Chính trị

Dự thảo Luật Nhà giáo:Khuyến khích phát triển đội ngũ nhà giáo

Nhật An 07/05/2025 07:33

Với mong muốn dự thảo Luật Nhà giáo sau khi được Quốc hội ban hành sẽ giúp tạo đột phá cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước nhà, các đại biểu Quốc hội đề nghị, chính sách phát triển nhà giáo cần quy định cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi nhằm thu hút, trọng dụng người tài, để đội ngũ giáo viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn.

Quy định chặt chẽ chính sách hỗ trợ, thu hút, trọng dụng nhà giáo

So với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ Tám, dự thảo Luật lần này bỏ quy định về xét tăng 1 bậc lương đối với nhà giáo được tuyển dụng lần đầu; chỉnh lý quy định về tiền lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; bổ sung chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà ở bằng với mức thuê nhà ở công vụ đối với nhà giáo được điều động đến công tác tại khu vực khó khăn; bổ sung đối tượng nhà giáo được hưởng chính sách thu hút, trọng dụng là nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục, nghiên cứu khoa học trong một số lĩnh vực trọng yếu, thiết yếu theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, dự thảo Luật đã quy định, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp (điểm a khoản 1 Điều 25); ngoài ra, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng được quy định bởi pháp luật (điểm b khoản 1 Điều 25).

qc1(1).jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quan tâm đến quy định về chính sách thu hút, trọng dụng đối với nhà giáo, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nhấn mạnh, đây là những chính sách rất quan trọng trong bối cảnh nước ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, là chính sách trụ cột để thu hút người tài, thu hút giáo viên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Do vậy, quy định cần phải chặt chẽ, khả thi nhằm tránh việc trục lợi chính sách.

Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị, đối tượng cần phải được quy định rõ hơn; các quy định này cần kế thừa các quy định về tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, nên quy định các tiêu chí cụ thể để xác định người có trình độ cao, người tài, người có năng khiếu đặc biệt, người có kỹ năng nghề cao để xác định đối tượng ưu tiên cho phù hợp.

Góp ý vào các quy định về nguyên tắc quản lý, phát triển nhà giáo tại Điều 5 dự thảo Luật, ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) nhấn mạnh, các quy định này là rất cần thiết nhưng chưa phản ánh bản chất quản lý và phát triển nhà giáo. “Nội dung quản lý còn thiên về chi phối đội ngũ nhà giáo chứ chưa chú trọng đưa ra các nguyên tắc quản lý là làm gì, nội dung phát triển nhà giáo cũng không nêu được rõ phát triển nhà giáo là làm gì và như thế nào…”.

Đại biểu cho rằng, việc phát triển nhà giáo ở các cơ sở giáo dục cần phải nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ nhà giáo để bảo đảm một giáo viên có thể dạy được các chuyên đề khác nhau như việc giáo viên dạy một số môn tích hợp theo chương trình đổi mới giáo dục phổ thông mới. Thực tế hiện nay đang có tình trạng một giáo viên được đào tạo để dạy một phân môn nhưng chỉ qua một số buổi tập huấn thì lại có thể được phân công dạy nhiều môn trong tổ hợp đó.

Đại biểu Trần Khánh Thu cũng nhận thấy, dự thảo Luật đã quy định về chế độ tiền lương đối với nhà giáo, tuy nhiên với việc xã hội hóa giáo dục giúp chuyển nguồn chi từ ngân sách nhà nước sang nguồn kinh phí thu từ học phí của các đơn vị sự nghiệp tự chủ, vì vậy, các quy định về chế độ tiền lương cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với cơ chế tự chủ của các đơn vị.

Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật quy định khá nhiều nội dung có liên quan và cần đến nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị, cần rà soát các quy định nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh gây vướng mắc trong triển khai, nhất là những quy định về cơ chế thực hiện tự chủ, chế độ nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, chính sách thu hút nhà giáo, chính sách đào tạo nguồn giáo viên hay các chính sách quy định về lương, phụ cấp đối với giáo viên mầm non, ngay cả chính sách lương nhà giáo xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp bởi vì nếu áp dụng với các cơ sở giáo dục tự chủ thì những cơ sở ở địa phương không bảo đảm được tài chính sẽ khó triển khai được các chính sách ưu việt này.

Cần quy chế đặc thù để hạn chế dạy thêm, học thêm tự phát tràn lan

Một nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là quy định cấm việc ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức (điểm c, khoản 2, Điều 11 dự thảo Luật). Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nêu rõ, việc tổ chức, quản lý hoạt động dạy thêm cần được quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm.

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, vấn đề dạy thêm, học thêm được xã hội rất quan tâm và vừa rồi Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông tư về vấn đề này. Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu chương trình, lượng kiến thức trong chương trình và cách dạy ở trường giúp người học “nắm” được hết kiến thức và về nhà người học chỉ ôn lại bài cũ thì sẽ không có nhu cầu học thêm, không có chuyện dạy thêm.

“Vấn đề ở đây có phải là do chương trình, lượng kiến thức trong chương trình hiện nay nặng quá không?” Đặt câu hỏi này, đại biểu Tô Văn Tám cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại để bảo đảm chương trình và lượng kiến thức trong chương trình phù hợp với khả năng tiếp thu của người học.

Đại biểu Trần Khánh Thu nhận thấy, dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về vấn đề dạy thêm, học thêm và nêu quan điểm, cần nhìn nhận vấn đề này xuất phát từ nhu cầu học tập của xã hội chứ không nên quy ra việc giáo viên ép buộc người học tham gia học thêm.

“Nhiều con em chúng ta vẫn tham gia các trung tâm học tiếng Anh, học văn hóa, học các môn nhạc, mỹ thuật…". Nêu thực tế này, đại biểu Trần Khánh Thu cũng nhấn mạnh, nhu cầu học thêm là chính đáng của học sinh và việc giáo viên dạy thêm cũng hoàn toàn chính đáng, song cần chống lại hiện tượng tiêu cực là giáo viên ép học sinh tham gia học thêm.

Do vậy, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần có quy định để tổ chức hoạt động này một cách chính thống như các loại hình dịch vụ khác, có nền nếp, có quy định nhằm hạn chế được tiêu cực. Luật hóa cấm dạy thêm, học thêm tự phát là cần thiết và cần giao Chính phủ hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ quy chế về dạy thêm, học thêm theo hướng công khai; xây dựng các quy chế đặc thù để hạn chế việc dạy thêm, học thêm tự phát tràn lan, tránh lãng phí và không cần thiết.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dự thảo Luật Nhà giáo: Khuyến khích phát triển đội ngũ nhà giáo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO