Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục: Đề xuất bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS
Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Thời gian lấy ý kiến góp ý từ nay đến hết ngày 9/7/2025.
Bổ sung trung học nghề là cấp học, không còn trường trung cấp
Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 6, Luật Giáo dục quy định về hệ thống giáo dục quốc dân.
Bộ GD-ĐT cho biết, hướng sửa đổi này tiếp cận theo Phân loại chuẩn quốc tế về giáo dục (ISCED 2011), phù hợp với thông lệ quốc tế.
Điểm mới trong quy định này là bổ sung trung học nghề là cấp học. Không có trường trung cấp (chuyển sang trung học nghề, chương trình tích hợp kiến thức THPT). Không cấp bằng trung cấp, thay bằng bằng trung học nghề). Bổ sung định nghĩa về giáo dục đại học để đảm bảo tính nhất quán trong toàn hệ thống.

Như vậy, trong chương trình trung học nghề, học sinh có 2 lựa chọn: được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề hoặc trung cấp nghề. Hết lớp 9, các em có 3 lựa chọn: vào THPT, học trung học nghề với chứng chỉ sơ cấp, học trung học nghề với chứng chỉ trung cấp nghề.
LUẬT GIÁO DỤC 2019 | DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC |
Điều 6. Hệ thống giáo dục quốc dân 1. Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. 2. Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo; b) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông; c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác; d) Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ. 3. Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; quy định thời gian đào tạo, tiêu chuẩn cho từng trình độ đào tạo, khối lượng học tập tối thiểu đối với trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. 4. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định ngưỡng đầu vào trình độ cao đẳng, trình độ đại học thuộc ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe. | 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau: “Điều 6. Hệ thống giáo dục quốc dân 1. Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông thực hiện giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. 2. Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo; b) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông; c) Giáo dục nghề nghiệp gồm trung học nghề và cao đẳng, đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; d) Giáo dục đại học gồm đại học và sau đại học, đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ”. 3. Thủ tướng Chính phủ quy định Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam”. |
Đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp THCS
Tại Dự thảo, Bộ GD-ĐT đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp THCS, thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Luật Giáo dục.
Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, điều này nhằm đảm bảo phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, theo Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đồng thời, phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục; cũng như phù hợp với xu thế quốc tế hiện nay, khi đã có nhiều quốc gia phát triển (Mỹ, Canada, Anh, Úc, Phần Lan) không cấp bằng tốt nghiệp THCS mà sử dụng xác nhận của Hiệu trưởng về kết quả học tập ở lớp dưới để xét học ở bậc học cao hơn hoặc phân luồng.
Bên cạnh đó, theo Bộ GD-ĐT, việc xác nhận hoàn thành chương trình THCS sẽ không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người học (sửa tương ứng ở Điều 34 Luật này và Luật Giáo dục nghề nghiệp nếu có quy định liên quan).

Ngoài ra, Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 12, nhằm làm rõ khái niệm "chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân" và bổ sung Khoản 6 để triển khai dịch vụ công toàn trình trong quản lý văn bằng, chứng chỉ. Theo đó, văn bằng, chứng chỉ số sẽ được cấp dựa trên cơ sở dữ liệu về văn bằng, chứng chỉ.
Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì xây dựng Cơ sở dữ liệu về văn bằng, chứng chỉ của Bộ (ngành giáo dục). Cơ sở dữ liệu này được xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị... đảm bảo theo đúng quy định pháp luật (Luật Dữ liệu, Luật Giao dịch điện tử ...) và sẽ đồng bộ/tương thích/kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục và đào tạo.
Đồng thời, Bộ cũng sẽ ban hành Thông tư quy định cụ thể về văn bằng, chứng chỉ số và lộ trình cấp, sử dụng văn bằng, chứng chỉ số (trong đó sẽ quy định cụ thể việc xử lý, sử dụng dữ liệu số, lộ trình thực hiện sao cho phù hợp, khả thi, an toàn...).
LUẬT GIÁO DỤC 2019 | DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC |
Điều 12. Văn bằng, chứng chỉ 1. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định của Luật này. 2. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. 3. Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người học dự thi lấy chứng chỉ theo quy định. 4. Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau. 5. Chính phủ ban hành hệ thống văn bằng giáo dục đại học và quy định văn bằng trình độ tương đương của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù. | Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau: “Điều 12. Văn bằng, chứng chỉ 1. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định của Luật này. 2. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung học nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. 3. Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân là văn bản do người có thẩm quyền cấp để xác nhận kết quả học tập cho người học sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp theo chương trình do Bộ GD-ĐT ban hành hoặc cấp cho người học khi dự thi để lấy chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. 4. Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau. 5. Văn bằng, chứng chỉ số là văn bằng, chứng chỉ được cấp dưới dạng kỹ thuật số từ cơ sở dữ liệu về văn bằng, chứng chỉ của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc từ cơ sở dữ liệu về văn bằng, chứng chỉ của Bộ GD-ĐT. Văn bằng, chứng chỉ số có giá trị pháp lý như văn bằng, chứng chỉ giấy. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có trách nhiệm xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về văn bằng, chứng chỉ của Bộ GD-ĐT; quy định cụ thể về văn bằng, chứng chỉ số và lộ trình cấp, sử dụng văn bằng, chứng chỉ số”. |
Bỏ Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập
Một điểm đáng chú ý khác trong Dự thảo là đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 55 theo hướng bỏ Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập.
Theo Bộ GD-ĐT, trên thực tế, đa số các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập không phải là cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ. Vì vậy, phần lớn nhiệm vụ của Hội đồng trường trong trường mầm non, phổ thông công lập quy định tại Điều lệ nhà trường đều được thực hiện mang tính chất hình thức, không thực chất; thành phần Hội đồng trường đa dạng, đại diện cho nhiều thành phần trong nhà trường và ngoài nhà trường.
Tuy nhiên, có hạn chế là một số người tham gia hội đồng trường cho “đủ” thành phần và số lượng, không có đóng góp thực tế cho hoạt động của Hội đồng trường.
Trên thực tế, Chủ tịch Hội đồng trường cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập thường là Hiệu trưởng kiêm nhiệm, đồng thời là Bí thư đảng ủy/chi bộ. Vì vậy, về cơ bản không đáp ứng được mục tiêu đề ra khi quy định hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục này.
Ngoài ra, Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 103 liên quan đến chính sách ưu đãi đối với các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Mục tiêu của sửa đổi này là nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các trường ngoài công lập, phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, đáp ứng kiến nghị của một số địa phương về việc cần bổ sung các chính sách ưu đãi cụ thể cho khối trường ngoài công lập.
Xem toàn văn Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục tại đây.