Đưa Luật Quy hoạch vào cuộc sống, tạo nguồn lực phát triển

- Thứ Ba, 21/09/2021, 05:47 - Chia sẻ
Ngày mai, 22.9, theo dự kiến Chương trình Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, mục tiêu cao nhất của chuyên đề giám sát này là đưa Luật Quy hoạch sớm đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao, tạo nguồn lực phát triển trong điều kiện nguồn lực của chúng ta còn hạn hẹp.

Chỉ rõ hạn chế và xác định rõ trách nhiệm

PV: Thưa Phó Chủ tịch, sắp tới Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Xin Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ thêm về chuyên đề giám sát này?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao được Quốc hội quyết định tiến hành trong năm 2022. Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua cuối năm 2017. Từ đó đến nay, Quốc hội cũng đã ban hành một số luật, nghị quyết để bảo đảm việc thực thi Luật Quy hoạch. Như chúng ta đã biết, Luật Quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong định hướng phát triển quốc gia trên tất cả các mặt, từ định hướng của từng địa phương đến một số ngành. Luật có nội dung bao trùm, việc xây dựng luật rất khó và liên tục được bổ sung, điều chỉnh một số điều. Ngay từ khi ban hành Luật Quy hoạch thì hơn một năm sau điều chỉnh hai lần, một lần là các điều khoản sửa đổi liên quan đến 11 luật, tiếp theo là điều chỉnh liên quan đến 37 luật. Việc điều chỉnh như vậy là kịp thời nhưng cũng cho thấy sự phức tạp của Luật Quy hoạch và hệ thống văn bản pháp luật liên quan vì vấn đề quy hoạch liên quan đến rất nhiều luật cả về kinh tế, xã hội, đầu tư, kinh doanh.

PV: Mục tiêu của giám sát chuyên đề này là gì, thưa Phó Chủ tịch Quốc hội?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Thực thi Luật Quy hoạch không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm đối với đầu tư công, chính sách đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực mà còn giải quyết những bức xúc của người dân trong công tác quy hoạch. Nếu chúng ta chậm ban hành quy hoạch hoặc nếu có những quy hoạch ban hành thiếu tính khả thi sẽ gây lãng phí nguồn lực quốc gia, gây bức xúc cho Nhân dân. Tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch thiếu khả thi ở một số vùng sẽ xảy ra. Chất lượng quy hoạch ở một số vùng cũng chưa được bảo đảm…

Do đó, Quốc hội quyết định giám sát việc triển khai thi hành Luật Quy hoạch để đánh giá toàn diện hơn. Đoàn giám sát sẽ tập trung đánh giá khách quan, khoa học những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay, từ đó, tìm ra nguyên nhân tồn tại, hạn chế, xác định được trách nhiệm của người đứng đầu, của các cấp liên quan đến lập, ban hành quy hoạch…

Mục tiêu cao nhất của chuyên đề giám sát là để việc triển khai Luật Quy hoạch sớm đi vào cuộc sống có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển trong điều kiện nguồn lực của chúng ta còn hạn hẹp. Nếu chúng ta làm quy hoạch tốt thì đây sẽ là điều kiện đầu tiên để các nhà đầu tư có thể nghiên cứu, tham gia đầu tư. Mặt khác quy hoạch tốt cũng giúp các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có định hướng đầu tư dài hạn hơn, tập trung vào những ngành, những vùng kinh tế trọng điểm…

Đánh giá khách quan, toàn diện

PV: Để hoạt động giám sát đạt hiệu quả, Đoàn giám sát sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa Phó Chủ tịch Quốc hội?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Đoàn giám sát phải tập trung giám sát việc thực hiện quy hoạch ở cấp địa phương, ở cấp ngành và đặc biệt là về quy hoạch tổng thể quốc gia.

Hiện nay có những quy hoạch phải xếp song song, quy hoạch này dựa vào quy hoạch kia, quy hoạch địa phương phải căn cứ vào quy hoạch quốc gia, còn quy hoạch quốc gia lại phải trên cơ sở của quy hoạch địa phương. Việc triển khai hai loại quy hoạch này hiện đang gặp khó khăn dù chúng ta đã có điều chỉnh ở rất nhiều luật liên quan. Đồng thời đối với công tác công khai quy hoạch, chúng ta phải chú ý nhiều hơn, xác định được trách nhiệm của các cơ quan, từ cơ quan xây dựng đề cương đến sử dụng quy hoạch, chất lượng của công tác tư vấn tham mưu, liên quan đến trách nhiệm người chịu trách nhiệm công bố các quy hoạch và tính công khai, minh bạch của quy hoạch… Đó là những vấn đề tương đối toàn diện mà Đoàn giám sát phải đánh giá được để báo cáo Quốc hội.

PV: Xin Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho chuyên đề giám sát này đã được thực hiện như thế nào?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Đề cương chương trình giám sát sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ Ba. Đoàn giám sát cũng đã tích cực lấy ý kiến các bộ, ngành, các thành viên trong Đoàn giám sát để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề, nội dung. Đây là bước đầu tiên, được chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm hiệu quả giám sát. Bên cạnh đó, việc xác định các nội dung, tiến độ cũng đang được dự thảo sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ khẩn trương triển khai theo lộ trình. Trước hết phải chuẩn bị của các cơ quan Chính phủ, sau đó có báo cáo cho ý kiến về vấn đề đề cương đó và tiến hành các hoạt động giám sát tổng hợp để xây dựng báo cáo giám sát và sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội về nội dung này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội!

S. Hiền - M. Hùng thực hiện