Đưa nghệ thuật tuồng đến giới trẻ

- Thứ Hai, 18/10/2021, 05:28 - Chia sẻ
Nhà hát Tuồng Việt Nam đang xây dựng chương trình “Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ năm 2021”, giúp khán giả trẻ tiếp cận đặc trưng, cảm nhận cái hay, cái đẹp của nghệ thuật tuồng truyền thống, qua đó kéo gần khoảng cách giữa khán giả trẻ với bộ môn nghệ thuật này.

Chia sẻ lý do xây dựng chương trình, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho biết, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên nghệ thuật tuồng truyền thống có rất ít khán giả. Việc tìm hướng đi cho tuồng luôn là trăn trở của đội ngũ lãnh đạo và các nghệ sĩ Nhà hát. Lãnh đạo Nhà hát xác định, cần có một mô hình phù hợp để giới thiệu nghệ thuật tuồng tại các trường học để nghệ thuật tuồng tiếp cận khán giả trẻ.

Chương trình giúp giới trẻ tiếp cận đặc trưng, nét đẹp nghệ thuật Tuồng

Ảnh: TTXVN 

Nội dung của chương trình vẫn là các trích đoạn được coi là mẫu mực, đặc sắc nhất của nghệ thuật tuồng. Đó là: Ông già cõng vợ đi xem hội, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Ôn Đình chém Tá, Trần Quốc Toản ra quân... Nhưng cách tiếp cận hoàn toàn khác. Trước đây, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng đã có một số chương trình biểu diễn, giới thiệu sơ qua về nội dung, một vài nét đặc trưng của nghệ thuật tuồng. Lần này, Nhà hát đầu tư bài bản hơn, cụ thể hơn, có biểu diễn các trích đoạn để minh họa, nhưng trọng tâm là giới thiệu và tương tác, giao lưu với khán giả, để khán giả hiểu được sự độc đáo, cái hay, cái đẹp và đặc trưng cơ bản của nghệ thuật tuồng truyền thống Việt Nam. Nghệ sĩ sẽ trao đổi, giải đáp những câu hỏi để giúp khán giả hiểu hơn về nghệ thuật tuồng ở nhiều góc cạnh. Công chúng khi xem chương trình sẽ được tìm hiểu những giá trị độc đáo của nghệ thuật tuồng, chẳng hạn, hát trong tuồng thế nào, múa trong tuồng ra sao, khác với các loại múa khác như thế nào? Tại sao diễn viên tuồng phải vẽ mặt, có trang phục như vậy?…

Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động văn hóa nghệ thuật được hoạt động trở lại, Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ tiếp cận các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông và cả trung học cơ sở… để tổ chức biểu diễn, giao lưu. "Khi khán giả nói chung, khán giả trẻ nói riêng cảm nhận được cái hay, cái đẹp và những giá trị của nghệ thuật tuồng, thì chắc chắn họ sẽ có trách nhiệm bảo tồn cùng với những người làm nghệ thuật tuồng" - ông Phạm Ngọc Tuấn tin tưởng.

Th. Nguyên