Đưa chính sách vào cuộc sống

- Thứ Bảy, 25/09/2021, 06:56 - Chia sẻ
Ngoài việc chuyển tải vốn tới các đối tượng “truyền thống”, NHCSXH được Chính phủ tin tưởng giao phó giải ngân 7.500 tỷ đồng cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) vay theo quy định tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 và Nghị quyết 68/NQ-CP để trả lương cho người lao động. Thực hiện nhiệm vụ, toàn hệ thống đã chủ động phối hợp với các địa phương, tổ chức tiếp cận, liên hệ với NSDLĐ trên cả nước để nắm nhu cầu và chuẩn bị nguồn vốn kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục ảnh hưởng của đại dịch.

Những con số kỷ lục

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, kể từ khi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ ngày 27.4 đến nay), dịch bệnh lan rộng ở mức độ toàn quốc tạo áp lực lớn đến phát triển kinh tế. Khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, một số ngành đã suy giảm từ năm 2020 nay tiếp tục giảm sâu hơn, như khách sạn, nhà hàng, lữ hành giảm sâu tới 54,8%, vận tải giảm 0,7%. Từ đầu năm đến hết tháng 7.2021, cả nước có gần 80.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường (trung bình mỗi tháng là hơn 11.300 doanh nghiệp). 

Chi nhánh NHCSXH TP. Hồ Chí Minh ký hợp đồng tín dụng, giải ngân cho vay trả lương, phục hồi sản xuất. Nguồn: ITN
Chi nhánh NHCSXH TP. Hồ Chí Minh ký hợp đồng tín dụng, giải ngân cho vay trả lương, phục hồi sản xuất.
Nguồn: ITN

Dịch bệnh đã tấn công vào thành trì quan trọng của nền kinh tế là khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động - nơi đóng góp nhiều cho thu ngân sách và tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động. Còn nhớ thời điểm giữa tháng 5.2021, khi ở giai đoạn đỉnh dịch, tỉnh Bắc Giang cũng đã phải đóng cửa cả 4 khu công nghiệp để thực hiện giãn cách, truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Việc đóng cửa đồng nghĩa sẽ có ít nhất 60.000 lao động đến từ 61 tỉnh, thành trên cả nước đang làm việc cho 4 khu công nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn và tỉnh Bắc Giang phải đối mặt với việc mỗi ngày sẽ thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng.

Tại TP. Hồ Chí Minh, 7 tháng năm 2021 có 23.199 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (chiếm 29,1% doanh nghiệp rút lui của cả nước, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020). Hiện TP. Hồ Chí Minh có 1.790 doanh nghiệp còn duy trì hoạt động; riêng các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố chỉ có 540 doanh nghiệp duy trì nhưng cũng chỉ vận hành 50% công suất; số doanh nghiệp duy trì sản xuất tại khu công nghệ cao chỉ còn 52%.

Tương tự, tại Cần Thơ, dịch bệnh cũng đã khiến hơn 65.000 lao động trong các doanh nghiệp đang phải ngừng việc và Đồng Nai là gần 197.000 trên tổng số hơn 333.000 lao động. Ngoài ra, còn một số lượng lớn lao động khu vực phi chính thức, lao động tự do bị mất việc do dịch bệnh bùng phát dữ dội, phải giãn cách xã hội dài ngày. Phần lớn số lao động tự do phải đi làm việc xa nhà, thu nhập không ổn định, ít tích luỹ, nên dễ bị tổn thương và khó khăn không tả xiết.

 

382 tỷ đồng đã đến đích

Theo Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng, ngay khi Quyết định 23/2021/QĐ-TTg có hiệu lực, NHCSXH đã chỉ đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố và NHCSXH nơi cho vay chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiếp cận, liên hệ với người sử dụng lao động (NSDLĐ) để nắm bắt và dự kiến, nhu cầu vay vốn của hơn 65.000 NSDLĐ, trong đó có 744 NSDLĐ có nhu cầu vay vốn để trả lương cho trên 60.000 lao động.

Sau hơn 2 tháng cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, đến ngày 17.9, toàn hệ thống đã phê duyệt 746 hồ sơ đề nghị vay vốn của NSDLĐ với số tiền hơn 392 tỷ đồng để trả lương cho 112.397 lượt người lao động. Đến nay, NHCSXH đã giải ngân được 382 tỷ đồng cho 730 NSDLĐ để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 109.373 lượt người lao động tại 63 tỉnh, thành phố.

Tại Hà Nội, mặc dù đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng mọi hoạt động tiếp nhận thông tin, hướng dẫn thủ tục cho vay gói hỗ trợ của Chính phủ vẫn diễn ra bình thường. NHCSXH Hà Nội đã vận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin trên Cổng thông tin dịch vụ công, Email, Zalo... giúp NSDLĐ hoàn thiện hồ sơ vay và kịp thời giải ngân để NSDLĐ có nguồn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh cho lao động. Theo Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP. Hà Nội Phạm Văn Quyết, tính đến ngày 9.8.2021, Chi nhánh đã tiếp nhận và hướng dẫn hồ sơ cho 30 NSDLĐ. Trong đó, có 9 khách hàng có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc, 21 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, Chi nhánh đã giải ngân cho vay số tiền 5,507 tỷ đồng để trả lương cho 1.246 lao động phải ngừng việc do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tại Đà Nẵng, theo báo cáo của NHCSXH thành phố, đến ngày 16.8, đã rà soát 3.452 NSDLĐ. Trong đó, có 11 đơn vị sử dụng có nhu cầu vay 3,128 tỷ đồng để trả lương cho 762 lượt lao động. Ngân hàng đã giải ngân 3 hồ sơ, số tiền 709,52 triệu đồng/181 lượt lao động. Trong đó, 2 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc cho 147 lượt lao động với số tiền 576,24 triệu đồng và 1 doanh nghiệp vay vốn trả lương thực hồi sản xuất kinh doanh cho 34 lượt lao động với số tiền 133,28 triệu đồng. Hiện Chi nhánh đang hướng dẫn cho 8 đơn vị sử dụng lao động với 544 lao động, số tiền 2,419 tỷ đồng.

Tính đến nay, Bắc Giang là địa phương có doanh số giải ngân cao nhất với 90,2 tỷ đồng cho 48 NSDLĐ để trả lương cho 26.600 lượt người lao động. Khách hàng vay cao nhất là Công ty CP may xuất khẩu Hà Bắc với số tiền 16,3 tỷ đồng để trả lương cho 4.762 người lao động.

Bình Nhi