Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuậtGiải bài toán xung đột quy chuẩn kỹ thuật địa phương
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được thảo luận ở hội trường sáng 10/5, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân cho rằng: Để tăng hiệu lực thực thi, cần bổ sung cơ chế hậu kiểm hiệu quả, siết chặt điều kiện xã hội hóa tiêu chuẩn, đặc biệt là giải quyết dứt điểm tình trạng xung đột quy chuẩn kỹ thuật giữa Trung ương và địa phương.
Việc ban hành tràn lan các quy chuẩn địa phương đang trở thành rào cản lớn cho doanh nghiệp, làm xói mòn kỷ cương pháp luật.
Bổ sung quy định hậu kiểm trong đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật
Đại biểu nhất trí cao sự cần thiết ban hành và cho rằng Dự thảo lần này đã làm rõ hơn một số vấn đề cốt lõi, đặc biệt là việc xác định địa vị pháp lý của quy chuẩn kỹ thuật, mở rộng cơ chế xã hội hóa xây dựng tiêu chuẩn, và thúc đẩy tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực.
Theo đó, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định vấn đề hậu kiểm trong Luật. Bởi, dự thảo Luật hiện đang mới chỉ quy định phương thức tiền kiểm, tập trung vào khâu ban hành, thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhưng chưa quy định rõ ràng về việc kiểm tra sau khi đã áp dụng - đặc biệt là kiểm tra tính phù hợp, tác động thực tế và khả năng gây cản trở thị trường. Mặc dù dự thảo Luật đã cho phép doanh nghiệp tự đánh giá hợp quy, nhưng việc đánh giá này vẫn phải dựa trên kết quả thử nghiệm tại tổ chức thử nghiệm được công nhận, thừa nhận hoặc chỉ định.

Qua rà soát, hiện nay vẫn còn có một số quy chuẩn kỹ thuật không còn phù hợp, nhưng vẫn được duy trì do thiếu cơ chế rà soát định kỳ hoặc phản hồi từ doanh nghiệp không được tiếp nhận đầy đủ. Để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn hiện đại không chỉ cần minh bạch về xây dựng, mà còn phải liên tục cập nhật theo công nghệ, thị trường và cam kết quốc tế. Để ngăn chặn lạm dụng hoặc áp dụng sai quy chuẩn, một số địa phương, cơ quan áp dụng quy chuẩn theo cách quá mức hoặc không thống nhất, gây chi phí lớn cho doanh nghiệp.
Theo đại biểu, việc quy định hậu kiểm trong hoạt động đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật tạo ra sự linh hoạt cho các cơ quan quản lý chuyên ngành trong đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm và đưa ra biện pháp quản lý phù hợp, cân bằng được giữa chi phí xã hội bỏ ra để giám sát an toàn và lợi ích thu được từ việc giám sát đó. Khi cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm sản phẩm lưu thông trên thị trường, nếu phát hiện vi phạm thì doanh nghiệp bị truy cứu trách nhiệm và thu hồi toàn bộ sản phẩm liên quan.
Xã hội hóa đủ mạnh để tạo chuyển biến thực chất
Dự thảo Luật đã mở rộng cơ chế xã hội hóa trong xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ tham gia đề xuất tiêu chuẩn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, rút ngắn thời gian tiếp cận công nghệ mới.
Đối với hoạt động xây dựng tiêu chuẩn cơ sở của doanh nghiệp, hiện đang tồn tại tình trạng doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở chỉ để hợp thức hóa hồ sơ, không bảo đảmchất lượng, thậm chí sao chép tiêu chuẩn cũ; đồng thời, không có đơn vị nào kiểm tra mức độ phù hợp, dẫn đến lệch chuẩn, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh. Cùng với nội dung về hậu kiểm, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu: xây dựng, quy định chi tiết về tăng cường hậu kiểm và công khai thông tin tiêu chuẩn cơ sở. Cùng với đó, quy định rõ trách nhiệm pháp lý nếu tiêu chuẩn không đúng thực tế.
Theo đại biểu Lã Thanh Tân, chủ trương mở rộng xã hội rất tích cực và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, các quy định về xã hội hóa tiêu chuẩn trong dự thảo Luật vẫn chưa thật sự đủ mạnh để tạo chuyển biến thực chất. Theo đó, nếu chỉ dừng ở mức “khuyến khích đề xuất” mà không có cơ chế bảo đảm các đề xuất đó được tiếp nhận, đánh giá công bằng và xử lý hiệu quả, hoặc không có ưu tiên áp dụng nhanh đối với tiêu chuẩn do doanh nghiệp đầu ngành xây dựng, khả năng thực thi sẽ hạn chế, dễ trở thành hình thức. Do đó, cần có quy định về cơ chế bảo đảm quyền và lộ trình xử lý xác đề xuất xã hội hóa, chẳng hạn như “Các tiêu chuẩn kỹ thuật được đề xuất bởi tổ chức khoa học công nghệ hoặc hiệp hội có đủ năng lực sẽ phải được đưa vào chương trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia/nhà nước trong thời hạn 12 tháng kể từ khi đủ hồ sơ”.
Đại biểu nhấn mạnh, việc mở rộng xã hội hóa nếu không đi kèm các tiêu chí rõ ràng về năng lực của tổ chức đề xuất, quy trình phản biện độc lập và thẩm định minh bạch thì có thể phát sinh nguy cơ lợi ích nhóm, khi một số tiêu chuẩn được thiết kế thiên về bảo vệ sản phẩm, công nghệ riêng của doanh nghiệp lớn, gây cản trở cạnh tranh. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định rõ quy trình phản biện độc lập đối với tiêu chuẩn do khu vực tư nhân đề xuất; quy định giao Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định lại toàn bộ tiêu chuẩn đề xuất, bảo đảm tiêu chí khách quan, công bằng, minh bạch.
Dự thảo Luật nhấn mạnh xã hội hóa tiêu chuẩn nhằm rút ngắn thời gian tiếp cận công nghệ mới, để đạt được mục tiêu này, theo đại biểu, cần có sự liên thông giữa tiêu chuẩn tự nguyện và quy chuẩn bắt buộc.
Làm rõ thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương
Hiện nay, nhiều địa phương ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, nhưng lại không rõ căn cứ pháp lý, gây trùng lắp, mâu thuẫn với quy chuẩn quốc gia, hoặc luật chuyên ngành, hoặc ban hành quy chuẩn trái thẩm quyền, hoặc gắn tiêu chuẩn thành điều kiện bắt buộc trong quản lý hành chính. Thậm chí, có tình trạng mỗi địa phương một kiểu áp dụng, làm doanh nghiệp gặp rào cản khi triển khai dự án liên vùng (ví dụ như trong xây dựng, môi trường, an toàn thực phẩm…).
Nhấn mạnh thực trạng trên, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương: quy định rõ trong trường hợp nào UBND cấp tỉnh được ban hành quy chuẩn địa phương, điều kiện gì, có cần ý kiến thẩm định của bộ chuyên ngành hay không. Thiết lập cơ chế rà soát, giám sát, thống nhất áp dụng giữa trung ương và địa phương: giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thiết lập Cơ sở dữ liệu quốc gia về quy chuẩn kỹ thuật địa phương, giúp các địa phương tham chiếu chéo và doanh nghiệp dễ tiếp cận. Bổ sung nguyên tắc xử lý xung đột pháp luật giữa quy chuẩn kỹ thuật địa phương và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: ưu tiên áp dụng quy chuẩn quốc gia nếu có sự chồng lấn, trừ khi được cho phép theo quy định riêng.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào Điều 9 hành vi bị nghiêm cấm: “Nghiêm cấm sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật không phải là quy chuẩn kỹ thuật làm điều kiện bắt buộc trong quản lý hành chính, cấp phép, thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế xử lý, thu hồi quy chuẩn địa phương ban hành trái thẩm quyền hoặc nội dung sai. Chẳng hạn, giao Bộ quản lý ngành có quyền yêu cầu thu hồi hoặc đình chỉ hiệu lực đối với quy chuẩn kỹ thuật địa phương ban hành sai thẩm quyền, sai nội dung, hoặc gây mâu thuẫn pháp lý.