Xã hội

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Cần quy định rõ trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp

Thái Yến 10/05/2025 10:37

Thống nhất theo Tờ trình của Chính phủ và nội dung thẩm tra của Ủy ban Xã hội về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Việc làm, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng, việc sửa đổi Luật Việc làm cần góp phần thực hiện đúng mục tiêu của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là hỗ trợ người lao động trong thời kỳ khó khăn tái hòa nhập thị trường lao động, tạo môi trường phát triển bền vững cho các chủ thể tham gia trong thời kỳ mới.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp phải là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc

Tại khoản 5 Điều 58 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định. Theo đó, đối với trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì cho phép người lao động dùng tiền của chính mình nộp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Ảnh 3- Bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ người lao động đảm bảo cuộc sống gia đình, tập trung tìm việc mà không phải lo lắng về áp lực tài chính. Ảnh chinhphu.vn
Bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ người lao động đảm bảo cuộc sống gia đình, tập trung tìm việc. Ảnh chinhphu.vn

Với quy định trên, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng, như vậy sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, dễ gây bức xúc lớn từ người lao động và dư luận xã hội. Vì “rõ ràng doanh nghiệp, người sử dụng lao động nợ tiền bảo hiểm mà người lao động lại phải bỏ tiền đóng thay là chưa phù hợp”, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân khẳng định.

Ảnh 1- Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương. Ảnh qhvn
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương. Ảnh qhvn

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân kiến nghị, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động theo quy định của pháp luật trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; bổ sung quy định, chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm như trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng hoặc kê khai sai mức lương đóng, quy định chi tiết thời gian tối đa cho phép chậm đóng trước khi bị xử phạt, tránh tình trạng kéo dài và gây bất lợi cho người lao động. Từ đó, cho thấy việc đóng bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là quyền lợi của người lao động mà còn là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của người sử dụng lao động.

“Trong trường hợp doanh nghiệp không đóng hoặc nợ bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm có thể tạm ứng để người lao động không bị gián đoạn quyền lợi và bổ sung quy định buộc doanh nghiệp hoàn trả toàn bộ số tiền bảo hiểm thất nghiệp đã bị trốn đóng kèm lãi suất tương ứng. Song, dưới góc độ doanh nghiệp cũng đề nghị xem xét, áp dụng cơ chế giãn, hoãn hoặc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, đặc biệt trong các tình huống kinh tế khó khăn, thiên tai, dịch bệnh nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, hiệu quả hơn trong việc quản lý bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi của người lao động và khả năng tuân thủ của doanh nghiệp, hướng tới một môi trường lao động công bằng và bền vững”, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nhấn mạnh.

Cần chính sách để người lao động tự nguyện tham gia bảo hiểm

Tại điểm a, b khoản 1 Điều 64 dự thảo luật đã bổ sung và loại trừ 4 nhóm đối tượng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cụ thể, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức; người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động; người lao động bị xử lý kỷ luật, buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ảnh 2- Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Ảnh eBH
Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Ảnh eBH

Với nội dung trên, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng sẽ gây bất lợi cho người lao động. Bởi trên thực tế, nhiều trường hợp người lao động đóng đầy đủ bảo hiểm thất nghiệp nhưng không thể hưởng vì lý do bất khả kháng, phải đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không thể báo trước theo quy định hoặc đôi khi người lao động vi phạm kỷ luật không hoàn toàn xuất phát từ lỗi cá nhân mà từ áp lực hoặc nhiều điều kiện, làm việc bất công dẫn đến mất cân bằng quyền lợi cho người lao động.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đã kiến nghị Ban soạn thảo cần xem xét, quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo theo nguyên tắc có đóng, có hưởng nhằm cân bằng, hài hòa quyền lợi của người lao động khi thất nghiệp, kịp thời bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong các trường hợp bất khả kháng, kèm theo đó là người lao động phải chứng minh được lý do chính đáng khi đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc vi phạm quy định; áp dụng các biện pháp kiểm tra, xác minh thay vì cấm đoán hoàn toàn và chỉ nên loại trừ trợ cấp thất nghiệp đối với các trường hợp có hành vi vi phạm nghiêm trọng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Được thực hiện từ năm 2009 đến nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao gồm các chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề nhằm chia sẻ rủi ro, hỗ trợ thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm. Bên cạnh đó, các chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, hỗ trợ học nghề được thiết kế để người lao động nhanh chóng tìm lại việc làm, giảm thời gian thất nghiệp, sớm quay trở lại thị trường lao động ổn định xã hội.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, không thể thay thế cho toàn bộ thu nhập của người lao động trong thời gian dài vì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay bằng 60% mức bình quân tiền lương hàng tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp và tối đa chỉ có 12 tháng.

Do đó, trên cơ sở cân đối kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cũng đã kiến nghị nên xem xét điều chỉnh khoản 1 ở Điều 65 dự thảo luật theo hướng là tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 70% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp.

“Mức hưởng hàng tháng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ người lao động có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình, tập trung tìm việc mà không phải lo lắng về áp lực tài chính, thu hút người lao động tự nguyện tham gia bảo hiểm thất nghiệp, góp phần tăng nguồn quỹ và hiệu quả của chính sách”, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đề nghị.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Cần quy định rõ trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO