Xã hội

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là trợ cấp thất nghiệp

Thái Yến 19/05/2025 11:38

Đại biểu Quốc hội Lý Anh Thư (Kiên Giang) cho rằng, để dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) hoàn thiện và phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, Ban soạn thảo nghiên cứu đưa vào luật về chính sách đầu tư xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng nghề phù hợp với người lao động mất việc làm để nhanh chóng tái hòa nhập thị trường lao động.

Đào tạo nghề cho người lao động mất việc từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Cho rằng, việc bổ sung chế định liên quan đến hệ thống thông tin thị trường lao động là kịp thời trong thời đại công nghệ số như hiện nay, đại biểu Lý Anh Thư cho rằng, việc đầu tư xây dựng chương trình chính sách đào tạo kỹ năng nghề phù hợp với người lao động mất việc làm để nhanh chóng tái hòa nhập thị trường lao động là việc làm cần thiết.

Ảnh 1- Đại biểu Lý Anh Thư – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang. Ảnh qhvn
Đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang). Ảnh qhvn

Theo đó, về nguồn ngân sách cho thực hiện chương trình đào tạo kỹ năng nghề phù hợp với người lao động mất việc làm, Đại biểu Lý Anh Thư đề xuất có thể xem xét trích từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo phân tích của đại biểu Lý Anh Thư, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang chủ yếu là dùng để chi trả bảo hiểm thất nghiệp và cũng một phần để hỗ trợ học nghề và tư vấn giới thiệu việc làm. Việc hỗ trợ học nghề nằm ở trong chi trả quỹ nhưng thay vì chi trả cho đào tạo nghề ngắn hạn, cần chú trọng đào tạo các kỹ năng nghề làm việc cho người lao động một cách thường xuyên, liên tục, mang tính lâu dài, không phải chi trong thời gian ngắn hạn.

“Việc mở rộng mục tiêu sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ, tái đào tạo, chuyển đổi ngành nghề có định hướng thay đổi vì chỉ học nghề ngắn hạn sẽ không làm phát sinh quỹ mới mà chỉ là cơ cấu lại tỷ trọng ngân sách theo hướng chủ động, từ đó góp phần vào thực hiện chính sách hiệu quả, ổn định hơn”, đại biểu Lý Anh Thư khẳng định.

Để không phụ thuộc vào bảo hiểm thất nghiệp

Đồng tình với ý những kiến về việc cần có chính sách hỗ trợ ảnh hưởng do thay đổi công nghệ, đại biểu Lý Anh Thư đề nghị bổ sung chính sách tái đào tạo lao động gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong Luật Việc làm (sửa đổi).

Theo đại biểu Lý Anh Thư, trong bối cảnh thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng do chuyển đổi số, tự động hóa và tái cấu trúc ngành nghề, lực lượng lao động, đặc biệt là nhóm lao động trung niên, lao động giản đơn và người làm việc trong khu vực phi chính thức đang đối mặt với nguy cơ mất việc làm và tụt hậu kỹ năng. Mặc dù hiện nay đã có những chính sách như: bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn việc làm, tham gia đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động thất nghiệp nhưng chủ yếu vẫn tập trung nhiều vào trợ cấp thất nghiệp.

Ảnh 2- Nhu cầu thị trường lao động ngày càng đòi hỏi về các kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh ITN
Nhu cầu thị trường lao động ngày càng đòi hỏi về các kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh ITN

Đại biểu Lý Anh Thư cho rằng điều này mới đang giải quyết ở một phần ngọn, trong khi chưa có cơ chế khuyến khích như người lao động chủ động nâng cao kỹ năng nghề, tái định hướng nghề nghiệp hoặc nâng cao kỹ năng thường xuyên, liên tục để duy trì việc làm mà không phải mất việc làm khi mới học nghề. Theo đó, dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào bảo hiểm thất nghiệp mà không giải quyết được gốc rễ là việc thiếu kỹ năng nghề phù hợp với thị trường lao động, đặc biệt là các kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin.

“Ở một số quốc gia phát triển như Singapore, Đức và Đan Mạch đã có các chính sách chuyển đổi từ trợ cấp bị động sang mô hình đầu tư kỹ năng hỗ trợ người lao động học nghề mới chuyển ngành nghề phù hợp, gắn đào tạo với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, cùng với đó là xây dựng nền tảng công nghệ kết nối với việc làm và học tập liên thông, giúp giảm độ trễ công nghệ thông tin và tăng cơ hội tiếp cận nghề mới như Hàn Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ học phí 100% cho người lao động cao tuổi hoặc làm việc trong những ngành nghề lỗi thời. Xây dựng hệ thống đánh giá năng lực lao động để định hướng nghề, giới thiệu việc làm mới phù hợp như ở Canada, vì khi người lao động thất nghiệp mới được hỗ trợ thì theo đó họ sẽ cắt một khoản tiền tích lũy hàng năm cho mỗi người lao động ở khoảng 26 đến 65 tuổi để chi trả cho việc học các kỹ năng mới”, đại biểu Lý Anh Thư dẫn chứng.

Xuất phát từ thực tế trên, đại biểu Lý Anh Thư đề xuất với Ban soạn thảo nghiên cứu và đưa vào dự thảo Luật Việc làm quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 4 về chính sách của Nhà nước về việc làm: hỗ trợ người lao động tái đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp gắn với nhu cầu thị trường lao động, thích ứng với nền công nghệ số, già hóa dân số, biến đổi khí hậu; sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, triển khai trợ cấp, tái đào tạo trong thời gian người lao động học nghề; nâng cao kỹ năng nghề, hỗ trợ người sử dụng lao động với nhiều lao động là người khuyết tật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là trợ cấp thất nghiệp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO