tháng đã cho ngựa nghỉ, không đi thồ vật liệu xây dựng. Ngoài việc cho ngựa tập cho quen đường chạy, có sức bền, sức rướn... để ngựa thêm sinh lực, Vàng Văn Huỳnh còn bồi dưỡng cho ngựa bằng trứng gà sống trộn ngô xay, cho ăn thêm thóc, thêm cỏ... “Qua nhiều năm gắn bó cả trong công việc lao động hàng ngày và qua các giải đua, người và ngựa rất hiểu nhau. Khi cưỡi ngựa trên đường đua tôi không cần dùng đến roi mà chỉ ngồi vững trên lưng ngựa, khi nào bứt tốc, thúc nhẹ tay vào cổ ngựa”.
“Từ khi huyện khôi phục giải đua ngựa truyền thống, bà con trong bản ai cũng phấn khởi, nhưng vui nhất là cánh thanh niên. Chỉ có trên lưng ngựa, trai tráng các dân tộc ở Bắc Hà mới thể hiện hết tài năng, lòng dũng cảm, sự can trường mà tổ tiên để lại. Mỗi chặng đua là một lần thử thách bản lĩnh người đàn ông miền núi… Hội thi đua ngựa thồ đã thực sự là một sân chơi lành mạnh, bổ ích, tràn đầy tinh thần thượng võ trên cao nguyên trắng” - bà Sùng Thị Hoa nói.
Bắc Hà cách trung tâm tỉnh Lào Cai khoảng 70km, nằm trên độ cao trung bình hơn 1.200m so với mực nước biển. Ở Bắc Hà, sau Tết nguyên đán, hoa mận tam hoa nở trắng xóa khắp các sườn đồi, thung lũng, vì thế nơi đây còn được mệnh danh là cao nguyên trắng. Bắc Hà có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, đặc sắc phân bổ tương đối tập trung với nhiều di tích lịch sử, văn hóa và các địa điểm du lịch thú vị: lễ hội San sán (xuống đồng) của người H’Mông và người Tày; dinh Hoàng A Tưởng, đền Bắc Hà, di chỉ thành cổ Trung Đô; các làng nghề thổ cẩm, nấu rượu ngô đặc sản của đồng bào H’Mông như Bản Phố, Tả Văn Chư; các chợ như chợ trâu Lũng Phìn, chợ văn hóa Bắc Hà, chợ Cốc Ly, chợ Bản Liền... |