Đưa âm nhạc xuống phố

Linh Lan thực hiện 19/01/2013 08:55

Đưa âm nhạc đến với công chúng qua sân khấu đường phố là việc làm không mới trên thế giới. TP Huế, Thừa Thiên Huế là một trong số không nhiều địa phương ở nước ta có một dự án riêng về âm nhạc đường phố. Ts Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế - đơn vị chủ trì dự án - trao đổi:

- Xuất phát từ đâu hằng năm Học viện Âm nhạc Huế lại xây dựng và thực hiện dự án âm nhạc đường phố?

- Lâu nay, môi trường âm nhạc của TP Huế còn nghèo nàn, trong khi đây là thành phố festival. Thông thường chỉ đến những dịp diễn ra festival thì mới có các sự kiện song lại biểu diễn liên tục trong 9 ngày. No dồn đói góp và 2 năm mới 1 lần sự tác động về đời sống âm nhạc đối với đời sống nhân dân sẽ không cao. Đồng thời cũng trên tinh thần Kết luận 48 của Bộ Chính trị sớm xây dựng Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó phải xây dựng Huế là thành phố đặc trưng về văn hóa, thành phố festival thường trực của cả nước.

Học viện âm nhạc Huế đã xây dựng và triển khai thực hiện dự án âm nhạc đường phố nhằm phục vụ công chúng các ngày cuối tuần. Nơi biểu diễn là các địa điểm quen thuộc trên bờ sông Hương và vào sáng chủ nhật Ban âm nhạc đường phố biểu diễn trên đường đi bộ bên bờ sông Hương… Tới đây trên đường Trịnh Công Sơn sẽ là nơi dàn nhạc tổng hợp biểu diễn. Nhã nhạc cung đình sẽ được biểu diễn ở Nghinh Lương Đình chiều thứ 6 hàng tuần.

Đưa âm nhạc xuống phố ảnh 1

- Ông đánh giá hiệu quả của những chương trình này đối với công chúng và du khách nơi đây như thế nào?

- Hiện nay, những chương trình biểu diễn đã được dư luận đánh giá cao và coi đây là công việc hữu ích mang tính truyền thống văn hóa. Đặc biệt với vùng đất được tôn vinh về văn hóa truyền thống. Bởi đây là những chương trình biểu diễn hoàn toàn miễn phí, để phục vụ cộng đồng nên ai cũng có thể vào xem. Chúng tôi cũng chưa thống kê lượng khách hằng năm song mỗi buổi biểu diễn đã thu hút khá đông khách đến xem. Chủ yếu là du khách nước ngoài, học sinh, sinh viên và tầng lớp lao động bình dân. Năm 2012, số lượng biểu diễn trên các sân khấu trên 200 buổi, chưa kể các hoạt động chính trị khác. Số lượng biểu diễn hơn cả đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp biểu diễn phục vụ trong một năm.

Hoạt động biểu diễn này đã làm cho thành phố sống động hơn. Đặc biệt, du khách trong và ngoài nước cũng như người dân nơi đây đã bắt đầu quen với nếp sinh hoạt âm nhạc đường phố. Cứ 4h chiều các ngày cuối tuần lại ra các tụ điểm để nghe các ban nhạc biểu diễn. Nhiều du khách nước ngoài lên sân khấu mượn kèn, ghi ta cùng biểu diễn và nhảy múa rất thích thú. Cùng với đó, hoạt động này đã góp phần xây dựng nét đẹp về đời sống âm nhạc của thành phố. Đồng thời, đây còn là cơ hội đẩy mạnh việc thực hành của sinh viên, giảng viên của Học viện âm nhạc Huế; quảng bá hình ảnh của Học viện âm nhạc với du khách trong và ngoài nước.

- Đối tượng thưởng thức của các chương trình khá rộng, vậy các tiết mục biểu diễn được lựa chọn như thế nào thưa ông?

- Mỗi dàn nhạc sẽ có một tiêu chí riêng, trong đó các tiết mục được lựa chọn biểu diễn thông thường sẽ kết hợp hiện đại và hàn lâm. Chủ đề mà chúng tôi hướng tới là những ca khúc nổi tiếng thế giới và Việt Nam được chuyển soạn cho dàn nhạc. Đặc biệt, một chương trình biểu diễn có ít nhất có 1 - 2 bài hát về Bác Hồ được vang lên ở các sân khấu, giúp cho việc tuyên truyền tư tưởng đạo đức của Bác Hồ đến với người dân một cách dễ hiểu và dễ tiếp cận nhất.

Tiến tới mỗi chương trình trong 1 tháng được thay đổi tiết mục, được làm mới bằng hòa âm phối khí, bằng cách biểu diễn… Qua đó cho dù là tác phẩm cũ nhưng sẽ mang hơi thở mới. Đồng thời, năng lực biểu diễn cũng thay đổi liên tục trong một năm. Sinh viên năm thứ 4 ra trường, bổ sung các em năm thứ 3 vào…

- Mục tiêu hướng tới của nhạc viện để các chương trình thực sự có ý nghĩa và  người nghe dễ nghe, dễ hiểu là gì thưa ông?

- Tôi luôn mong muốn việc hòa âm phối khí, cách biểu diễn, thể hiện của các nhà soạn nhạc thật đơn giản. Đừng cách điệu quá xa để người nghe dễ hiểu. Sắp tới, chúng tôi sẽ mạnh dạn chuyển soạn các tác phẩm dân ca, dân vũ của dân tộc ta vào các chương trình để đưa người nghe đến gần với văn hóa dân gian. Tôi cho rằng, đây cũng là cách chấn hưng văn hóa dân gian thông qua sân khấu này. Bởi thực tế, mảng văn hóa dân gian đang có nguy cơ bị lãng quên và thiếu đất sống trong môi trường âm nhạc đương đại.

- Thưa ông, để các ban nhạc có thể biểu diễn dài hơi, Học viện âm nhạc Huế đã có chủ trương gì chưa?

Hiện nay học viện đang cố gắng duy trì song kinh phí hoàn toàn tự túc. Trong khi để duy trì được thì rất cần nguồn kinh phí thường xuyên cho vấn đề di chuyển, quảng bá… Năm 2013, chúng tôi đề nghị với HĐND tỉnh thông qua để đưa danh mục hoạt động này vào ngân sách chi thường xuyên. Đồng thời, chúng tôi cũng đang hướng tới xã hội hóa…

- Xin cám ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đưa âm nhạc xuống phố
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO