Dự thảo nêu rõ về chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ. Theo đó, dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm được nhà nước, chính quyền địa phương tư vấn giới thiệu công nghệ, hỗ trợ 50% chi phí chuyên gia tư vấn công nghệ.
Đối với các dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm được nhận chuyển giao công nghệ được nhà nước miễn thuế nhập khẩu, chuyển giao trang thiết bị công nghệ phục vụ dự án tham gia cơ chế thử nghiệm, ưu tiên thông quan hàng hóa.
Đồng thời, nhà nước hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn.
Về chính sách tín dụng xanh, dự thảo đề xuất: Dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm được cấp giấy chứng nhận đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm được tiếp cận, huy động, vay vốn ưu đãi, vay vốn không bảo lãnh chính phủ đối với các khoản tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế, Ngân hàng phát triển Việt Nam, quỹ đầu tư phát triển tỉnh, các quỹ an sinh xã hội, quỹ môi trường, quỹ phát triển xanh, quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, tổ chức, định chế tài chính.
Về chính sách trái phiếu xanh: Dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm được cấp giấy chứng nhận đăng kí tham gia cơ chế thử nghiệm được phép hợp tác với các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện, được phép phát hành trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật về trái phiếu, được hợp tác với quỹ đầu tư phát triển cấp tỉnh để phát hành trái phiếu xanh chính quyền địa phương, được phép liên kết đối tác trong nước, quốc tế xây dựng thử nghiệm sàn giao dịch trái phiếu xanh.
Mỗi tỉnh, thành phố không được có quá 5 tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm được phát hành trái phiếu xanh và chỉ có duy nhất 1 đơn vị được cho phép hợp tác liên kết với quỹ đầu tư phát triển địa phương thử nghiệm vận hành hoạt động sàn giao dịch trái phiếu xanh, tín chỉ cacbon tự nguyện. Thời hạn trái phiếu xanh, thời gian vận hành thử nghiệm hoạt động sàn giao dịch trái phiếu xanh, tín chỉ cacbon tự nguyện không vượt quá thời hạn dự án đăng kí tham gia cơ chế thử nghiệm, trừ trường hợp có các quy định mới khác ở cấp luật, nghị quyết của Quốc hội.
Về chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, dự thảo nêu rõ, Nhà nước hỗ trợ tối đa 70% tổng chi phí cho một khóa quản trị doanh nghiệp cho tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm.
Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nghề, chi phí chuyển đổi nghề nghiệp nhưng không vượt quá 3 tháng lương cơ sở cho mỗi người lao động tại khu vực triển khai dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm. Tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm lập danh sách lao động cần được đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp gửi đơn vị có thẩm quyền cấp thu hồi giấy chứng nhận đăng kí tham gia cơ chế thử nghiệm phê duyệt.
Nhà nước, chính quyền địa phương thực hiện đảm bảo, kết nối các đơn vị cung ứng lao động, trường nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học với tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm và các hoạt động hỗ trợ khác theo quy định bảo đảm nguồn lao động đúng chất lượng, đủ số lượng yêu cầu cho thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn.
Tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm được phép sử dụng đất mục đích hỗn hợp, tích hợp đa năng bao gồm cả phần mái, mặt nước, hàng rào xung quanh bên trong ranh giới quy hoạch dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm.
Tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm được phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đối với phần đất trong ranh giới, chỉ giới quy hoạch dự án kinh tế tuần hoàn đã được cấp giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm.
Chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố ưu tiên sử dụng mặt bằng sạch có sẵn, chịu trách nhiệm giải phóng sạch mặt bằng trong trường hợp nhà đầu tư ứng tiền giải phóng mặt bằng khu đất tại địa phương có vị trí, địa hình, đặc điểm phù hợp với quy mô dự án kinh tế tuần hoàn được cấp giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm dự kiến để triển khai xây dựng dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.