Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật:Bổ sung đại biểu HĐND chuyên trách được hưởng hỗ trợ hàng tháng
Góp ý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân đề nghị xem xét bổ sung Điều 7 về đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng với “đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách các cấp”, tương tự như “đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách”.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung đối tượng là công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, thành trực tiếp tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH, ĐBND trong công tác xây dựng pháp luật và giám sát văn bản quy phạm pháp luật.
Tập trung vào các đại biểu chuyên trách
Thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng tại Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, đại biểu cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là cần thiết.
Theo đại biểu Lã Thanh Tân, dự thảo Nghị quyết đã thể hiện rõ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về “công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; là một nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” và “đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển”.

Về đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung Điều 7 đối tượng là “đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách các cấp” tương tự như “đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách”. Hiện nay, ở địa phương theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, số lượng đại biểu HĐND các cấp hoạt động chuyên trách không nhiều, được bố trí là lãnh đạo HĐND, lãnh đạo các Ban của HĐND. Việc thẩm tra các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, giám sát văn bản quy phạm pháp luật do các Ban của HĐND thực hiện, tập trung là các đại biểu hoạt động chuyên trách. Vì vậy, quy định nhóm đối tượng này được hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng là phù hợp – đại biểu nhấn mạnh.
Bổ sung công chức trực tiếp tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH
Bên cạnh đó, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị quan tâm bổ sung đối tượng là công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, thành phố trực tiếp tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH, ĐBQH trong công tác xây dựng pháp luật và giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Vì đây là đội ngũ trực tiếp và thường xuyên làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật.
Đại biểu phân tích: theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH14, Đoàn ĐBQH phải cho ý kiến đối với hồ sơ chính sách đối với các dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tại (Điều 30); tham gia ý kiến đối với dự án luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Điều 33).
Trong quá trình xem xét, thảo luận, cho ý kiến đối với các Luật, nghị quyết tại kỳ họp Quốc hội, công chức trực tiếp tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã tích cực tham mưu, giúp Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham gia ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.
Như vậy, xuyên suốt trong quá trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, từ quy trình xây dựng chính sách, đến khâu soạn thảo luật, pháp lệnh nghị quyết và quy trình xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, đều có sự tham gia của công chức trực tiếp tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tại các tỉnh, thành phố với vai trò tham mưu cho Đoàn ĐBQH và ĐBQH.
Ngoài ra, công chức trực tiếp tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tại các tỉnh, thành phố đã tham mưu đắc lực cho Đoàn ĐBQH, ĐBQH trong công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật.
Điểm c khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị quyết quy định “Đối tượng khác thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ quy định”.
Điểm d khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị quyết quy định “Đối tượng khác không thuộc các điểm a, b và c khoản này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định”.
Công chức trực tiếp tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tại các tỉnh, thành sẽ không thuộc đối tượng Chính phủ quy định, do không tham mưu xây dựng pháp luật cho chính quyền địa phương; và cũng không thuộc đối tượng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, do công chức tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH, mặc dù tham mưu trực tiếp cho công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội nhưng lại thuộc biên chế và hưởng lương của địa phương.
Trong khi đó, Nghị quyết số 1004/2019/UBTVQH14 ngày 18/9/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh cũng đã quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng bao gồm những nội dung vừa nêu.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào mục 6, phụ lục I quy định “Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố (Phòng Công tác Quốc hội, Chánh Văn phòng, 1 Phó Chánh Văn phòng phụ trách lĩnh vực Công tác Quốc hội).