Quốc hội và Cử tri

Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử: Đề xuất quy định rõ về cơ quan pháp quy hạt nhân

Minh Châu 14/05/2025 06:40

Theo Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Chính phủ quy định về cơ quan pháp quy hạt nhân để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia và đại biểu Quốc hội đề xuất cần quy định rõ về cơ quan này trong Luật - điều này có thực sự cần thiết?

Chuyên gia đề xuất đưa vào luật

PGS.TS Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, theo quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các điều ước quốc tế liên quan, Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia phải được quy định rõ trong luật. Đây là một chủ thể quan trọng được pháp luật giao trách nhiệm, thẩm quyền và được bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện các chức năng pháp quy hạt nhân nhằm bảo vệ con người, tài sản và môi trường khỏi các tác hại không mong muốn của bức xạ. Trong đó có trách nhiệm về cấp phép, thẩm định, đánh giá, thanh tra và xử lý vi phạm đối với các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khảo sát thực địa dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận tháng 3/2025. Ảnh: Djuang Niê

Luật Năng lượng nguyên tử 2008 có Điều 8 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan pháp quy hạt nhân. Tuy nhiên, trong các quy định về sau của luật ở các lĩnh vực quản lý liên quan lại không giao cho cơ quan này đầy đủ các trách nhiệm và thẩm quyền như quy định. Trách nhiệm pháp quy hạt nhân đã được giao cho quá nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân, kể cả Thủ tướng.

Tới dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) lần này không còn quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan pháp quy hạt nhân. Thay vào đó, Điều 7 dự thảo Luật nêu: “Chính phủ quy định về cơ quan pháp quy hạt nhân để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân”.

Ông Tấn lưu ý, đây là vấn đề cần được xem xét để bảo đảm theo hướng dẫn của IAEA. Ông cho biết, sau khi Quốc hội thông qua Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, IAEA đã phản hồi về các bất cập của Luật, trong đó có quy định về cấp phép cho dự án điện hạt nhân và trách nhiệm, thẩm quyền của Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia (Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân).

“Việc quy định rõ về cơ quan pháp quy hạt nhân trong Luật Năng lượng nguyên tử, cùng với các trách nhiệm và thẩm quyền của nó, là phù hợp với Nguyên tắc cơ bản về an toàn và an ninh hạt nhân của IAEA cũng như phù hợp với trách nhiệm của quốc gia trong Công ước An toàn hạt nhân, Công ước chung về an toàn chất thải phóng xạ và an toàn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng mà Việt Nam đã tham gia. Có thể quy định như vậy không phù hợp với thông lệ của Việt Nam, nhưng nó là đặc thù của lĩnh vực năng lượng nguyên tử mà chúng ta phải tuân thủ”, PGS. TS Vương Hữu Tấn nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia này, tính độc lập của Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia phải được tuân thủ, đặc biệt trong quản lý an toàn dự án điện hạt nhân. Tính độc lập này để tránh việc “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong quản lý an toàn, như đã từng xảy ra trong Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã giao Bộ Công Thương cấp phép vận hành cho nhà máy điện hạt nhân, trong khi nhà máy điện hạt nhân lại thuộc quyền quản lý của chính bộ này.

TS. Đặng Thanh Lương, nguyên Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cũng cho rằng, dự thảo Luật mới nêu trách nhiệm của chủ đầu tư một cách chung chung; chưa xác định vai trò trung tâm của Cơ quan quản lý về an toàn bức xạ và hạt nhân quốc gia. Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương chưa được phân công rõ ràng. “Việc thiếu phân định trách nhiệm cụ thể dễ dẫn đến xung đột, buông lỏng quản lý trong quá trình triển khai”, TS. Đặng Thanh Lương lo ngại.

Đại biểu Quốc hội tán thành

Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia cũng là mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) vào ngày 6/5.

Theo Báo cáo tổng hợp ý kiến ĐBQH thảo luận tại tổ về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, cơ quan pháp quy hạt nhân cần bảo đảm tính độc lập theo quy định của IAEA và các công ước quốc tế. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật để bảo đảm tương thích với các công ước an toàn hạt nhân, công ước quốc tế và khuyến cáo của IAEA. Đồng thời, cần quy định các nội dung mang tính nguyên tắc, quan điểm để Chính phủ quy định, bảo đảm tính độc lập, minh bạch và tránh xung đột trong quản lý nhà nước về an toàn hạt nhân cũng như cấp phép các hoạt động.

Bên cạnh đó, có đại biểu phản ánh: theo quy định hiện hành, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân và quản lý nhà nước về nghiên cứu, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử. Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ hiện chỉ có một cơ quan là Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, được giao quản lý cả hai nội dung này dẫn đến sẽ vi phạm tính độc lập. Bởi lẽ, theo IAEA, cơ quan quản lý về an toàn chỉ làm về an toàn và cần tách biệt hoạt động ứng dụng, phát triển.

Đồng thời, có đại biểu cho rằng, khoản 2 Điều 7 quy định việc quản lý nhà nước bao gồm cả việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; song Cục An toàn bức xạ và hạt nhân của Bộ Khoa học và Công nghệ không thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ sẽ có vướng mắc theo tiêu chuẩn của IAEA. Do vậy, đại biểu đề nghị cần có các điều khoản cụ thể hơn để quy định về cơ quan pháp quy hạt nhân, bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn để vận hành, điều hành hoạt động giữa các cơ quan, nhà máy điện hạt nhân.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử: Đề xuất quy định rõ về cơ quan pháp quy hạt nhân
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO