Xã hội

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Cần bảo đảm tối đa quyền lợi chính đáng của người đóng bảo hiểm thất nghiệp

Thái Yến 06/05/2025 22:03

Để đảm bảo tối đa quyền lợi chính đáng của người đóng bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Quốc hội Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) cho rằng, cơ quan soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu lại các quy định về bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, cần bảo đảm dựa trên nguyên tắc có đóng, có hưởng một cách tương xứng.

Hưởng bảo hiểm thất nghiệp tương đương với thời gian đóng

Cho ý kiến về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Chamaléa Thị Thủy nhất trí với việc cần phải xem xét, sửa đổi Luật Việc làm để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về chính sách việc làm. Đồng thời, định hướng cho việc phát triển thị trường lao động phù hợp với nhu cầu, xu hướng phát triển kinh tế trong nước, ở khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, để dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được hoàn thiện hơn, đại biểu Chamaléa Thị Thủy đã kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung, sửa đổi một số vấn đề. Về vấn đề bảo hiểm thất nghiệp, theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy, tại điểm d, khoản 3, Điều 60 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là không bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (trên 144 tháng).

Ảnh 1- Đại biểu Quốc hội Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) phát biểu tại hội trường. Ảnh Quang Khánh
Đại biểu Quốc hội Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) phát biểu tại hội trường. Ảnh Quang Khánh

Trong khi đó, tại khoản 2, Điều 65 dự thảo luật quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ đóng đủ 12 tháng thì được hưởng thêm một tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy kiến nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu lại các quy định này, vì quy định như Dự thảo luật sẽ gây thiệt thòi cho người có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dài hơn (trên 144 tháng). Theo đó, Đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị nên điều chỉnh quy định trên theo hướng là người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tương đương với thời gian đã đóng.

“Có nghĩa là đóng đủ 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp hoặc nếu vẫn giữ quy định là cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm một tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng thì cần phải quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng sẽ được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

Như thế, sẽ phù hợp hơn, đảm bảo tối đa quyền lợi chính đáng của người đóng bảo hiểm thất nghiệp là có đóng có hưởng một cách tương xứng. Đây cũng là một trong những vấn đề mà người lao động thật sự rất quan tâm, vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động, nhất là những người bị thất nghiệp và đang gặp khó khăn”, Đại biểu Chamaléa Thị Thủy chia sẻ.

Cần quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về việc làm

Liên quan đến chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã quy định về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm là tại Mục 10 của Chương VII. Vì vậy, Đại biểu Chamaléa Thị Thủy bày tỏ băn khoăn với các chính sách khác nếu vi phạm thì sẽ được giải quyết như thế nào?

“Khi người lao động bị lừa “việc nhẹ, lương cao”, mà trong thời gian qua đa số nạn nhân là người trẻ tuổi, nhận thức xã hội còn chưa đầy đủ, người lao động ở nông thôn, vùng khó khăn rất cần việc làm nên dễ rơi vào bẫy. Trong trường hợp này nạn nhân và gia đình họ sẽ cầu cứu đến cơ quan cụ thể nào để được hỗ trợ giải quyết hoặc ví dụ như hành vi truy cập, khai thác, cung cấp cơ sở dữ liệu về người lao động trái pháp luật và các hành vi bị cấm khác, nếu vi phạm thì sẽ xử lý ra sao? Cơ quan chức năng cụ thể nào có thẩm quyền để tiếp nhận và giải quyết ?”, đại biểu Chamaléa Thị Thủy nêu vấn đề.

Ảnh 3- Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Ản
Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Ảnh VGP

Trước thực tế trên, đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào cho phù hợp. Trong đó, rà soát, nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật các quy định để đảm bảo trách nhiệm quản lý nhà nước về việc làm.

Cụ thể, tại Chương VIII quy định quản lý nhà nước về việc tại Điều 90, Điều 91, Điều 92, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung vì quy định như Dự thảo là chưa rõ trách nhiệm. Đơn cử, tại khoản 4, Điều 90 có quy định nội dung về quản lý nhà nước về việc làm là kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về việc làm.

Cùng với đó, đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị cần nghiên cứu bổ sung các biện pháp để xử lý đối với các hành vi vi phạm các chính sách pháp luật về việc làm. Dự thảo luật đã quy định nhiều chính sách có liên quan đến việc làm như trên đã nêu, việc xác định trách nhiệm quản lý nhà nước về việc làm theo dự thảo luật là rất chung chung và cũng chưa quy định hình thức xử lý như thế nào đối với các hành vi vi phạm pháp luật về việc làm. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật các hình thức xử lý vi phạm pháp luật để hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước về việc làm, đại biểu Chamaléa Thị Thủy kiến nghị.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Cần bảo đảm tối đa quyền lợi chính đáng của người đóng bảo hiểm thất nghiệp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO