Đưa na Lạng Sơn tiếp cận các thị trường khó tính

- Thứ Hai, 21/09/2020, 06:41 - Chia sẻ
Những năm gần đây, quả na Lạng Sơn đã và đang được người tiêu dùng trong nước đón nhận. Bằng việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, minh bạch trong các khâu sản xuất, thương hiệu na Lạng Sơn đang hướng tới mục tiêu tiếp cận thị trường nhập khẩu khó tính như Mỹ, Australia, châu Âu, Trung Quốc…

Nâng cao giá trị sản phẩm

Từ khi bám rễ và phát triển tại đất Lạng Sơn, na đã trở thành cây trồng mang lại nguồn thu nhập quan trọng của người dân, góp phần kéo giảm tỷ lệ đói nghèo nên ngày càng được người dân và chính quyền các cấp Lạng Sơn quan tâm, tạo điều kiện mở rộng phát triển. Hiện tại, nhiều địa phương trên địa bàn đã mở các lớp kỹ thuật hướng dẫn người dân trồng na theo hướng ứng dụng khoa học - công nghệ để mang lại hiệu quả cao nhất. Người dân không ngừng học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt để cùng nhau làm giàu. Nhờ những hướng đi phù hợp, quả na ngày càng chất lượng, được người tiêu dùng trong nước biết đến và trở thành đặc sản xứ Lạng.

Đánh giá chấm điểm OCOP cho sản phẩm Na Chi Lăng.
Ảnh: Thanh Bình

Hiện tại, nhằm tăng hiệu quả kinh tế từ cây na mà không phụ thuộc vào mùa vụ chính, nhiều vùng trồng na gối vụ đã được hình thành. Xã Cai Kinh là địa phương đi đầu trong phong trào sản xuất na gối vụ ở huyện Hữu Lũng, hiện đang được triển khai tại các thôn Hồng Châu, Ba Nàng, Đồng Ngầu… Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lương Văn Bính chia sẻ: Cách thức gối vụ na không khó chỉ cần thay đổi phù hợp thời điểm thụ phấn để thời gian thu hoạch được kéo dài, khắc phục được việc na chín nhanh hàng loạt. Điều này giúp giá bán na ổn định, không còn chuyện na sau khi thu hoạch phải bán ồ ạt dẫn tới bị ép giá.

Đến thăm gia đình bà Hoàng Thị Sen (thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh), một trong những hộ có kinh nghiệm trồng na gối vụ giỏi, chúng tôi được biết vườn na của gia đình là địa chỉ học tập kinh nghiệm thường xuyên của người dân trong vùng. Bắt đầu thử nghiệm trồng na gối vụ từ vụ mùa 2008 - 2009, bà Sen cho biết: Ngay vụ đầu tiên, chất lượng quả na trái vụ vẫn giữ được vị ngon ngọt tương đương na chính vụ. Thương lái lúc bấy giờ thấy gia đình có na trái vụ nên tò mò xuống tận vườn và đặt cọc thanh toán để giữ mối hàng. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân quanh đó đã sang nhà bà học hỏi kinh nghiệm. Từ đó, phong trào trồng na gối vụ đã lan tỏa.

Từ khi kỹ thuật trồng na gối vụ được áp dụng rộng rãi, người dân trồng na tại Hữu Lũng đã có thể thu hoạch 2 vụ mỗi năm. Trong đó, thời điểm thu hoạch na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na gối vụ sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 12. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lương Văn Bính cho biết: quả na gối vụ hiện đã và đang được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Tiêu thụ dễ, giá cao hơn với na chính vụ, giúp vùng trồng na gối vụ Hữu Lũng hiện mở rộng lên đến gần 70ha tại các xã Cai Kinh, Hòa Lạc, Yên Sơn, Yên Vượng… Không những vậy, phong trào na gối vụ đã lan tỏa sang nhiều địa phương khác trên địa bàn.

Bà Triệu Thị Hợi (thôn Đồng Hóa, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng) cho biết: Người dân địa phương đã sáng chế ra phương thức bọc bảo vệ quả na gối vụ để không cần sử dụng thuốc trừ sâu, chất lượng quả na được nâng cao bảo đảm an toàn đến tay người tiêu dùng. Theo bà Hợi, vụ na chính vụ năm nay vừa được mùa vừa được giá. Thị trường tiêu thụ phủ khắp các tỉnh thành với giá dao động từ 28.000 - 40.000 đồng/kg tùy theo chất lượng. Người dân hy vọng, na gối vụ sẽ được giá như na chính vụ.

Bảo đảm minh bạch chất lượng, nguồn gốc

Bắt kịp thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng nông sản sạch có nguồn gốc rõ ràng, nhiều nhà vườn đã tích cực chuyển sang trồng và chăm sóc cây na theo hướng an toàn. Ngành nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn hiện cũng tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện đúng các quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản. “Hiện, tổng diện tích trồng na của huyện Chi Lăng đạt trên 1.600ha. Trong đó, trên 190ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và 5ha theo chuẩn GlobalGAP”, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Vi Nông Trường chia sẻ.

Tháng 8 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trao giấy Chứng nhận mã số vùng trồng na bằng hệ thống tiêu chuẩn OTAS cho 4 vùng trồng na thôn Lũng Than (thị trấn Đồng Mỏ), thôn Giáp Thượng 2 (xã Y Tịch), huyện Chi Lăng. Khi tham gia ứng dụng hệ thống theo tiêu chuẩn OTAS, người dân sẽ được hỗ trợ liên kết sản xuất, thương mại. Bên cạnh đó, từng sản phẩm khi được sản xuất ra đều bảo đảm tính minh bạch trong việc truy xuất và xác thực nguồn gốc hàng hóa bằng hệ thống thông tin quản lý bởi các cơ quan có thẩm quyền. Bảo đảm yêu cầu về các điều kiện kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu khó tính như Mỹ, Australia, châu Âu, Trung Quốc... Theo Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Vi Nông Trường, tham gia OTAS, các hộ nông dân đã được thực hành phòng trừ sâu bệnh và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, công nghệ bảo quản na sau thu hoạch.

Trao đổi về hướng phát triển của quả na, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, việc bảo vệ thương hiệu cho quả na đã và đang được chính quyền từ tỉnh đến huyện tập trung đẩy mạnh. Trong đó, huyện Chi Lăng đã hỗ trợ hàng nghìn tem truy xuất nguồn gốc và hộp giấy có in nhãn mác sản phẩm Na Chi Lăng cho các hộ trồng na, các cơ sở kinh doanh, các hợp tác xã và doanh nghiệp cung ứng sản phẩm na. Bên cạnh đó, hằng năm, tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như: Ngày hội Na Chi Lăng và Tuần lễ na Chi Lăng tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Hà Nội) nhằm hỗ trợ tích cực trong quảng bá thương hiệu nông sản nói chung cũng như quả na nói riêng đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Thanh Bình