Đưa ca dao sánh với kinh thi

Phạm Thuận Thành 02/10/2012 08:27

Ngày nay, ca dao Việt Nam đã được tập hợp và xuất bản rất phong phú, tiêu biểu là các cuốn Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam và Tục ngữ, ca dao người Việt. Có được thành tựu này cần nhắc đến người đầu tiên nhận ra vẻ đẹp của ca dao, rồi tập hợp lại, dịch ra văn Hán để so sánh với Kinh thi của Trung Quốc. Đó là Hoàng giáp Trần Danh Án.

Trần Danh Án hiệu là Liễu Am và Tản Ông, quê Bảo Triện, Gia Bình, Bắc Ninh. Ông sinh năm 1755 trong gia đình có truyền thống khoa bảng: ông nội Trần Phụ Dực đỗ tiến sĩ năm 1683, làm quan Tư huấn Quốc Tử Giám, tham gia soạn Đại Việt sử ký tục biên. Cha là Trần Danh Lâm đỗ tiến sĩ cùng khoa với bác ruột Trần Danh Ninh năm 1731, làm quan đồng triều cùng tới chức Thượng thư. Trần Danh Án thông minh học giỏi, từ nhỏ đã phát lộ tài năng văn chương. Người địa phương còn kể chuyện hồi nhỏ Trần Danh Án đi đò qua sông cùng chuyến với một quan nghè. Nhân thấy chiếc chày cháy dở trôi trên sông, ông quan nảy ra vế đối khá hóc hiểm vì nói đến năm loại cá: Chày cháy trôi sông của ngư ông tưởng cá. Quan đang tâm đắc ngâm nga thì có chú nhỏ xin được đối: Hôm mai vượt bể người tinh tú ngỡ sao. Vế đối cũng dùng tới năm lần chữ nói tới sao trời. Lớn lên Trần Danh Án dự thi hương đỗ đầu, thi hội đỗ Hoàng giáp, đứng tên thứ ba khoa Đinh Mùi 1787, khoa thi cuối cùng của triều Lê. Bấy giờ vua Lê Chiêu Thống đã đoạn tuyệt với nhà chúa, định dựa vào tướng Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh để củng cố quyền lực “nhất thống thiên hạ”. Quân Tây Sơn cử Vũ Văn Nhậm kéo quân ra Bắc lần thứ hai hỏi tội Chỉnh. Chỉnh đưa xa giá vua Lê sang Kinh Bắc lánh nạn. Mặc dù Chỉnh đã bị tiêu diệt nhưng vua Lê vẫn dựa vào các cựu thần tập hợp lực lượng đánh lại quân Tây Sơn. Trần Danh Án là một trụ cột lúc ấy. Sau một năm tòng vong, sức cùng lực kiệt, vua Lê bạc nhược cùng kế phải dựa vào ngoại bang, cử Trần Danh Án và Lê Duy Đản sang Thanh cầu viện. Nhờ có 20 vạn quân Thanh, vua Lê giành lại kinh thành, phong Trần Danh Án là Tĩnh nạn công thần, tước Định Nhạc hầu. Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) vua Quang Trung đại phá quân Thanh, vua Lê Chiêu Thống lại chạy theo sang đất Thanh định tính kế “phục quốc” tiếp. Trần Danh Án ở lại lẩn trốn trong dân gian. Vua Quang Trung cử Ngô Thì Nhậm nhiều lần đến gặp mời ông ra làm việc nhưng ông kiên quyết cự tuyệt, tỏ rõ một lòng trung với nhà Lê qua câu thơ: Người sau bên mộ giơ tay trỏ/ Tiến sĩ đời Lê cũ, họ Trần

Sen Ảnh: Nguyễn Quang Tuấn
Sen                                                                 Ảnh: Nguyễn Quang Tuấn

Trong thời gian lánh nạn này, Trần Danh Án đã gặp Nguyễn Gia Thiều, một cựu thần nhà Lê cũng kiên quyết cự tuyệt làm quan với Tây Sơn. Hai vị cựu công thần cùng chí khí lại là hai nhà thơ lớn rất ý hợp tâm đầu, đã gặp nhau là bàn chuyện thơ phú. Một lần, Nguyễn Gia Thiều đọc cho bạn nghe bài thơ Khóc Thị Bằng mới làm, có câu: Đập mảnh gương ra tìm lấy bóng/ Khép manh áo lại để riêng hơi.

Trần Danh Án thán phục thơ quốc âm cũng bóng bẩy, sâu sắc, bèn diễn giải ra Hán văn để so sánh: Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh/ Trùng phong khâm tử hộ dư hương.

Mọi người có mặt đều khen ông diễn dịch hay, nhưng vẫn chưa thể vượt được ý tứ câu thơ quốc âm.

Nhân câu chuyện vui vẻ, có người đọc ra một câu nói cửa miệng của dân gian đề nghị hai nhà thơ dịch ra thể thơ Đường:

Muôn nghìn chớ lấy Kẻ La

Cái tương thì thối, cái cà thì thâm.

Cả hai nhà thơ đều kêu khó. Mãi sau Trần Danh Án dựa theo Kinh Thi mà dịch ra như sau: Vạn thiên tư niên/ Vật thử bỉ La/ Ngôn xú kỳ tương/ Ngôn hắc kỳ cà.

Mọi người ngỡ ngàng, câu nói cửa miệng trong dân gian mà dịch sang Hán văn lại hay thế, chẳng kém gì Kinh thi của người Trung Quốc. Từ đó, Trần Danh Án tiếp tục sưu tập ca dao và dịch sang Hán văn được nhiều câu nữa. Công việc này được ghi chép cẩn thận. Việc đang tiến hành thì xảy ra sự kiện vua Lê qua đời ở Trung Quốc. Hoàng thái tử nhỏ tuổi cũng ốm chết. Thế là sự nghiệp phục quốc của nhà Lê tan tành, trọng thần Trần Danh Án đau buồn nhịn ăn chết theo. Đó là năm 1794. Lan Trì Ngư Giả Vũ Trinh, một trọng thần khác của nhà Lê đã có bài văn tế Trần Danh Án, có câu nói lên chí khí của ông:

Thần có lòng son nâng đất chống trời, mệnh thần không còn, với thần thế là hết.

Thần có máu nóng để đo gươm giáo, chí thần không toại, đời chẳng còn gì.

Công việc sưu tập ca dao và dịch sang Hán văn về sau lại được Ngô Đình Thái (hiệu là Hạo Phu) tiếp tục. Sau đó là cử nhân Trần Doãn Giác, cháu gọi Trần Danh Án bằng ông tiếp tục và hoàn thành, đặt tên sách là Nam Phong giải trào và dâng lên vua Tự Đức. Ngay từ thời đó sách Đại Nam nhất thống chí đã đánh giá: “Những câu ca dao nơi xóm làng có quan hệ với phong hóa có thể gần với các câu của Kinh thi”.

Với Trần Danh Án, người đang có tư tưởng chấp nhận dựa vào thế lực ngoại bang để “phục quốc” thì tư tưởng tự tôn văn hóa dân tộc lúc ấy thật là phi thường, đáng ghi nhận.

Năm 1867 vua Tự Đức cho tập hợp thơ văn thời Lê mạt vào sách Quốc triều thi văn lục, trong đó có tác phẩm Trần Danh Án. Sau đó nhà vua lại cho xây đền “Cố Lê tiết nghĩa từ” bên hồ Tây, bài vị Trần Danh Án được xếp đứng đầu văn ban.

Ngày nay, tên tuổi Trần Danh Án còn được ghi nhận trong sách Từ điển văn học với các tập thơ để lại là Liễu Am thi tập, Tản Ông thi tậpBảo Triện Trần hoàng giáp thi văn tập. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Kim Hưng đánh giá: “Trần Danh Án là một người khăng khăng giữ quan niệm trung với một triều đại, mặc dù cũng linh cảm được cái triều đại mà mình tôn thờ đã mất vai trò lịch sử. Đó là chỗ mâu thuẫn trong tư tưởng được chuyển hóa thành nguồn cảm hứng bi thiết trong thơ. Nói chung thơ văn Trần Danh Án là hình ảnh khá chân thực của một tầng lớp nho sĩ, quý tộc, bất lực với thời cuộc mà trong tâm lý vẫn không thừa nhận điều đó”.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đưa ca dao sánh với kinh thi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO