Mang đến những kỳ vọng về sự thay đổi mạnh mẽ
Phát biểu khai mạc các sự kiện truyền thông đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị nhấn mạnh, việc Luật Thủ đô 2024 được thông qua không chỉ là tin vui lớn với chính quyền và Nhân dân Thủ đô, mà còn mang đến những kỳ vọng về sự thay đổi mạnh mẽ, đáp ứng kỳ vọng của cả nước về một Thủ đô - “trái tim” của cả nước phát triển xứng tầm trong tương lai. Nhằm hoàn thiện “bệ phóng” thể chế để Thủ đô tăng tốc phát triển, UBND thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để Luật Thủ đô 2024 đi vào cuộc sống.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về nội dung, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, các cơ chế, chính sách, quy định của Luật Thủ đô 2024 và các văn bản triển khai thi hành Luật. Hà Nội đã tập trung, huy động mọi nguồn lực, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024 theo thẩm quyền của thành phố. Trong đó, xác định việc xây dựng văn bản triển khai và tổ chức thi hành Luật Thủ đô 2024 là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 6.12.2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về triển khai thi hành Luật Thủ đô và các Kế hoạch triển khai Luật Thủ đô 2024, Báo Kinh tế & Đô thị đã ban hành các Kế hoạch năm, kế hoạch cao điểm theo từng giai đoạn tuyên truyền, giới thiệu những điểm mới của Luật Thủ đô 2024 bằng hình thức tuyên truyền mới như: Talkshow truyền hình, Hội thảo khoa học, tọa đàm; thực hiện các tuyến bài chuyên sâu bằng hình thức báo chí hiện đại như: emagazine, longfom, infographic, podcast, video…
Đặc biệt, với sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, ngày 19.8.2024, Báo đã ban hành Kế hoạch số 68/KH-KTĐT cao điểm tuyên truyền chuyên sâu theo lĩnh vực quy định tại Luật Thủ đô 2024 và các hướng dẫn thi hành. Báo Kinh tế & Đô thị cũng xây dựng chuyên mục chuyên sâu về Luật Thủ đô trên báo Kinh tế & Đô thị; ấn phẩm in, chuyên trang điện tử Pháp luật & Xã hội, giới thiệu những điểm mới của Luật Thủ đô 2024 và triển khai Luật vào cuộc sống…
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy hoan nghênh Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức các sự kiện truyền thông đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống vào thời điểm ngay trước ngày Luật chính thức có hiệu lực thi hành (1.1.2025).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, ngày 1.1.2025, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực, là dấu ấn rất quan trọng với Hà Nội, khởi động các sự kiện truyền thông là hoạt động có ý nghĩa rất lớn để tuyên truyền tới các cấp ngành và toàn thể người dân về những quy định mới của Luật, đồng thời nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của Luật Thủ đô trong quản lý, xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy, Luật Thủ đô 2024 đã thể chế hóa đầy đủ cơ chế mang tính đặc thù để Thủ đô bứt phá, thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã xác định để đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước…
Trao trách nhiệm và trao nhiều quyền hơn
Đáng chú ý, Luật Thủ đô Luật có quy định riêng về mô hình chính quyền đô thị áp dụng cho thành phố Hà Nội và có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, trao trách nhiệm và trao nhiều quyền hơn để Hà Nội có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan đến những điều kiện đặc thù đúng với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” đã được Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo các cấp của Quốc hội, Chính phủ thường xuyên nhấn mạnh trong thời gian gần đây. Những điều khoản đã được quy định cụ thể, chi tiết hơn trong nội dung trao trách nhiệm, trao quyền cho Thủ đô được thể hiện theo hướng ưu tiên áp dụng trong hệ thống pháp luật.
Luật cũng sẽ giúp Hà Nội tháo gỡ những hạn chế đang gặp phải trong suốt thời gian qua như huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, về an sinh xã hội. Đặc biệt, có giải pháp mạnh mẽ giúp thành phố có thể khắc phục các bất cập hiện nay về kiến trúc cảnh quan, giao thông, ô nhiễm môi trường. Cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, những cơ chế, chính sách đặc thù từ Luật Thủ đô năm 2024 sẽ tạo xung lực mới, không gian mới để Thủ đô phát triển toàn diện, với không gian mở, tập trung đổi mới sáng tạo, xây dựng Thủ đô thực sự là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xứng tầm với Thủ đô trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để cụ thể hóa, đưa Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sống, tại 2 kỳ họp của HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua 17 Nghị quyết của HĐND thành phố về triển khai thi hành Luật Thủ đô với những quy định thuộc thẩm quyền. Ngoài ra, hiện có hơn 30 tờ trình Nghị quyết được các sở, ban, ngành thành phố đăng ký trình HĐND thành phố xem xét, thông qua vào các kỳ họp tới. Cùng với đó, UBND thành phố đang tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để cụ thể hoá các nội dung, điều luật. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 169/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động của UBND phường của Hà Nội.
Đặc biệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cũng đánh giá cao Báo Kinh tế & Đô thị trong thời gian qua đã đồng hành, làm tốt công tác tuyên truyền về quá trình xây dựng, ban hành Luật Thủ đô với nhiều hình thức, từ các hội thảo khoa học, tọa đàm, đến các tuyến bài chuyên sâu trên các ấn phẩm. Để góp phần thi hành Luật một cách nhanh chóng, có lộ trình, hiệu quả, Báo đã sớm có kế hoạch và triển khai đợt cao điểm tuyên truyền Luật Thủ đô 2024 trên các ấn phẩm của Báo; kịp thời tổ chức chuỗi hoạt động nhằm triển khai, đưa Luật vào cuộc sống, trong đó có tổ chức các sự kiện truyền thông đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống. Trong đó, Talkshow “Luật Thủ đô 2024: Hiện thực khát vọng vươn mình của Thủ đô” sẽ phân tích, làm rõ những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển đô thị, định hướng giao thông công cộng, không gian ngầm…, đây là những vấn đề được đông đảo người dân rất quan tâm và có ý nghĩa lớn trong khai thác các nguồn lực mới, mở ra cơ hội mới trong phát triển đô thị Hà Nội trong tương lai.
“Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và thành phố Hà Nội cũng mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp về những giải pháp, cách thức triển khai thi hành Luật Thủ đô một cách hiệu quả, sáng tạo phù hợp với yêu cầu trong thực tiễn, đặc biệt là để giúp tháo gỡ điểm nghẽn, tạo động lực mới để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.
Sau khai mạc các sự kiện truyền thông đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống, các đại biểu đã theo dõi phóng sự “Luật Thủ đô 2024: Điểm tựa thể chế để Hà Nội vươn mình trong kỷ nguyên mới”. Tiếp đó, tại Talkshow “Luật Thủ đô 2024: Hiện thực khát vọng vươn mình của Thủ đô” các diễn giả đã trao đổi, phân tích về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô 2024, liên quan đến quy định huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô; quy định về đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc; đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững…