Kết luận số 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 vừa được Bộ Chính trị ban hành. Trong đó đặt mục tiêu toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách. Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016 - 2021 thì vừa phải thực hiện mục tiêu tinh giản giai đoạn 2022 - 2026, vừa phải thực hiện chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2021. Những nơi thực hiện vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2021 thì phần vượt được tính vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022 - 2026.
Quyết tâm chính trị và cam kết tinh giản biên chế - một lần nữa - rất đáng hoan nghênh. Vấn đề là làm sao để đạt được các mục tiêu nêu trên một cách thực chất, nghĩa là chất lượng tinh giản biên chế phải tương ứng với số lượng tinh giản.
Nhìn lại giai đoạn vừa qua, việc tinh giản biên chế bên cạnh thành tích cũng bộc lộ sự chưa hiệu quả, thể hiện ở những trường hợp cụ thể.
Chẳng hạn, TP. Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất trong cả nước để xảy ra tình trạng dôi dư cán bộ. Thành phố dù đang “thừa” 5.700 công chức, viên chức so với số lượng biên chế Trung ương giao nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc cấp cơ sở. Lý do là bình quân dân số một đơn vị hành chính cấp huyện của TP. Hồ Chí Minh cao hơn bình quân dân số cấp huyện của cả nước khoảng 239.000 người. Vì vậy, một công chức của thành phố đang phải phục vụ 346 người (tính luôn cả số biên chế phường, xã, thị trấn), hơn gấp 2 lần so với cả nước (152 người).
Bên cạnh đó, một số nơi dù đã tinh giản đủ 10% nhưng xuất hiện tình trạng cào bằng giữa các đơn vị. Điều này dẫn đến một số cơ quan có khối lượng công việc lớn cần ít nhất là giữ nguyên chỉ tiêu biên chế hiện có (chưa nói đến cần tăng chỉ tiêu biên chế để đáp ứng yêu cầu công tác), thì lại vẫn phải cắt giảm theo tỷ lệ chung.
Thực tế này cho thấy, tinh giản biên chế trong giai đoạn tới muốn hiệu quả thực chất phải gắn liền với đẩy mạnh cải cách bộ máy mạnh mẽ và triệt để hơn. Biên chế chỉ là hệ quả của bộ máy nhà nước. Khi xác định đúng chức năng của từng khu vực (hành chính, sự nghiệp công, đoàn thể) và tổ chức bộ máy hợp lý thì khắc sẽ có vị trí con người - tức là có số lượng biên chế hợp lý. Và như vậy, lợi ích của cắt giảm biên chế không chỉ ở khía cạnh tiết kiệm chi ngân sách mà lớn hơn là chất lượng và hiệu quả quản trị quốc gia được nâng lên khi có bộ máy tốt và nhân sự tốt.
Muốn giảm triệt để bộ máy công quyền thì Nhà nước phải làm được hai việc quan trọng. Một là, việc gì thị trường, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội làm được thì giao cho các nhóm này, còn Nhà nước chỉ tập trung vào những chức năng cốt lõi của mình và chỉ làm những gì các nhóm trên không làm được. Hai là, phải tăng cường ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số mới (công nghệ dữ liệu, khai thác dữ liệu, trí tuệ nhân tạo) vào công tác quản lý.
Biên chế gồm 3 nhóm chính: công chức, cán bộ và viên chức. Cần xem xét kỹ hơn là thừa công chức, thừa viên chức hay thừa cán bộ. Nếu không phân tích kỹ, sẽ xảy ra tình trạng chỗ thiếu (công chức phục vụ người dân) thì bị cắt; còn chỗ thừa (cán bộ, đặc biệt ở nhóm đoàn thể), là nhóm có thể thừa thì lại không bị cắt.
Quá trình tinh giản biên chế phải lưu ý rằng có những chỗ cần tăng biên chế và có chỗ đã giảm rồi vẫn có thể giảm thêm, miễn là tổng thể biên chế bộ máy sẽ giảm xuống. Chẳng hạn, giao dịch hành chính giữa Nhà nước với người dân, doanh nghiệp tăng lên theo quy mô dân số, mà câu chuyện của TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ. Tất nhiên, ở những nơi đó, tăng biên chế phải đi kèm với chuyên nghiệp, hiện đại hóa như đã nói ở trên.