Vùng đất đậm nét văn hóa Pa Cô
Làng A Nôr nằm ở thung lũng nhỏ dưới chân thác A Nôr thuộc địa bàn xã Hồng Kim, cách trung tâm huyện A Lưới khoảng 3km về phía Đông Bắc. Nơi đây có cảnh đẹp hoang sơ với 3 dòng thác liên hoàn nằm gần nhau, độ cao 8m, 60m và 120m, từ xa trông như "áng tóc dài thiếu nữ" giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Mây mù bao phủ quanh năm tạo nên không gian mát dịu trong lành.
Từ xa xưa, nơi đây đã được dòng họ Pa Cô chọn để lập làng và tồn tại cho đến ngày nay. Trong quá trình phát triển, người Pa Cô đã xây dựng nên những đặc trưng văn hóa cho dân tộc mình. Theo ThS. Trần Đức Sáng, Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, nhìn chung, người Pa Cô ở A Nôr vẫn còn lưu giữ khá nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống như: kiến trúc nhà ở, nhà mồ; trang phục, ẩm thực; hệ thống tín ngưỡng tâm linh cũng như các loại hình lễ hội như: tết cơm mới (A Da), tục bỏ mả (A riêu Piing), một số nghi lễ vòng đời người và các nghi lễ liên quan đến cây lúa; văn nghệ dân gian phong phú, đa dạng các làn điệu dân ca cổ, các loại trò chơi dân gian...
Với những lợi thế về tự nhiên và văn hóa, năm 2004, A Nôr được huyện A Lưới phối hợp với các đơn vị hỗ trợ 19 gia đình (mỗi gia đình 15 triệu đồng) để khôi phục nhà sàn truyền thống và mở rộng đường vào suối, giúp người dân hoạt động du lịch. Với hành trang ít ỏi, kinh nghiệm chưa cao, nên đồng bào còn bỡ ngỡ trong phát triển du lịch. Có những thời kỳ hoạt động du lịch cộng đồng ở đây tưởng chừng bị quên lãng.
Để đánh thức "nàng tiên ngủ quên trên thác A Nôr", chính quyền huyện A Lưới và xã Hồng Kim đã ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch nhằm phát triển du lịch. Khu du lịch A Nôr dần hoạt động trở lại, mạnh nhất là từ năm 2016 đến nay. Các tổ du lịch đã khai thông, mở rộng đường và tạo cảnh quan nhà ở để phục vụ du khách. Từ hoạt động du lịch tự phát của hộ dân, Ủy ban nhân dân xã đã vận động các hộ gia đình thành lập 2 nhóm hoạt động du lịch cộng đồng (du lịch sinh thái thác A Nôr và du lịch cộng đồng A Nôr)...
Giai đoạn 2016 - 2020 du lịch trên địa bàn xã góp phần tăng thu nhập cho nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương; cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư xây dựng khá hoàn thiện, người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh. Tỷ lệ khách đến điểm du lịch ngày càng tăng, năm 2016 đón được 594 lượt khách, năm 2020 lượng khách tăng lên 5.042 lượt. Nếu năm 2020, làng du lịch cộng đồng A Nôr chỉ có 4 hộ tham gia kinh doanh cơ sở lưu trú homestay, đến năm 2023 đã tăng lên 7 hộ...
Định vị sản phẩm du lịch chủ đạo
Ngày 6.10.2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận Điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr và ngày 27.12.2022, được công nhận phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Tuy nhiên, ThS. Trần Đức Sáng cho rằng, phát triển du lịch A Nôr vẫn còn một số khó khăn nhất định.
Người dân chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, điều hành kinh doanh du lịch. Một số thành viên tham gia hoạt động du lịch chưa được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về cách đón tiếp, phục vụ khách. Một số dịch vụ chưa làm khách hài lòng. Sự lan tỏa của điểm du lịch chưa đến với đông đảo du khách, công tác giới thiệu, quảng bá du lịch chưa mạnh. Sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ khách du lịch còn nghèo nàn...
ThS. Trần Đức Sáng góp ý, cần xây dựng sản phẩm OCOP du lịch - dịch vụ nông ngiệp nông thôn đạt 4 sao trở lên. Khuyến khích hộ gia đình trồng nông sản, thảo dược truyền thống để đưa vào phục vụ du khách. Xây dựng chương trình tour du lịch theo chu kỳ của 4 mùa trong năm phù hợp với điều kiện khí hậu của A Lưới. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Du lịch A Lưới thiết lập tour du lịch ngoại tỉnh với Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Bên cạnh đó, cụ thể hóa thế mạnh về du lịch của xã trong mối tương quan với du lịch A Lưới để định vị sản phẩm du lịch chủ đạo cho điểm du lịch trọng yếu của xã, tạo nên bức tranh du lịch hoàn thiện với những nét riêng, không trùng lặp với các địa phương khác trong vùng.
Đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, lấy người bản địa làm nòng cốt và xây dựng hình ảnh, sản phẩm du lịch. Trong đó, chú trọng nghiệp vụ tiếp đón khách, phục vụ buồng, bàn, bếp, hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại chỗ… Xây dựng phong phú các sản phẩm du lịch; tour, kết nối tuyến du lịch liên xã, huyện, tỉnh nhằm thu hút du khách ngày càng nhiều hơn, lưu lại lâu hơn, sớm đưa hoạt động du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.